Bộ Quốc phòng Mỹ đang sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) thị giác máy tính để hỗ trợ nỗ lực cứu hộ thiên tai đang diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau khi thảm họa động đất hôm 6/2 cướp đi tính mạng hàng chục nghìn người, Interesting Engineering hôm 21/2 đưa tin. Hệ thống AI mang tên xView2 vẫn đang ở giai đoạn phát triển ban đầu nhưng đã được triển khai để giúp đỡ các nhiệm vụ cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ.
xView2 là dự án nguồn mở được tài trợ và phát triển bởi Đơn vị Sáng kiến Quốc phòng của Lầu Năm Góc và Viện Kỹ thuật Phần mềm thuộc Đại học Carnegie Mellon. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn cộng tác với nhiều tổ chức và công ty lớn, bao gồm Microsoft. Hệ thống sử dụng thuật toán học máy trên ảnh vệ tinh để phân loại thiệt hại ở khu vực thiên tai tốc độ nhanh hơn nhiều so với các phương pháp hiện nay.
Hệ thống xView2 ứng dụng kỹ thuật tương tự nhận dạng vật thể gọi là phân đoạn “semantic segmentation”. Phương pháp này tìm hiểu mỗi pixel trong ảnh vệ tinh và mối liên quan tới các pixel xung quanh để phân tích tình trạng của vật thể trên mặt đất. AI sau đó vạch rõ khu vực thiệt hại bằng màu đỏ. Nhờ sự hỗ trợ của học máy, phương pháp chỉ mất vài giờ để tiến hành thay vì hàng tuần như trước đây. xView2 cũng hiệu quả hơn nhiều phương pháp truyền thống vốn dựa vào lời kể của nhân chứng để đánh giá thiệt hại. Gần đây hơn, đội cứu hộ cũng sử dụng drone để rà soát khu vực lớn nhưng đó vẫn là quá trình tiêu tốn thời gian.
Phương pháp này đặc biệt quan trọng xét trên số lượng động đất riêng rẽ và dư chấn xảy ra từ khi trận động đất đầu tiên được ghi nhận hôm 6/2. Ví dụ, hôm 20/4, một trận động đất 6,3 độ khác diễn ra gần thành phố Antakya, sát biên giới Syria, khiến nhiều người mắc kẹt dưới đống đổ nát hơn.
xView2 cũng được dùng để đối phó với cháy rừng ở California cũng như phôi phục sau lũ lụt ở Nepal, giúp xác định thiệt hại từ lở đất gây ra bởi nước lũ. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, hệ thống AI được tận dụng bởi ít nhất hai đội tìm kiếm cứu hộ khác nhau tại Adiyam. Ritwik Gupta, nhà khoa học AI ở Đơn vị Sáng kiến Quốc phòng, cho biết xView2 có thể giúp tìm kiếm những khu vực thiệt hại mà nhân viên cứu hộ ít để ý tới.
Tuy nhiên, theo Gupta, vẫn có một số vấn đề cần khắc phục với hệ thống xView2. Ví dụ, một vấn đề là hệ thống phụ thuộc vào ảnh vệ tinh chụp ban ngày, có nghĩa hiện nay nó không thể nhanh chóng cung cấp dữ liệu về thảm họa xảy ra lúc sáng sớm hoặc ban đêm. Dịch vụ cũng có thể bị cản trở bởi độ che phủ mây.
An Khang (Theo Interesting Engineering)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/he-thong-ai-giup-cuu-nan-nhan-dong-dat-o-tho-nhi-ky-4573444.html