Thầy Quang Nguyen, chuyên gia đào tạo phát âm tiếng Anh chia sẻ một số từ vựng và cách phát âm liên quan đến chủ đề này.
Ở Việt Nam mình có tục thờ cúng tổ tiên worship our ancestors – tổ tiên là “ancestors”. Còn con cháu thì dùng từ “decendents”, ví dụ: “We’re all decendents of Hùng King” (Chúng ta đều là con cháu vua Hùng).
Để nói họ hàng chung thì ta có từ “relatives”. Ví dụ, khi phỏng vấn visa ở Mỹ, tôi được hỏi: “Do you have family or relatives in the state?” (Bạn có gia đình hoặc họ hàng ở Mỹ không?). Tôi trả lời: “Yes, I have a cousin, we share the same great great grand parents” (Tôi có bà chị họ, chúng tôi có chung kỵ).
“Cousin” là anh hay chị em họ. Trong tiếng Việt, người có hàng cao nhất mà chúng ta hay gọi là “kỵ” (great great grand parents), rồi đến cụ (great grand parents), ông bà (grand parents), bố mẹ (parents). Ví dụ: We have the same great great great grandparents (Chúng ta có cùng “phụ huynh” của kỵ). Tuy nhiên, muốn tôi nói đến tổ tiên cao hơn nữa thì tiếng Việt không biết diễn đạt thế nào. Chắc nói chung chung là có cùng “tổ tiên”.
Tiếng Anh thì hay hơn, cứ thêm một đời thì thêm một chữ “great” vào và có thể kéo dài đến lúc mình muốn. Anh chị em trong nhà thì hay dùng từ “brothers and sisters”, nhưng có một từ nói chung mà ít người biết, đó là “siblings”, ví dụ: “They’re siblings” (Họ là anh chị em trong nhà đấy). Nếu anh em cùng bố mẹ thì gọi là “half-sibling” (hoặc half-brother/sister).
Con trai là “son”, con gái là “daughter”, con cái nói chung là “child” và số nhiều thì là “children”. Khi nhắc tới con trai, phụ huynh có thể dùng từ “my boy/girl” thay cho “my son/daughter”, đặc biệt khi muốn thể hiện sự hãnh diện: “That’s my boy/daughter” (Con trai/con gái tôi đấy).
Nhưng có một từ “con cái” mà ít người biết: “offspring”, ví dụ “He’s the offspring of a middle-class family” (Anh ấy là con trong một gia đình trung lưu). Từ “offspring” hay dùng trong thế giới động vật với nghĩa con cái hoặc “con non”, “the offsring of some animals…”.
Bố mẹ thì ai cũng biết rồi, “father and mother” hay nói chung là “parents”. Ở Việt Nam có một cuộc họp gọi là họp “phụ huynh”, tiếng Anh gọi là “parent – teacher conference”.
Trong tiếng Anh, chú hay bác trai gọi chung là “uncle”, còn cô hay bác gái gọi là “aunt” (phát âm giống “ant” là con kiến”). Ông họ hoặc bà họ gọi là “grand-uncle” hoặc “grand-aunt”.
Khi một người đàn ông lấy vợ, các từ để chỉ họ hàng nhà vợ thường thêm “in-law, ví dụ: mother-in-law là mẹ vợ, father-in-law là bố vợ. Họ hàng bên vợ thì nói chung gọi là “in-laws”, ví dụ có thể nói: “They’re my in-laws” (đó là họ hàng bên vợ mình). Kể cả “anh em cọc chèo” thì cũng gọi là “brother-in-law”, vì mối quan hệ đó liên quan tới đằng nhà vợ.
Đàn ông lấy vợ thì có thêm rất nhiều “in-laws”, nhưng vợ thì không phải là “law”, mà gọi là “wife”. Vợ chồng thì dùng “husband and wife”, nhưng nói chung thì có từ “spouse” – ví dụ, khi điền form mà có từ “spouse” thì mình sẽ ghi thông tin vợ/chồng mình vào đó.
Quang Nguyen
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/goi-ten-cac-moi-quan-he-gia-dinh-trong-tieng-anh-4605414.html