Hồ Natron là nơi sinh sản chủ chốt của hồng hạc nhưng động vật có nguy cơ bị đông cứng vĩnh viễn trong lớp muối của hồ nếu mon men tới gần bờ. Vi khuẩn khiến nước hồ có màu đỏ máu nằm trong số sinh vật ít ỏi có thể chịu được nhiệt độ trung bình 26 độ C, nồng độ muối cao chí mạng và độ kiềm của hồ Natron, Mail hôm 22/3 đưa tin.
Vật thể rơi xuống nước sẽ phân hủy nhanh chóng trong khi những vật ở mép hồ bị bao bọc trong muối và “hóa đá”, theo nhà sinh thái học David Harper ở Đại học Leicester. Điều kiện khắc nghiệt của hồ nước liên quan tới núi lửa Ol Doinyo Lengai ở gần đó. Đây là núi lửa còn hoạt động duy nhất phun ra dung nham natrocarbonatite. Loại dung nham này đổ vào hồ qua mạng lưới suối chảy qua núi lửa, góp phần dẫn tới nồng độ kiềm trên ngưỡng pH 10.
Chỉ có duy nhất hồng hạc, loài ăn vi khuẩn lam giàu dưỡng chất trong nước, đổ tới khu vực này để ghép đôi. Tuy nhiên, ngay cả chúng cũng không thể thoát khỏi điều kiện khắc nghiệt của hồ, trở thành nạn nhân bị bọc trong lớp xi măng bằng muối.
“Tôi tìm thấy nhiều sinh vật như chim và dơi dạt vào dọc bờ hồ Natron. Không ai biết chính xác chúng chết như thế nào, nhưng thành phần soda và muối trong hồ là quá cao, nó đã lột bỏ lớp mực khỏi hộp đựng phim Kodak của tôi chỉ trong vài giây”, nhiếp ảnh gia Nick Brandt chia sẻ trong cuốn sách về hồ nước.
Ngoài xác động vật, hồ Natron còn lưu giữ lịch sử 19.000 năm. Ngay lập tức sau khi dấu chân in lên lớp bùn và tro ướt, trầm tích khô và cứng lại, theo tiến sĩ Cynthia Luitkius-Pierce, nhà địa chất học ở Đại học Appalachian. Lớp bùn bảo quản dấu chân được cho là trôi xuống từ núi lửa Ol Doinyo Lengai cùng lượng lớn tro. Bề mặt khô dần trong vài ngày, thậm chí vài giờ, bảo quản dấu chân. Lớp bùn lưu giữ dấu vết của tổ tiên loài người, hoạt động và hành vi của họ ở thế Canh Tân dọc theo bờ hồ Natron.
An Khang (Theo Mail)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/ho-nuoc-mau-do-mau-bien-moi-dong-vat-thanh-da-4584517.html