11 trong số 16 trường không tuyển sinh hệ cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm nay do không có đặt hàng từ địa phương. Bốn trường khác đã sáp nhập và một trường chưa đăng ký chỉ tiêu đào tạo, theo công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 23/5.
Các địa phương không có nhu cầu đào tạo giáo viên mầm non ở các trường trên địa bàn gồm Bến Tre, Cà Mau, Bắc Ninh, Cao Bằng, Lâm Đồng, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bạc Liêu và Quảng Nam.
Danh sách trường và lý do ngừng tuyển sinh như sau:
TT | Trường | Ghi chú |
1 | Cao đẳng Bến Tre | Địa phương không có nhu cầu |
2 | Cao đẳng Cộng Đồng Cà Mau | Địa phương không có nhu cầu |
3 | Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh | Địa phương không có nhu cầu |
4 | Cao đẳng Sư phạm Cao Bằng | Địa phương không có nhu cầu |
5 | Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt | Địa phương không có nhu cầu |
6 | Cao đẳng Sư phạm Điện Biên | Địa phương không có nhu cầu |
7 | Cao đẳng Sư phạm Hà Tây | Trường đã sáp nhập |
8 | Cao đẳng Vĩnh Phúc | Địa phương không có nhu cầu |
9 | Cao đẳng Thừa Thiên Huế | Trường chưa đăng ký chỉ tiêu đào tạo |
10 | Cao đẳng Cần Thơ | Địa phương không có nhu cầu |
11 | Cao đẳng Vĩnh Long | Địa phương không có nhu cầu |
12 | Cao đẳng Sư phạm Hà Giang | Trường đã sáp nhập |
13 | Cao đẳng Cộng Đồng Bình Thuận | Trường đã sáp nhập |
14 | Cao đẳng Hải Dương | Trường đã sáp nhập |
15 | Đại học Bạc Liêu | Địa phương không có nhu cầu |
16 | Trường Đại học Quảng Nam | Địa phương không có nhu cầu |
Việc các địa phương không có nhu cầu đào tạo giáo viên mầm non hệ cao đẳng trái ngược với tình trạng thiếu giáo viên hiện nay.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết giai đoạn 2022-2026, cả nước thiếu hơn 38.900 biên chế giáo viên mầm non. Các địa phương “không có nhu cầu” nói trên đều thiếu, trong đó một số tỉnh thiếu nhiều như Quảng Nam (4.070), Vĩnh Long (2.340), Bắc Ninh (1.890), Cà Mau (1.750).
Theo Nghị định 116 năm 2020 của Chính phủ, sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền học phí và 3,63 triệu đồng một tháng chi phí sinh hoạt. Các tỉnh căn cứ thực trạng thừa – thiếu giáo viên để xác định nhu cầu, bố trí ngân sách đặt hàng các trường đào tạo. Những sinh viên theo diện này không phải bồi hoàn nếu làm trong ngành giáo dục sau khi tốt nghiệp dù ở đâu.
“Điều đó có nghĩa là tỉnh bỏ tiền đầu tư cho sinh viên, nhưng lại không có quyền đảm bảo em đó trở về làm việc. Đây là lý do các tỉnh dè dặt trong việc đặt hàng, dù thiếu người”, một hiệu trưởng cao đẳng sư phạm nhận định.
Ngoài ra, những năm gần đây thí sinh cũng ít mặn mà với việc học cao đẳng sư phạm mầm non. Như năm 2021, chỉ tiêu hệ này là hơn 8.500 nhưng chỉ khoảng 5.000 thí sinh nhập học. Các năm 2019, 2020, số nhập học đều hơn 4.000 trong khi chỉ tiêu gấp đôi.
Lý do theo nhiều nhà sư phạm là lương giáo viên mầm non thấp, sau 5 năm đạt 4,5 đến 4,7 triệu đồng nhưng công việc nặng nhọc. Trong khi đó, để trở thành giáo viên mầm non, người học mất ba năm cao đẳng theo quy định của Luật Giáo dục (năm 2020), thay vì chỉ cần tốt nghiệp hệ trung cấp với hai năm. Điều này khiến nhiều thí sinh thay đổi lựa chọn nghề nghiệp, chuyển sang học cao đẳng khác hoặc học thêm một năm để lấy bằng đại học.
Năm 2022, trong số hơn 16.000 giáo viên bỏ việc có tới 40% là giáo viên mầm non. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng nhận định lý do là lương thấp và áp lực công việc. Theo ông Sơn, các giáo viên mầm non phải đến trường từ rất sớm để đón học sinh, lo cho các cháu từ bữa ăn, giấc ngủ, học hành. Một ngày làm việc của những thầy cô này thường rất dài, người ở xa trường có khi từ 6h sáng đến 6h tối.
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/hang-loat-truong-dung-tuyen-cao-dang-su-pham-4609449.html