Giao thừa ở Việt Nam cũng là lúc Phạm Anh Đức, 20 tuổi, sinh viên năm thứ nhất tại Czech University of Life Sciences Prague, Cộng hòa Séc, gọi điện về chúc Tết bố mẹ và cảm nhận không khí ở nhà. Nam sinh nói đã phải “căn giờ” cẩn thận, bởi khi năm mới Quý Mão bắt đầu ở Việt Nam thì ở thủ đô Prague mới là 18h ngày 21/1.
Trước đó một ngày, Anh Đức đến nhà anh chị rồi cùng đi chợ Sapa – trung tâm thương mại lớn của người Việt tại Cộng hoà Séc, để mua từ những món ăn vặt đến con cá, miếng thịt như ở Việt Nam. Nguyện ước của nam sinh trong năm mới là cải thiện khả năng ngôn ngữ khi vừa học vừa làm và có thêm nhiều bạn.
“Cảm xúc khó tả lắm. Em rất nhớ bố mẹ, ông bà ở nhà, muốn được cùng mẹ đi chợ sắm Tết, mua cành đào”, Huyền My, 22 tuổi, ở thành phố Hamburg, Đức, nói, cho biết đã gọi điện chúc Tết cả nhà vào thời khắc giao thừa.
Huyền My sang Đức từ tháng 4/2021 để theo học nghề điều dưỡng. Năm nay là lần thứ hai nữ sinh đón Tết ở xứ người. Sáng hôm qua, My đã đi tàu điện đến cửa hàng hoa Blumen2000 để mua một cành đào Tết với giá 9.99 euro (khoảng 250.000 đồng). My sau đó đi thêm một chặng xe bus và một chặng tàu điện khoảng 30 phút để đến nhà người bác ở thành phố Winsen. Vì Tết rơi vào ngày nghỉ ở Đức, em và họ hàng có thời gian cùng luộc bánh chưng và chuẩn bị mâm cơm tất niên như ở nhà.
Hồ Thị Bảo Tiên, cô gái Việt đang theo học thạc sĩ Khoa học Thần kinh lâm sàng và Trị liệu, Đại học Oxford, Vương quốc Anh, thì tự vào bếp nấu một phần cơm với thịt và trứng kho, giống với bữa cơm ở miền Tây để đón giao thừa. Nữ sinh mở nhạc Tết, mua thêm vài loại trái cây và hoa để trang trí phòng. Ngày mùng Một, Tiên sẽ mặc áo dài để dự lễ ở nhà thờ. “Mình muốn nhanh học xong để về Việt Nam ăn Tết với bố mẹ vào năm sau”, Tiên nói.
Gặp gỡ bạn bè là cách du học sinh thường làm vào dịp Tết cổ truyền để bớt nhớ nhà. Năm nay, Tết trùng với ngày nghỉ cuối tuần ở nước ngoài nên các cuộc gặp của sinh viên người Việt cũng thuận lợi hơn.
Lại Như Phương, sinh năm 1999, sinh viên Đại học Leeds Beckett, Leeds, cùng một nhóm bạn đã đi siêu thị Việt từ sáng 30 âm lịch để mua bánh chưng, giò chả, bánh nem và phong bao lì xì. “Đồ Việt ở đây đắt gấp đôi, thậm chí gấp 10 lần ở Việt Nam, nên tụi mình cố gắng mua tiết kiệm”, Phương nói. Dù vậy, nữ sinh không tránh khỏi cảm giác nhớ nhà và không khí Tết ở Việt Nam. Cô hy vọng tìm được một công việc tốt để có thể về Việt Nam thăm gia đình, “ăn sạch ẩm thực phố cổ Hà Nội và đi tắm biển ở Nha Trang”.
Anh Roman Nguyen, cựu chủ tịch Hội du học sinh Việt Nam ở Leeds, cho biết năm nay hội đã tổ chức sự kiện “Tet Cathering” vào tối 20/1 (30 Tết theo giờ Việt Nam). Đây là cách chơi chữ từ “cat” và “gathering”, nghĩa là năm con mèo và sự sum họp. Các nhà hàng Việt Nam ở đây như Adba, Pho37 đã hỗ trợ sinh viên làm các món ăn Việt cho sự kiện mà không lấy kinh phí. Tất cả đã có một buổi gặp mặt ý nghĩa, cùng ăn bánh chưng, nem chua, bánh mì que và chơi một số trò chơi dân gian, mặc áo dài để chụp ảnh.
