Google Assistant xuất hiện lần đầu trên dòng điện thoại Google Pixel. Sau đó, nó được triển khai trên các dòng điện thoại Android chạy hệ điều hành Marshmallow và Nougat. Bất ngờ hơn cả là Google đã cung cấp dịch vụ này như 1 ứng dụng độc lập trên iPhone, cho phép người dùng tải và cài đặt Google Assistant miễn phí trên App Store. Hiện tại, Google Assistant mới chỉ hỗ trợ cho người dùng tại Mỹ.
Tải Google Assistant cho iOS.
Ngay khi được giới thiệu trên iPhone, Google Assistant đã tỏ ra nổi trội hơn so với trợ lý ảo Siri mặc định của iPhone, iPad. Vậy thực tế thì Google Assistant hoạt động trên iPhone như thế nào? Nó có thể làm được những gì và có xứng đáng để chúng ta đánh đổi với Siri?
Google Assistant là gì? Thiết lập và sử dụng Google Assistant trên iPhone
Cài đặt Google Assistant trên iPhone cực dễ. Nếu bạn đã từng sử dụng 1 ứng dụng nào đó của Google trên iPhone và đăng nhập thành công, bạn sẽ thấy tùy chọn để tiếp tục dùng tài khoản này. Kế tiếp chuyển qua giao diện chính của Google Assistant. Giao diện này khá giống với Siri trừ theme tối hơn.
Bên dưới màn hình là nút microphone. Chạm và bắt đầu trò chuyện với trợ lý ảo của bạn. Công nghệ nhận diện giọng nói của Google Assistant khá hoàn hảo, nhược điểm duy nhất là không có tùy chọn ngôn ngữ, bạn chỉ có thể nói bằng tiếng Anh. Từ màn hình này, bạn có thể trò chuyện, khám phá, nhận câu trả lời và nhiều hoạt động khác.
Có 1 mẹo nhỏ nữa khi dùng Google Assistant trên iPhone đó là chạm vào nút bàn phím ở góc dưới bên phải để mở bàn phím ảo. Thay vì nói, bạn có thể nhập liệu để nhờ Google Assistant hỗ trợ, đây là tính năng mà Siri không hề có.
Người dùng sẽ thấy biểu tượng Google Assistant nổi ở góc trên bên phải. Sau khi chạm vào, bạn sẽ thấy tab Explore và My Stuff. Thẻ Explore liệt kê mọi thứ bạn có thể nhờ Google Assistant hỗ trợ và My Stuff là mục để xem trình nhắc, lịch, danh sách mua sắm và phím tắt – tất cả trên cùng 1 trang. Để truy cập Settings hay Account, chạm vào thực đơn 3 chấm ở phía trên bên phải màn hình. Tính năng Flash Briefing sẽ xuất hiện nhưng bạn cần kích hoạt những nguồn mới từ Settings trước.
Trò chuyện với Google Assistant chưa bao giờ dễ dàng đến thế. Nếu bạn dùng iPhone 6s trở lên, bạn chỉ cần nhấn lực 3D Touch lên biểu tượng ứng dụng Google Assistant để mở thực đơn Quick Actions, cho phép trò chuyện tức thời với Assitant mà không cần mở ứng dụng. Ngoài ra còn thêm được widget vào Today View để trò chuyện trực tiếp từ màn hình khóa.
Siri – đối thủ đáng gờm của Google Assistant với nhiều ưu điểm
Trợ lý ảo Siri được tích hợp sẵn trong iOS. Siri có những thế mạnh riêng khi truy cập dữ liệu cá nhân trên iPhone, thực hiện 1 số tác vụ cấp hệ thống và có thể truy cập từ bất cứ màn hình nào. Đó là những ưu điểm mà Google Assistant phải “chào thua”.
Bạn chỉ cần nhấn giữ phím Home trên iPhone để gọi Siri mọi lúc mọi nơi. Trên iPhone 6s trở lên, người dùng thậm chí còn được quyền thiết lập Hey Siri để kích hoạt Siri bằng giọng nói mà không cần thao tác trên nút Home. Ngược lại, để gọi Google Assistant, bạn cần mở khóa iPhone và chạm ít nhất 1 lần (hoặc nhấn cảm ứng lực trên biểu tượng ứng dụng từ màn hình Home).
Sử dụng Siri, bạn có thể yêu cầu trợ lý ảo này làm rất nhiều việc cho mình như thực hiện cuộc gọi cho ai đó, nhắn tin iMessage, cài đặt báo thức, mở ứng dụng, thiết lập iPhone, thêm nội dung vào trình nhắc… Đây là những lệnh mà Google Assistant không thể can thiệp được hoặc thực hiện không hiệu quả bằng Siri.
