Singapore sẽ dừng bán ôtô động cơ đốt trong từ 2030, nhưng mục tiêu này đang đứng trước hào sâu là tình yêu với dòng xe thể thao và siêu xe của giới nhà giàu, theo Reuters. Họ có thể mua xe điện, nhưng không dễ dàng và cũng chưa sẵn sàng từ bỏ dòng xe hiệu suất cao dùng động cơ đốt trong.
Eu Gene Goh, nhà thiết kế chip, là một người tích cực tuyên truyền về xe điện, với hai chiếc Tesla trong garage. Nhưng đó cũng là nơi anh để một chiếc McLaren 765LT động cơ V8 với khả năng tăng tốc 0-100 km/h chỉ trong 3 giây.
Với việc dừng bán ôtô động cơ đốt trong từ 2030, Singapore nằm trong số ít quốc gia có mục tiêu gần như thế, gồm Iceland, Thụy Điển và Hà Lan. Tuy nhiên, hiện doanh số xe điện vẫn chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ.
Từ hai năm qua, chính phủ Singapore đã nỗ lực thúc đẩy xe điện, như khoản hỗ trợ đến 33.700 USD hay mở rộng hệ thống sạc. Nhưng quốc gia này cần có một lượng lớn hơn nữa khách hàng cá nhân mua xe điện để có thể đạt được mục tiêu.
Năm 2022, xe điện chiếm gần 12% tổng doanh số xe ở Singapore, tăng từ mức chỉ 4% trong 2021, theo Cơ quan Vận tải và Đất đai (LTA). Hiện xe điện cũng chỉ chiếm 1% tổng số xe lưu thông ở quốc đảo này, theo một phân tích của Reuters. Trong khi đó, chỉ riêng dòng xe thể thao động cơ đốt trong đã chiếm 1,65% trong số gần 653.000 xe đăng ký.
Ở Singapore, cứ 100 người dân mới có khoảng 12 ôtô thuộc sở hữu cá nhân. Tỷ lệ này cao hơn con số 9/100 ở Hong Kong, nhưng thấp hơn rất nhiều so với 82/100 ở Mỹ. Một yếu tố quan trọng là giá xe: người Singapore phải trả rất nhiều tiền để sở hữu một chiếc ôtô.
Tuy nhiên, một thập kỷ qua, số lượng siêu xe Ferrari ở Singapores đã tăng 67% và Lamborghini là 38%. Số siêu xe McLaren cũng tăng gấp 5 lần kể từ 2012. Trên đường, số xe thể thao Porsche nhiều gấp 5 lần so với xe điện Tesla.
“Về cơ bản, toàn thị trường đã nâng cấp”, theo Walter Theseira, nhà kinh tế vận tải ở Singapore. Xu hướng chuộng xe sang và xe hiệu suất cao là một cách để khoe sự giàu có trong số tầng lớp nhà giàu, trong khi nhóm có thu nhập thấp hơn gần như không thể sở hữu ôtô, Theseira nói.
Ngân hàng HSBC ước tính 13% người Singapore có thể trở thành tỷ phú tính đến hết 2030 – tỷ lệ cao nhất thế giới.
Đầu năm nay, một buổi đấu giá từ thiện 100 xe điện Hyundai Ioniq 5 bản giới hạn nhưng chỉ một nửa số này có chủ. Hãng xe Hàn nói rằng “được động viên khi thấy kết quả, khi cân nhắc tới sự lạ lẫm và mới mẻ của mẫu xe điện”, nhưng từ chối nói về số tiền thu được.
Markus Schuster, tổng giám đốc điều hành tại Audi Singapore, tin rằng xe điện sẽ chiếm phần lớn doanh số xe mới sớm nhất là 2025 hoặc 2026 khi các mẫu như Q8 e-tron và Q4 e-tron bán ra ở thị trường này. “Với tư cách là nơi phô diễn của xe điện, thì thành phố này hoàn hảo”, Schuster nói.
Các tài xế Singapore chỉ lái trung bình 30 km mỗi ngày và không vướng bận về hành trình mỗi lần sạc giống các tài xế ở Mỹ và châu Âu, cũng theo vị đại diện của Audi.
Chính phủ nước này có kế hoạch lập 60.000 điểm sạc đến hết 2030, so với hiện nay chỉ là 1.600. Vì thế, Schuster tin rằng đó sẽ là bước ngoặt để đạt mục tiêu 2030.
Goh, chủ của một chiếc McLaren, cũng đã mua xe điện. Chi phí vận hành cho chiếc Tesla Model 3 trong 2022 khoảng 500 USD cho 11.000 km đã chạy.
“Với một tài xế đi lại hàng ngày, tôi sẽ không quay lại một chiếc xe xăng thông thường”, Goh nói. Nhưng anh vẫn giữ chiếc McLaren vì có thể tận hưởng hiệu suất của mẫu siêu xe trên đường đua ở quốc gia láng giềng – Malaysia.
“Tôi thích công nghệ và với tôi,những dòng siêu xe, đặc biệt là McLaren, là sự tổng hòa của công nghệ và nghệ thuật”, Goh nhận xét.
Mỹ Anh