Lê Đức Cường, lớp 12A4, trường THPT Sóc Sơn (Hà Nội), bắt đầu tìm hiểu về ChatGPT từ giữa tháng 1 sau khi đọc những bài chia sẻ về công cụ này. ChatGPT chưa hỗ trợ đăng ký từ Việt Nam, Cường phải sử dụng dịch vụ tạo tài khoản.
Làm quen với ChatGPT bằng câu hỏi về các bước tìm kiếm nhị phân, Cường bất ngờ vì câu trả lời em thấy “rất đúng”. Thử nghiệm thêm với các câu hỏi về công thức Toán, Vật lý, Hóa học, nam sinh hài lòng vì nhận được phản hồi nhanh, độ chính xác cao. Nhưng khi thử yêu cầu chat GPT viết đoạn văn, Cường thấy “nó sử dụng tiếng Việt chưa thành thạo”, trong khi tiếng Anh tốt hơn nhiều. Bên cạnh đó, nhiều câu trả lời không chính xác về bối cảnh.
ChatGPT, một ứng dụng dùng trí tuệ nhân tạo trò chuyện với người, đang khiến nhiều nhà giáo và học trò phấn khích trải nghiệm, đồng thời nghĩ cách để ứng dụng vào việc dạy và học.
Hồ Quang Xuân, sinh viên năm cuối trường Đại học Kinh tế TP HCM, tình cờ biết tới ChatGPT hai tuần trước. Nam sinh yêu cầu tìm công thức cho một bài toán bằng cách mô tả file excel đang có những hàng và cột nào, cần kết quả là gì. Xuân ngạc nhiên khi câu trả lời của ChatGPT có độ chính xác hơn 90%. Khi so sánh cùng một yêu cầu bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, kết quả bằng tiếng Anh chính xác hơn.
Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên Toán-Sinh, Hệ thống Giáo dục Hocmai, “kiểm tra” khả năng của AI này bằng nhiều câu hỏi ở các lĩnh vực khác nhau, từ đời sống đến xây dựng nội dung liên quan đến môn học, dịch thuật song ngữ Anh-Việt.
“ChatGPT còn nhiều lỗi, nhưng khả năng bắt chước và cải thiện của công cụ này thực sự đáng nể”, thầy giáo đánh giá.
Ông Trương Nguyện Thành, giáo sư danh dự Đại học Utah, Mỹ, cũng làm một “thí nghiệm” với ChatGPT. Ông yêu cầu viết một bài luận để làm hồ sơ xin học bổng ngành Công nghệ thông tin ở Đại học Utah. Để ChatGPT có dữ liệu, ông đưa ra một số thông tin cơ bản về điểm mạnh, thành tích cá nhân, mong muốn và định hướng tương lai của bản thân mình.
Đọc bài luận tiếng Anh được ChatGPT hoàn thành trong chưa đầy một phút, ông Thành “sửng sốt vì công cụ này viết và diễn đạt về mình còn giỏi hơn chính mình”.
“Bài luận ở mức giỏi”, ông nói, phân tích thêm rằng ChatGPT thông minh tới mức biết loại bỏ dữ kiện được đánh giá kém cạnh tranh khỏi bài luận, để tăng tính thuyết phục.
Tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn, giảng viên khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM) đánh giá công cụ này hiểu rất rõ yêu cầu của người dùng, thậm chí có thể đưa ra những luận điểm, giải thích phù hợp cho câu trả lời bằng ngôn ngữ khá tự nhiên. Tuy nhiên, thông tin ChatGPT đưa ra nhiều lúc sai lệch. Tiến sĩ Sơn ví dụ khi đặt câu lệnh “Bài thơ Khi con tu hú do ai sáng tác?“, kết quả ChatGPT đưa ra là “Khi Con Tự Hú là một bài thơ của nhà thơ Hoàng Cầm”. Nhưng trong một tình huống khác, ông nhờ ChatGPT cho lời khuyên khi phân vân hai hướng việc làm, nó lại cho kết quả phân tích khá hợp lý, thấu hiểu nhu cầu của người hỏi một cách kinh ngạc.
