Năm nay, trường Đại học Phenikaa (Hà Nội) tuyển 220 sinh viên vào ngành Y khoa bằng ba phương thức gồm xét tuyển thẳng, dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và dựa vào học bạ THPT. Trong đó, phương thức xét học bạ dự kiến tuyển 30-40% tổng chỉ tiêu.
Với phương thức này, thí sinh nộp hồ sơ vào ngành Y khoa phải có học lực lớp 12 đạt loại giỏi, đồng thời có tổng điểm trung bình cộng ba môn trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 24 trở lên, tính theo hai học kỳ lớp 11 và học kỳ I lớp 12.
Cũng ở Hà Nội, trường Đại học Đại Nam dự kiến dành 60% trong tổng 380 chỉ tiêu ngành Y khoa để xét tuyển bằng học bạ. Thí sinh cần có học lực năm lớp 12 đạt loại giỏi, điểm xét tốt nghiệp từ 8 trở lên và tổng điểm ba môn theo tổ hợp xét tuyển đạt 24. Mức này chưa bao gồm ưu tiên khu vực và đối tượng.
Tại TP HCM, trường Đại học Văn Lang nhận hồ sơ học bạ với các tiêu chí tương tự trường Đại Nam. Tuy nhiên, ngoài xét điểm học bạ lớp 12, thí sinh có thể lựa chọn xét bằng điểm lớp 11 và học kỳ I lớp 12.
Trong khi trường Phenikaa, Đại Nam, Văn Lang quy định tổng điểm học bạ theo tổ hợp xét tuyển, nhiều trường tư thục khác chỉ đưa ra yêu cầu tối thiểu, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, thí sinh phải đạt học lực giỏi lớp 12, hoặc có điểm xét tốt nghiệp từ 8 trở lên.
Những trường này gồm Đại học Tân Tạo (Long An), trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Quốc tế Hồng Bàng (TP HCM), Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, trường Võ Trường Toản (Hậu Giang), hay trường Đại học Phan Chu Trinh (Quảng Nam). Tuy nhiên, có trường xét học bạ lớp 12, có trường xét 5 học kỳ. Do đa số chưa công bố đề án tuyển sinh nên chưa xác định số chỉ tiêu dành cho phương thức xét học bạ.
Với khối công lập, hầu hết trường không xét tuyển bằng kết quả học tập bậc THPT đối với ngành Y khoa. Riêng trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên, năm ngoái có sử dụng phương thức này nhưng chưa công bố phương án tuyển sinh năm nay.
Chia sẻ hồi cuối tháng 3 về việc xét tuyển bằng kết quả học tập bậc THPT, bà Cao Quỳnh, Trưởng phòng Tuyển sinh trường Đại học Đại Nam, cho rằng điểm học bạ của thí sinh thể hiện kết quả học tập cả quá trình, được đánh giá bởi nhiều giáo viên THPT nên “rất đáng tin cậy”.
Kết hợp với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, bà Quỳnh cho biết thí sinh trúng tuyển bằng phương thức này đáp ứng tốt các yêu cầu của chương trình học, trình độ không khác biệt với thí sinh được tuyển từ các phương thức còn lại.
Cũng như các trường công lập, chương trình đào tạo Y khoa tại các đại học tư thục kéo dài 6 năm. Học phí dao động từ vài chục đến vài trăm triệu đồng một năm.
Như tại Đại học Phenikaa, học phí trung bình áp dụng với sinh viên ngành Y khoa là 150 triệu đồng một năm. Tuy nhiên, sinh viên nhập học năm nay được ưu đãi còn 75 triệu đồng. Từ năm thứ hai trở đi được giảm 40% học phí nhưng không quá 5 năm. Đại học Quốc tế Hồng Bàng thu 180 triệu đồng một năm với chương trình tiếng Việt và 220 triệu với chương trình tiếng Anh.
Hiện cả nước có 29 trường, học viện đào tạo ngành Y khoa, chủ yếu xét tuyển tổ hợp khối A00 (Toán, Lý, Hóa) và B00 (Toán, Hóa, Sinh). Một số trường tư thục xét thêm tổ hợp D07 (Toán, Hóa, tiếng Anh) hoặc D08 (Toán, Sinh, tiếng Anh).
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/hang-loat-truong-xet-hoc-ba-vao-nganh-y-4598706.html