Khi bạn yêu cầu Google Assistant thực hiện cuộc gọi, nó sẽ bung ra 1 màn hình dạng pop-up yêu cầu người dùng chạm để kết nối cuộc gọi. Assistant không thể gửi tin nhắn iMessage, cài đặt báo thức, thiết lập hay điều khiển HomeKit. Bạn có thể nhờ Google Assistant nhắc việc nhưng thông tin này không được đưa vào Reminders mà chỉ lưu trữ trong tài khoản Google.
Google Assistant hỗ trợ tốt nhất các dịch vụ của Google
Vậy thế mạnh thực sự của Google Assistant là gì? Đầu tiên là tính năng tìm kiếm trên iPhone. Do Siri tích hợp công cụ tìm kiếm Bing nên chắc chắn ở khả năng tìm kiếm trên mạng, nó không thể sánh bằng Google Search.
Cho dù bạn muốn chuyển đổi múi giờ, tìm kiếm nhà hàng, làm toán, chơi giải đố, tìm ảnh… Google Assistant đều có thể đưa ra câu trả lời nhanh và chính xác nhất.
Ưu điểm của Google Assistant là nhận diện câu hỏi nhanh chóng và ghi nhớ ngữ cảnh. Bạn có thể hỏi Google Assistant khoảng cách đến thành phố bất kỳ và nhiều dữ liệu xoay quanh khu vực đó mà không cần nhắc lại tên.
Google Assistant cũng hỗ trợ tốt các ứng dụng khác của Google. Nếu bạn hay sử dụng bộ sản phẩm của Google trên iPhone như Google Maps, Gmail, Google Calendar, Google Keep… bạn sẽ thấy Google Assistant hữu ích như thế nào.
Cụ thể, bạn có thể hỏi Google Assistant đường đi đến địa điểm bất kỳ, lộ trình sẽ được mở trên Google Maps. Hoặc nhờ Assistant gửi Email cho 1 địa chỉ trong danh bạ, trên màn hình sẽ là thư nháp, thêm trực tiếp sự kiện vào Google Calendar… tất cả đều rất dễ dàng trong bộ sản phẩm Google quen thuộc.
Tuy nhiên, Google Assistant không hoàn hảo 100%. Khi bạn yêu cầu phát video YouTube, nó sẽ mở trang web YouTube trên Safari thay vì ứng dụng Youtube chuẩn. Hoặc bạn không thể nhờ Google Assistant phát nhạc trong ứng dụng Music…
Vấn đề quyền riêng tư khi sử dụng Google Assistant và Siri
Google Assistant ghi âm giọng nói của bạn và gửi về máy chủ. Nếu bạn cho phép, nó sẽ lưu cả địa điểm của bạn. 1 số tính năng khác yêu cầu truy cập cả danh bạ điện thoại.
Tất nhiên, Siri của Apple cũng yêu cầu những quyền trên nhưng ai cũng biết là chính sách quyền riêng tư của Apple tốt hơn hẳn Google. Nếu như Google dùng thông tin người dùng để tra cứu thông tin và phục vụ cả quảng cáo thì Apple mã hóa dữ liệu rồi mới gửi đến máy chủ của họ.
Bạn sẽ chọn Google Assistant hay Siri trên iPhone?
Google Assistant không thể thay thế hoàn toàn cho Siri trên iPhone. Nhưng xét về tính năng trợ lý ảo bằng giọng nói, nó tỏ ra hiệu quả hơn Siri. Đặc biệt khi bạn hay dùng các dịch vụ của Google thì việc trang bị thêm trợ lý ảo Google Assistant là cần thiết.
Tương lai của Google Assistant
Google Assistant mới ra mắt trên iPhone và chưa hỗ trợ rộng rãi trên toàn cầu. Có thể nói, Google Assistant còn khá mới nên không tránh khỏi 1 số hạn chế. Trong tương lai xa, Google sẽ tiếp tục phát triển trợ lý ảo này để nó có thể hỗ trợ tốt hơn cho người dùng.
Tất nhiên, nếu sử dụng song song cả Google Assistant và Siri thì hiệu quả đạt được sẽ cao nhất. Mỗi công cụ này đều có những điểm mạnh – yếu khác nhau. Điều quan trọng là chúng ta phải biết phát huy thế mạnh của từng trợ lý ảo để sử dụng nó trong hoàn cảnh phù hợp.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Google Assistant và Siri: cuộc chiến trợ lý ảo bằng giọng nói trên iPhone của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.