Tại Hà Lan, Chu Diễm Quỳnh, 24 tuổi, theo học thạc sĩ quản lý truyền thông quốc tế tại Đại học Khoa học ứng dụng Hague, nói vì trùng đợt ôn thi nên chỉ dám ăn Tết 2 ngày. Quỳnh cho biết, Hội sinh viên Việt Nam tại Hà Lan cũng tổ chức đón Tết, riêng em chọn nấu một bữa ăn tất niên cùng một số người bạn. Đồ Việt Nam được Quỳnh mua ở siêu thị châu Á với chi phí 20 euro một người (khoảng 500.000 đồng). “Em muốn các bạn nước ngoài nếm thử món ăn truyền thống Việt Nam, nhất là món nem rán”, Quỳnh nói, cho biết em còn đốt pháo bông vào khoảnh khắc giao thừa, hy vọng năm mới sẽ hoàn thành xuất sắc chương trình học, phát triển kênh YouTube cá nhân. Em cũng mong Tết năm sau được đoàn tụ cùng gia đình.
Tại Hàn Quốc, anh Trần Minh Đức, Đại học Sejong, Seoul, nhớ da diết những ngày Tết ở nhà. Đức đón giao thừa bên một nhóm bạn thân người Việt, cùng đi dã ngoại và hàn huyên về một năm đã qua. Anh mong ước, mọi người cùng chung tay tạo nên một cộng đồng người Việt đoàn kết, lớn mạnh và yêu thương lẫn nhau ở Hàn Quốc.
Còn ở Nhật Bản, Thu Huyền, 23 tuổi, theo học chuyên ngành Giáo dục Tiếng Nhật 2 tại trường Đại học Musashino, Tokyo, cho biết năm nay đã là năm thứ tư em đón giao thừa ở xứ người. Em quyết định đến thăm thầy giáo cũ ở trường Nhật ngữ và cùng tổ chức một bữa tiệc nhỏ với các du học sinh người Việt tại đây vào tối 30 Tết. “Tuy đơn sơ nhưng rất ấm áp. Một giao thừa đậm hương vị Việt Nam ngay giữa lòng Tokyo giúp em vơi đi cảm giác nhớ nhà”, Huyền chia sẻ.
Năm mới, Huyền mong hoàn thành tốt chương trình học, xin được việc ở Nhật và có thể đón năm mới ở Việt Nam trong hai năm tới. “Dù đi đâu đi chăng nữa, em vẫn khao khát được trở về đón Tết với gia đình”, Huyền nói.
Tại Australia, hội sinh viên Việt Nam tại Đại học Flinders và thành phố Adelaide sẽ cùng tề tựu trong chương trình “Tết bên Tây” vào ngày đầu năm mới. Chương trình bắt đầu với những chia sẻ về kỷ niệm Tết và giao thừa, cũng như những thành công, thất bại và bài học ý nghĩa trong năm qua của các thành viên. Ngoài ra, mọi người cùng chơi trắc nghiệm nhanh về văn hoá Tết, ăn những món truyền thống của ba miền như bánh chưng, bánh tét, mứt dừa, ô mai, bánh đậu xanh, kẹo me dẻo. Anh Đình Phương, theo học chương trình thạc sĩ về Giáo dục tại Đại học Flinders cho biết chương trình còn thu hút nhiều sinh viên đến từ Philippines, Indonesia tham gia.
Tại Mỹ, anh Nguyễn Thành Hải, cựu Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Đại học Missouri, cho hay sau hai năm bị hoãn vì dịch Covid-19, năm nay các anh chị em du học sinh tại thành phố Columbia, Missouri mới có dịp tụ tập vào dịp Tết truyền thống. “Không khí lúc này rất sôi động, cả tuần nay, mọi người ai cũng hối hả, nào là gói bánh chưng, bánh tét, làm giò thủ, trang trí câu đối, làm cây mai, cây đào ngày Tết”, anh nói. Các gia đình có con nhỏ càng rộn ràng hơn, khi các cháu tập nói tiếng Việt, sửa soạn áo dài truyền thống từ Việt Nam gửi sang, và liên tục hỏi cha mẹ về Tết.
“Tết thật sự là một dịp gắn kết những người con Việt nơi đất khách quê người”, anh Hải chia sẻ.
Lệ Thu – Minh Anh
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/giao-thua-cua-sinh-vien-viet-o-xu-nguoi-4562710.html