Kể từ khi ra mắt, TikTok đã trở thành nền tảng truyền thông xã hội để tìm kiếm mọi thông tin. Theo dữ liệu do Adweek công bố, genZ (những người sinh từ năm 1997 đến 2012) sử dụng TikTok để tra cứu thông tin nhiều hơn Google.
Thanh thiếu niên cũng ưa thích dùng TikTok để tìm hiểu về các vấn đề sức khỏe tình dục hơn là những lớp học giáo dục giới tính tại trường. HealthTok là một trong những nhóm nội dung phát triển nhanh nhất trên nền tảng này. Hashtag #Sứckhỏe có tới 50 tỷ lượt xem, trong đó 1,5 tỷ lượt là những clip về sức khỏe tình dục.
Theo nghiên cứu trên 2.000 người do Superdrug Online Doctor (SOD) công bố, 80% sử dụng mạng xã hội để tiếp cận các thông tin sức khỏe, 43% cho biết họ tìm hiểu về vấn đề tình dục trên TikTok nhiều hơn là từ trường học.
Tuy nhiên, không phải thông tin nào trên nền tảng này cũng chính xác. Do không có các quy trình kiểm duyệt mang tính chuyên môn, mạng xã hội là nơi bất kỳ ai cũng có thể đăng tải nội dung về chủ đề có tính tác động đến người xem. 59% tình nguyện viên trong khảo sát của SOD biết họ từng xem được những nội dung sai sự thật, gây hiểu lầm.
Cuối năm 2021, nhiều tài khoản TikTok lan truyền thông tin “xem phim khiêu dâm là loại hình gây nghiện nhất, bởi khi nhìn thấy một phụ nữ hấp dẫn, não bộ giải phóng chất dẫn truyền thần kinh dopamine”.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Giáo dục, Tư vấn và Trị liệu Tình dục Mỹ (AASECT), hiện chưa đủ bằng chứng để phân loại nghiện sex hoặc nghiện phim khiêu dâm là chứng rối loạn sức khỏe tâm thần.
Kennedy Claud, nghiên cứu sinh về sức khỏe và sinh lý con người tại Đại học Arizona, cho biết lượng thông tin sai lệch không được kiểm duyệt trên TikTok rất lớn.
“Trong phần bình luận, người xem không biết những nội dung này có chính xác hay không. Người làm clip sẽ chặn hoặc xóa các ý kiến trái chiều để tiếp tục truyền bá thông tin sai lệch. Thật khó chịu khi không có quy định nào. Nhiều người đã dành cả thời gian và tiền bạc để học hỏi các kiến thức đó”, cô nói.
Theo các chuyên gia, xem nội dung không chính xác, gây hiểu lầm có thể khiến mọi người, nhất là thanh thiếu niên tự chẩn đoán sai, gây lo lắng không cần thiết do thiếu kiến thức chuyên môn.
Khảo sát của Superdrug Online Doctor cũng chỉ ra rằng xem các nội dung sai lệch còn tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần, sự tự tin, các mối quan hệ cá nhân và đời sống của mọi người. Hơn 50% tình nguyện viên cho biết các thông tin không chính xác trên TikTok ảnh hưởng sức khỏe và cuộc sống của họ.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tránh rơi vào bẫy nội dung sai lệch trên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt ở lĩnh vực sức khỏe. Smriti Joshi, chuyên gia tâm lý học tại Viện Sức khỏe Viễn thông, cho biết mạng xã hội có các thuật toán kết nối những mẩu thông tin với nhau. Vì vậy, điều quan trọng là cần kiểm tra tính chính xác của từng thông tin riêng biệt.
“Luôn đảm bảo truy xét nguồn thông tin bạn đang truy cập. Nó có phải từ người đáng tin cậy như chuyên gia chăm sóc sức khỏe có trình độ, được cấp phép hoặc từ những cơ quan như Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) hay không. Truy cập vào các trang chính thống thế này sẽ giúp bạn tránh theo dõi những bài đăng gây hiểu lầm”, bà nói.
Mẹo khác để phát hiện thông tin sai lệch là xin ý kiến từ các bác sĩ gia đình. Khi tiếp nhận nội dung mới, có tính tiên phong, cách mạng hoặc gây hoang mang, mọi người cần mang tâm lý “không có phương pháp, loại thuốc trị bệnh nào tốt hoàn toàn”. Bên cạnh đó, mỗi người khác nhau sẽ có nhu cầu khác biệt.
“Đừng tham gia vào một trào lưu uống hỗn hợp thảo mộc hoặc thử thách về sức khỏe tinh thần nào đó chỉ vì nhiều người trên mạng xã hội cùng làm. Tất cả chúng ta đều có cơ thể, nhu cầu riêng biệt, tốt nhất nên nhận lời khuyên từ nguồn đáng tin cậy một cách có hiểu biết”, tiến sĩ Smriti nói thêm.
Thục Linh (Theo Huffington Post)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/hiem-hoa-tu-viec-tim-hieu-suc-khoe-tinh-duc-tren-tiktok-4584836.html