Phạm Thị Nguyệt Thu, 25 tuổi, đến điểm thi tại trường THCS&THPT Marie Curie, quận Hà Đông, lúc 12h23 ngày 9/4, song không được vào. Theo Nguyệt Thu, giấy báo thi ghi thời gian bắt đầu từ 12h50 đến 16h20.
“Lúc đó, cổng đã đóng và có 17 người đang đứng ngoài. Lúc sau, số lượng thí sinh không được vào lên tới 40 người”, Thu cho biết.
Theo cô, đại diện tại điểm thi của IIG – đơn vị duy nhất tổ chức kỳ thi TOPIK tại Việt Nam, trả lời theo quy định, thí sinh phải vào điểm thi trước 30 phút. Tuy nhiên, các thí sinh cho rằng trong các thông tin IIG gửi như quy định đăng ký, phiếu đăng ký dự thi đều không hề nhắc đến điều này.
Thu cho hay đợt thi TOPIK tiếp theo diễn ra vào tháng 7. Nếu đợi đến thời điểm đó, cô có thể lỡ học bổng thạc sĩ tại Hàn Quốc, nhiều thí sinh khác có kế hoạch du học sẽ bị ảnh hưởng.
“Có bạn òa khóc vì không kịp nộp hồ sơ cho trường”, Thu kể.
Lee Ha Seong, học sinh lớp 12, trường Quốc tế Hàn Quốc cũng tương tự. Lee có bố Hàn Quốc, mẹ Việt Nam, định nộp hồ sơ vào trường Đại học Yonsei, Hanyang và Sungkyunkwa. Em cho biết học sinh quốc tịch Hàn Quốc ở nước ngoài 12 năm không cần thi đại học, nhưng phải nộp hồ sơ gồm điểm số, hoạt động ngoại khóa, chứng chỉ tiếng Việt, Hàn Quốc và tiếng Anh. Theo quy định, Lee phải nộp hồ sơ khi đang học lớp 12, sau thời gian này sẽ không nộp được nữa.
“Em cần nộp trước tháng 7. Bây giờ không thi được TOPIK, em phải đợi đến tháng 7 mới có đợt thi tiếp theo nhưng lúc đó đã quá muộn. Em rất lo lắng”, Lee nói.
Nhóm thí sinh sau đó đứng chờ đến hơn 14h và yêu cầu đại diện điểm thi lập biên bản sự việc.
Một thí sinh ở điểm thi Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết khoảng 40 người không được thi. Trong khi đó, tại điểm thi Đại học Thủy Lợi, các thí sinh cho hay khoảng 20 người bị ảnh hưởng. Họ đã phản ánh đến IIG và yêu cầu giải quyết. Ngoài ra, tại các điểm thi ở Đà Nẵng và TP HCM, nhiều thí sinh rơi vào cảnh tương tự.
Nguyễn Thị Nguyên, sinh viên năm cuối ở Đà Nẵng cho hay đến điểm thi tại trường Đại học Đông Á vào lúc 9h20, sớm 20 phút so với giờ thi trên giấy báo, nhưng không được vào. Nữ sinh hiện cần chứng chỉ TOPIK để xét tốt nghiệp và đi làm.
Theo lời Nguyên, hơn 30 người đến trước cũng phải chịu cảnh đứng ngoài.
“Em gọi đường dây nóng của IIG thì nhận câu trả lời sao không chịu lên website xem. Dịch vụ khách hàng quá tệ”, Nguyên nhận xét.
Nữ sinh cho biết đại diện điểm thi nói thông tin về thời gian đã được đăng trên fanpage và website của IIG. Khi xem lại, Nguyên thấy chi tiết đó đăng trong một bài viết trên fanpage một ngày trước khi thi và trên website cách đây một tháng.
“Mọi người không có thời gian để lướt Facebook cả ngày”, Nguyên lý giải.
Còn tại TP HCM, Phạm Đăng Khôi, 22 tuổi, nói buộc phải ra về cùng khoảng 10 thí sinh khác khi không được dự thi ca sáng tại trường Đại học Kinh tế-Luật. Nam sinh vừa tốt nghiệp tính thi TOPIK để kịp du học vào tháng 6-7.
“Em đến trễ 3 phút. Giờ kế hoạch đi học của em bị thay đổi vì phải đợi đến tháng 7 mới thi được. Không có TOPIK, em gặp nhiều bất lợi”, Khôi cho hay.
Các thí sinh cho rằng ngoài việc không thông báo rõ ràng thời gian, IIG còn tắc trách khi buổi sáng có nhiều người đến muộn nhưng không hề đưa ra cảnh báo với các thí sinh thi buổi chiều.
Đại diện truyền thông của IIG, sáng 11/4 cho biết đã nhận được phản ánh. Đây là năm đầu tiên IIG tổ chức kỳ thi TOPIK. Theo IIG, quy định đến sớm 30 phút đã được đăng tải nhiều lần trong các quy định dự thi và trang thông tin chính thống của mình.
Tuy nhiên, vị này thừa nhận trên phiếu đăng ký dự thi không có thông tin “thí sinh phải đến sớm 30 phút”, chỉ yêu cầu có mặt tại địa điểm thi đúng giờ.
“Số thí sinh không được thi hôm 9/4 chỉ ở mức thiểu số nhưng dù hàng trăm hay chỉ một thí sinh cũng là điều đáng tiếc”, đại diện IIG nói, cho biết đang rà soát và sẽ phản hồi chi tiết tới các trường hợp khiếu nại sớm nhất.
TOPIK là kỳ thi kiểm tra năng lực tiếng Hàn gồm 6 cấp độ. Kỳ thi này được tổ chức đồng loạt ở các quốc gia trên thế giới, gồm 3 đợt thi vào năm 2023 (tháng 4, tháng 7 và tháng 11). Trong đó, đợt tháng 4 là kỳ thi thứ 87.
Tại Việt Nam, IIG là đơn vị duy nhất tổ chức kỳ thi. Trên các trang thông tin của IIG, kỳ thi lần thứ 87 diễn ra tại 12 điểm thi với gần 25.200 suất. Lệ phí thi TOPIK I và II lần lượt là 550.000 và 770.000 đồng. Những năm trước, kỳ thi do Đại sứ quán Hàn Quốc tổ chức.
Việt Nam được coi là thị trường để thu hút du học sinh lớn nhất của Hàn Quốc. Tính đến tháng 1/2023, số sinh viên người Việt tại nước này là hơn 70.000, đứng đầu về số sinh viên quốc tế.
Một thông tin trên Yohap cuối năm 2019 nhìn nhận cơn sốt tiếng Hàn đang lan rộng ở Việt Nam. Báo này dẫn nguồn từ Trung tâm Ngôn ngữ Hàn Quốc tại Việt Nam, cho hay số người đăng ký thi TOPIK ở TP HCM trong năm này là hơn 15.700 người, tăng 25% so với năm trước đó.
Bình Minh
*Tên một số thí sinh đã thay đổi
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/hang-loat-thi-sinh-bat-binh-vi-lo-ky-thi-tieng-han-4592059.html