Sáng 17/4, GS Morten Peter Meldal, một trong ba người đoạt giải Nobel Hóa học 2022, có bài giảng đại chúng về Hóa học Click, tại trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM. Hội trường gần 400 chỗ ngồi của trường này không còn một chỗ trống.
GS Morten chia sẻ đây là lần đầu tiên ông đến Việt Nam nhưng cảm thấy rất gần gũi và thân thiết.
Trong bài giảng, GS Morten giới thiệu sơ lược về hóa tổ hợp, phản ứng Click và một số ứng dụng. Đây là quá trình kết nối những cấu trúc nhỏ lại với nhau thành những cấu trúc lớn hơn bằng phản ứng hóa học. Phản ứng này có độ chính xác, chọn lọc, hiệu suất cao và không hình thành sản phẩm phụ. Phản ứng Click có tính ứng dụng rất cao trong nhiều lĩnh vực như vật liệu polymer, sinh học, y học.
“Một số câu hỏi chuyên môn của sinh viên về phản ứng Click chứng tỏ các em đã có tìm hiểu và quan tâm đến lĩnh vực này”, ông Morten nói, cho hay đánh giá cao khả năng tiếp thu của sinh viên về bài giảng.
Trong phần giao lưu, chủ nhân giải Nobel cho rằng cần khuyến khích các bạn trẻ tiếp cận sớm và nhiều với hóa học để có những đột phá trong lĩnh vực này. Tại Đan Mạch, hóa học hay các ngành khoa học cơ bản khác cũng không phải là lựa chọn hàng đầu của sinh viên. Phần lớn vẫn thích ngành Y, Luật, Kinh tế hơn cả.
Tuy nhiên, các ngành khoa học cơ bản là nền tảng của những ngành khoa học khác. Ông động viên sinh viên hãy theo đuổi lĩnh vực mình yêu thích với tình yêu và sự kiên trì.
“Con đường nghiên cứu khoa học rất dài, đôi lúc sẽ gặp ngõ cụt nhưng đừng chán nản hãy bình tĩnh tìm ra phương án giải quyết”, ông nói.
Ngoài ra, ông nhắc đến sự ngẫu nhiên trong nghiên cứu khoa học. Mỗi nghiên cứu đều là sự kết hợp của ý tưởng, thí nghiệm, sự quan sát và suy xét, suy luận cẩn thận. Đôi khi, nhà nghiên cứu sẽ gặp những tình huống ngoài dự tính. Ông hy vọng trong tương lai sẽ có các quỹ tài trợ linh hoạt hơn, không yêu cầu nhà khoa học phải giới hạn nghiên cứu của mình theo hướng định sẵn từ đầu.
Chủ nhân giải Nobel Hóa học 2022 cũng cho rằng các nhà nghiên cứu phải không ngừng đặt câu hỏi, suy nghĩ, tìm vấn đề mới.
“Những học sinh đạt điểm cao trong lớp, học giỏi nhưng chỉ làm theo sách vở, thầy cô, chưa chắc đã trở thành nhà nghiên cứu giỏi. Trong khi đó, những em có nhiều đam mê với các lĩnh vực khác nhau nhưng không đạt điểm cao ở trường lại có khả năng trở thành nhà khoa học xuất sắc”, ông nói.
Minh Nhật, sinh viên năm thứ tư, khoa Hóa học của trường nói phấn khích khi được trực tiếp nghe chủ nhân của giải Nobel thuyết giảng. Trước đó, Nhật đã tìm hiểu sơ lược về Hóa học Click và lĩnh vực tổng hợp hữu cơ.
“Đây là cơ hội hiếm có. Sau bài giảng, em hiểu hơn về những ứng dụng của Hóa học Click trong cải tiến thuốc điều trị ung thư”, Minh Nhật nói.
PGS Trần Lê Quan, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học tự nhiên, cho biết đây là lần đầu tiên một nhà khoa học đoạt giải Nobel Hóa học tới thăm và giảng bài tại trường. Bài giảng giúp thầy trò của trường hiểu hơn về những tiến bộ vượt bậc của lĩnh vực Hóa học Click.
Nhưng ý nghĩa lớn hơn nữa, hoạt động này góp phần mang đến môi trường giảng dạy, học tập lý tưởng, tiếp cận trình độ quốc tế cho giảng viên và sinh viên.
GS Morten Peter Meldal, 69 tuổi, là người Đan Mạch. Ông nhận bằng tiến sĩ ngành Kỹ thuật hóa học tại Đại học Kỹ thuật Đan Mạch năm 1986, làm nghiên cứu sau tiến sĩ chuyên ngành Hóa học hữu cơ tại Đại học Cambridge, Vương quốc Anh. Hiện ông là giáo sư ngành Hóa học tại Đại học Copenhagen, Đan Mạch.
Năm 2022, ông cùng hai nhà khoa học khác của Mỹ là GS Karl Barry Sharpless – Viện nghiên cứu Scripps và GS Carolyn Ruth Bertozzi – Đại học Stanford, giành giải thưởng Nobel Hóa học vì những đóng góp nền tảng cho sự phát triển của Hóa học Click và Hóa học sinh trực giao, ứng dụng để khám phá tế bào và cải tiến thuốc điều trị ung thư.
“Tôi là hóa học, các bạn là hóa học, tất cả xung quanh chúng ta đều là hóa học. Chúng ta cần hóa học để giải quyết rất nhiều thách thức toàn cầu trước mắt”, ông nói khi nhận giải.
Tới Việt Nam lần này, GS Morten còn dự lễ khai mạc Olympic Hóa học Sinh viên toàn quốc, đồng thời có bài thuyết giảng đại chúng về Hóa học Click trước sinh viên, nhà khoa học của Đại học Quốc gia TP HCM vào chiều 19/4. Chiều 20/4, ông thuyết giảng với chủ đề tương tự tại trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội.
Lệ Nguyễn
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/giao-su-nobel-hoa-hoc-giang-bai-cho-sinh-vien-viet-nam-4594262.html