Các ý kiến được nêu tại hội thảo “Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng và phát triển đất nước” do Liên hiệp các hội kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức chiều 23/3 tại Hà Nội.
Từ đầu cầu Pháp, GS Trần Thanh Vân mong muốn Chính phủ có nhiều chính sách thu hút nhà khoa học Việt trở về. Ông gợi ý, Quỹ Khoa học công nghệ quốc gia Nafosted đẩy mạnh hỗ trợ thúc đẩy các nhà khoa học, nghiên cứu trẻ cống hiến.
Quan niệm “là người Việt nên quay về giúp Việt Nam”, thành công ở Pháp nhưng GS Trần Thanh Vân và vợ là giáo sư Lê Kim Ngọc cùng những người bạn thiện nguyện xây dựng Trung tâm Khoa học giáo dục liên ngành (ICISE) tại Quy Nhơn, trở thành ngôi nhà chung cho khoa học Việt Nam và thế giới thường xuyên hội tụ chia sẻ chuyên môn, học thuật. Từ năm 1993 đến nay, chương trình Gặp gỡ Việt Nam do ông khởi xướng đã tổ chức 18 lần thu hút hàng nghìn nhà khoa học nổi tiếng, trong đó nhiều nhà khoa học giải Nobel đến Việt Nam chia sẻ các nghiên cứu mới. Ông vẫn mong muốn có những chính sách cởi mở để các nhà khoa học trẻ cống hiến.
GS.VS Nguyễn Quốc Sỹ, Đại học Năng lượng Quốc gia Moskva, đánh giá chính sách ở tầm vĩ mô quan tâm sử dụng trí thức kiều bào nhưng còn thiếu các quy định cụ thể để hiện thực hóa việc thu hút hiệu quả trí thức kiều bào về làm việc trong từng ngành, dự án, các cơ sở nghiên cứu triển khai các ứng dụng khoa học công nghệ. Bên cạnh việc thiếu kinh phí đầu tư, trang thiết bị triển khai các hoạt động nghiên cứu, ông Sỹ cũng chỉ ra trong các dự án chưa xác định rõ vai trò và mức độ tham gia của trí thức kiều bào dẫn tới họ không thể cống hiến hết năng lực của mình.
Ông mong muốn có tổ chức làm cầu nối, tạo điều kiện để đội ngũ trí thức công hiến, đồng thời gợi ý nhà nước nên mạnh dạn giao các nhiệm vụ khoa học công nghệ, đặc biệt là khoa học công nghệ trọng điểm để các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài thực hiện.
Đồng tình với các kiến nghị của nhà khoa học, ông Võ Công Trí, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP Đà Nẵng minh họa thêm nhiều kết quả hợp tác của các trí thức Việt kiều đóng góp cho Đà Nẵng. Tuy nhiên do thành phố chưa xây dựng chính sách cụ thể đột phá và hấp dẫn để trí thức tham gia nghiên cứu, ứng dụng và triển khai các dự án khoa học nên chưa khai thác được hết tiềm lực và số lượng các nhân lực trí thức kiều bào Đà Nẵng ở các nước.
TS Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội cho biết, các chính sách thu hút nhân tài và đội ngũ trí thức khoa học công nghệ về làm việc tại Việt Nam được xây dựng như giảm thuế thu nhập, nhà ở, mức lương cao. “Đây là chính sách là hấp dẫn, nhưng điểm mấu chốt là về làm gì, làm cho ai quản lý, mô hình hoạt động như thế nào lại chưa rõ”, ông Rao nói.
Theo ông điều quan trọng là cần mời về và giao quyền để phát huy đúng năng lực, giúp trí thức cống hiến trí tuệ, kinh nghiệm cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. “Nên để cho các nhà khoa học và công nghệ tham gia thực hiện chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm”, ông Rao nói và dẫn mô hình từ Singapore lựa chọn ngành công nghiệp dược để sản xuất ra những sản phẩm thay thế nhập khẩu. Chính phủ nước này đã chọn mô hình là viện nghiên cứu đặt trong khu công viên khoa học, trực tiếp tuyển dụng nhân lực giỏi nhất lĩnh vực này để tập trung phát triển, thậm chí tuyển người đoạt giải Nobel. Với Việt Nam, ông cho rằng, cần chọn lĩnh vực ưu tiên sau đó mời chuyên gia giỏi ở ngành đó để làm đúng người, đúng việc mới có hiệu quả.
Theo ước tính của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, số lượng người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 10 – 12% trong cộng đồng 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, tương đương khoảng 500.000 đến 600.000 người.
Như Quỳnh
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/giao-nhiem-vu-nghien-cuu-de-tri-thuc-viet-kieu-cong-hien-4584913.html