Ra mắt cuối tháng 11/2022, ChatGPT là ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) được đào tạo để đưa ra câu trả lời giống một cuộc trò chuyện với người thật. Đến 31/1, ChatGPT đạt 100 triệu người dùng trên toàn cầu.
Theo thống kê của Similarweb, website của OpenAI có hơn 304 triệu lượt truy cập trong tháng 12, tăng hơn 1.500% so với tháng trước đó. Tại Việt Nam, chưa có thống kê cụ thể, nhưng theo Google Trends, những ngày qua, “ChatGPT”, “OpenAI” liên tục nằm trong top từ khóa được tìm kiếm nhiều; những người nhận mở tài khoản nhận được hàng trăm yêu cầu mỗi ngày, cho thấy sự quan tâm của người Việt với công cụ này.
Một trong những điều khiến Chat GPT được đánh giá cao là khả năng xử lý và lọc thông tin. Thầy Đinh Đức Hiền so sánh, khi dùng Google, người dùng phải đọc nhiều, tự lọc nhiều thông tin cho cùng một vấn đề, nhưng khối lượng công việc này đã và đang được ChatGPT đảm nhận.
“Chính điều đó làm chúng ta sửng sốt”, thầy Hiền nói.
ChatGPT dễ dùng, tương tự Google nhưng đưa một kết quả đích, thay vì trả hàng triệu đường dẫn có liên quan, sinh viên Hồ Quang Xuân nhận xét.
Sau một thời gian ngắn thử nghiệm, sinh viên Nguyễn Minh Hiếu, sinh viên năm thứ nhất ngành Marketing, trường Đại học FPT, rút ra rằng câu hỏi càng chi tiết, câu trả lời của ChatGPT càng chuẩn xác. Hiếu sử dụng công cụ này trong một số bài tập tiếng Anh chuyên ngành. Dù vẫn phải đọc thêm thông tin từ các nguồn khác, Hiếu đánh giá thông tin mà ChatGPT cung cấp khá hữu ích, giúp giảm thời gian tra cứu.
Đức Cường, học sinh lớp 12, cũng dự định dùng Chat GPT để hỗ trợ làm bài tập, coi đó là nguồn thông tin để đối chiếu. Theo khối A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh), em ngại học và viết Văn, nên nếu xuất hiện một công cụ hỗ trợ việc này, nam sinh sẵn sàng sử dụng. “Hiện, khả năng viết tiếng Việt của ChatGPT chưa ổn, nhưng với khả năng học hỏi và hoàn thiện nhanh, em nghĩ nó sẽ sớm được cải thiện”, Cường nói.
Nam sinh nhận thức nếu việc phụ thuộc vào AI sẽ khiến học sinh không thể cải thiện khả năng nghiên cứu. Thông tin ChatGPT cung cấp không phải lúc nào cũng chính xác, nên hoàn toàn dựa vào AI để học và làm việc “sẽ rất tai hại và rủi ro”.
Chưa có dự kiến cụ thể, nhưng theo tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn và thầy giáo Đinh Đức Hiền, ChatGPT có thể hỗ trợ đắc lực cho việc tìm kiếm dữ liệu và xây dựng bài giảng của giáo viên. Ông Sơn nhận định giáo viên có thể dựa vào công cụ này để tạo các câu hỏi trắc nghiệm từ một đoạn văn cho trước hay tóm tắt một bài học.
Ông Sơn cũng không quên cảnh báo nếu lạm dụng ChatGPT sẽ gây hậu quả lớn cho giáo dục, bởi người học có thể sử dụng công cụ này để làm thay bài tập, đồ án, thậm chí là luận văn tốt nghiệp. Điều này tạo ra những thách thức cho hệ thống dạy học hiện tại.
Tuy nhiên, ưu thế của giáo viên là truyền cảm hứng, theo thầy Hiền. “Vì thế, giáo viên sẽ phải sáng tạo hơn trong dạy học, sử dụng công nghệ để đem đến nhiều trải nghiệm cho người học”, ông nói.
Hằng Phương – Nhật Lệ
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/giao-vien-hoc-sinh-thich-thu-trai-nghiem-chatgpt-4565643.html