Học phí đại học Y Hà Nội chia thành hai nhóm, theo đề án tuyển sinh áp dụng năm học này.
Trong đó, 6 ngành là Y khoa, Y học cổ truyền, Khúc xạ nhãn khoa, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng và Điều dưỡng chương trình tiên tiến tại trụ sở Hà Nội thuộc nhóm phải tự đảm bảo chi thường xuyên. Nhóm này có học phí dự kiến từ 41,8 đến 55,2 triệu đồng một năm.
Nhóm còn lại là các đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên, gồm Răng-Hàm-Mặt, Y học dự phòng, Y tế công cộng, Dinh dưỡng, Y khoa và Điều dưỡng tại phân hiệu Thanh Hóa. Học phí nhóm này từ 20,9 đến 27,6 triệu đồng.
So với mức thu hơn 15,7 triệu đồng, áp dụng từ năm học 2021-2022 với tất cả ngành, học phí năm nay của Đại học Y Hà Nội tăng khoảng 1,3 đến 3,5 lần. Ngành Y khoa thu cao nhất, bằng mức thu ngành này ở trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Theo Nghị định 81 năm 2021, nhóm ngành Sức khỏe có mức tăng học phí cao nhất. Mức trần học phí nhóm ngành Y, Dược ở các trường đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên (chưa tự chủ) là 24,5-35 triệu đồng một năm, theo lộ trình tới năm học 2025-2026.
Các trường công lập đã tự chủ được thu học phí bằng 2-2,5 lần mức trần nêu trên. Với chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc đạt kiểm định nước ngoài, trường đại học được tự quyết học phí.
Từ năm ngoái, cũng như nhiều đại học khác, nhóm trường Y đã công bố mức học phí mới. Tuy nhiên sau đó Chính phủ yêu cầu dừng lại để hỗ trợ người dân sau đại dịch Covid-19.
Trước mùa tuyển sinh 2023-2024, nhiều trường dự kiến tăng học phí trở lại. Tuy nhiên, tại cuộc họp với Bộ Giáo dục và Đào tạo hôm 10/5, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng cần sửa đổi Nghị định 81 để có lộ trình thích hợp, sớm áp dụng chính sách học phí theo hướng tính đúng, tính đủ để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, nghề nghiệp.
Hiện, kỷ lục về học phí Y khoa thuộc về trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (TP HCM) với mức thu 250 triệu đồng một năm ở ngành Răng-Hàm-Mặt. Ở các trường công lập, chương trình Y khoa Việt-Đức của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch thu cao nhất với 209 triệu đồng một năm. Tiếp đến là là chương trình Răng-Hàm-Mặt của Đại học Y Dược TP HCM với 77 triệu đồng một năm.
Cùng với tăng học phí, Đại học Y Hà Nội tăng 200 chỉ tiêu so với năm ngoái, nâng tổng số sinh viên tuyển trong năm nay lên 1.370. Trường giữ ổn định hai phương thức tuyển sinh gồm xét điểm thi tốt nghiệp THPT và xét kết hợp chứng chỉ tiếng Anh hoặc Pháp với điểm thi. Ngoài ra, trường tuyển thẳng thí sinh đạt giải quốc gia, quốc tế theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Năm ngoái, điểm chuẩn Đại học Y Hà Nội theo kết quả thi tốt nghiệp từ 19 đến 28,15, cao nhất với ngành Y khoa, thấp nhất là ngành Điều dưỡng tại phân hiệu Thanh Hoá.
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/hoc-phi-y-khoa-y-ha-noi-tang-hon-3-lan-4614892.html