Đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) cho biết bệnh nhân nam, 57 tuổi, tối 18/3 vẫn lơ mơ, tiếp xúc kém, liệt hoàn toàn, thở máy, không có nhịp tự thở. Sau truyền thuốc giải độc 13 giờ, người bệnh gọi hỏi biết, thực hiện y lệnh chậm, có nhịp tự thở yếu nhưng tiên lượng còn dè dặt.
Hai người còn lại là nam thanh niên 26 tuổi và người phụ nữ 37 tuổi, trước đó đều tiếp xúc chậm, yếu tứ chi, suy hô hấp và phải thở máy. Người phụ nữ còn bị rối loạn nhịp tim chậm, phải đặt máy tạo nhịp. Sau truyền thuốc giải độc 13 giờ, hiện hai bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, thực hiện y lệnh chính xác, nhanh, cải thiện sức cơ và nhịp tự thở. Bệnh nhân nữ được giảm kích ngưỡng máy tạo nhịp.
“Đây là hai ca ngộ độc nặng sức khỏe cải thiện tốt sau truyền thuốc, tiên lượng khá”, bác sĩ đánh giá. Đến trưa 20/3, một trong hai bệnh nhân này đã được rút ống nội khí quản.
Ngoài ba trường hợp nghiêm trọng được truyền thuốc giải độc, hai người khác mức độ nhẹ hơn, không có chỉ định truyền thuốc. Hiện họ được rút sonde tiểu, sonde dạ dày, tập vận động tại giường.
Nhóm bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết khoảng sau một tuần mới có thể đánh giá chính xác tình trạng các nạn nhân. Người bệnh vẫn có nguy cơ gặp biến chứng nặng, cần theo dõi sát.
Từ 7 đến 16/3, liên tiếp nhiều người nhập viện sau ăn cá chép muối chua với biểu hiện ngộ độc, một người tử vong. Ngày 18/3, Viện Pasteur Nha Trang có kết quả xét nghiệm cấy mẫu cá chép muối chua, khẳng định 10 bệnh nhân đều ngộ độc botulinum. Cùng ngày, ba chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy là TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, BS.CK2 Trần Thanh Linh, Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu và Dược sĩ Nguyễn Trọng Lộc, khoa Dược, mang 5 lọ thuốc giải độc hỗ trợ cứu người. Đây là thuốc rất hiếm, thông thường Việt Nam không dự trữ hoặc cả nước chỉ có vài lọ.
Botulinum là loại độc tố thần kinh cực mạnh, sinh ra bởi vi khuẩn yếm khí – loại vi khuẩn ưa môi trường kín như thức ăn đóng hộp hoặc môi trường thực phẩm không đủ tiêu chuẩn kềm chế vi khuẩn phát triển, sinh độc tố.
Khi dùng thức ăn chứa độc tố botulinum, người bệnh xuất hiện các triệu chứng ngộ độc sau 12-36 giờ, thậm chí lâu hơn. Triệu chứng thường gặp là đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ hay nhìn đôi, khô miệng, nói khó, nuốt khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân. Cuối cùng, bệnh nhân khó thở, không thở được do liệt các cơ hô hấp. Các triệu chứng này xuất hiện chậm hay nhanh tùy thuộc vào lượng botulinum ăn phải.
Bệnh nhân ngộ độc botulinum nặng thường phải thở máy trung bình hai tháng hoặc hơn, mất nhiều tháng để phục hồi và có thể gặp nhiều biến chứng. Nếu không điều trị kịp thời có thể tử vong, liệt không hồi phục.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên thực hiện ăn chín uống sôi, chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được công nhận. Thận trọng với các thực phẩm đóng kín có mùi vị hoặc màu sắc thay đổi, đồ hộp bị phồng, hở…
Mỹ Ý
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/hai-nguoi-ngo-doc-nang-do-an-ca-muoi-chua-qua-nguy-kich-4583117.html