TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích (chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, người bệnh tiểu đường dễ bị ngứa da do nhiều nguyên nhân như: dị ứng thuốc, suy thận, xơ gan, nhiễm vi khuẩn, nhiễm nấm, tổn thương mạch máu… Bên cạnh dùng thuốc, ăn uống, vận động theo hướng dẫn của bác sĩ, chăm sóc da tốt cũng rất quan trọng trong việc kiểm soát tình trạng ngứa da.
Giữ ẩm cho da: Người bệnh nên dưỡng ẩm bằng cách sử dụng dưỡng ẩm dạng kem hai lần mỗi ngày để da luôn đủ độ ẩm, khỏe mạnh hơn. Sau khi tắm rửa, giữ da luôn sạch sẽ, lau khô. Không nên tắm quá nhiều lần trong ngày hay sử dụng xà phòng có mùi thơm vì các hóa chất trong các sản phẩm này dễ làm cho da khô hoặc kích ứng.
Người bệnh nên chọn loại xà phòng không sút (sans savon, soap free, alkaline free); xà phòng dịu nhẹ (gentle wash , gentle cleanser), không mùi để chăm sóc da. Nên tắm vòi hoa sen hoặc tắm nước ấm, không quá nóng; dùng máy tạo độ ẩm tại nhà khi thời tiết lạnh vì không khí lạnh dễ làm khô da.
Mặc các loại quần áo ít kích ứng:Một số loại quần áo từ len, lụa hay các loại vải khó thấm hút mồ hôi khiến da dễ bị kích ứng gây ngứa da. Mặc các loại quần áo ít kích ứng như: cotton, vải lanh, lụa… góp phần bảo vệ da.
Hạn chế căng thẳng: Giữ tinh thần thoải mái, lạc quan, tránh căng thẳng để bảo vệ sức khỏe tốt hơn.
Sử dụng gạc lạnh: Sử dụng gạc lạnh cũng có hiệu quả giúp giảm ngứa da. Người bệnh có thể đắp miếng gạc lạnh lên vùng da bị ngứa đến khi hết ngứa. Trường hợp hết gạc lạnh, người bệnh có thể tắm nước lạnh bằng vòi hoa sen; tuy nhiên, không nên tắm thường xuyên nếu đường huyết không được kiểm soát tốt.
Thuốc bôi: Bác sĩ sẽ kê đơn thêm cho người bệnh có mức độ ngứa nặng một số loại thuốc mỡ có chứa: camphor, menthol, phenol hoặc thuốc chống nấm, thuốc kháng histamin… Bác sĩ Bích cho hay, các loại thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ̣ nếu dùng sai cách. Do đó, người bệnh cần tuân thủ sử dụng thuốc đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Sử dụng thực phẩm lành mạnh: Người bệnh tiểu đường nên sử dụng thực phẩm giàu chất xơ, ít cholesterol, hàm lượng chất béo bão hòa thấp để kiểm soát đường huyết tốt hơn. Một số loại thực phẩm lành mạnh người bệnh tiểu đường có thể lựa chọn như: các loại đậu, yến mạch, trái mâm xôi, hạnh nhân, các loại ngũ cốc, hạt lanh, cá béo (cá hồi, cá thu, cá mòi, cá trích, rau lá xanh, bông cải, bí đỏ, dầu ô liu nguyên chất…).
Tuy nhiên, người bệnh hạn chế dùng ngũ cốc đã qua tinh chế, nên sử dụng ngũ cốc nguyên hạt có lớp cám và mầm nguyên vẹn để giảm nguy cơ bệnh tim do biến chứng tiểu đường. Ngũ cốc nguyên hạt bổ sung chất xơ, vitamin B, magiê, selen góp phần ngăn lượng đường trong máu tăng cao, giúp người bệnh cảm thấy no lâu hơn.
Tập luyện thường xuyên: Tập thể dục không những tăng cường sức đề kháng mà còn giúp cơ thể sử dụng insulin tốt hơn, kiểm soát đường huyết ổn định. Tập thể dục đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày có lợi cho sức khỏe.
Tái khám định kỳ giúp người bệnh sớm tìm ra nguyên nhân gây bệnh để điều trị kịp thời. Bác sĩ khoa Nội tiết – Đái tháo đường và bác sĩ chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da sẽ thăm khám và điều trị, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Bên cạnh đó, người bệnh nên kiểm tra bàn chân hàng ngày xem có vết cắt, phồng rộp hoặc vết loét thì điều trị ngay, không gãi quá nhiều để tránh nhiễm trùng da.
Mai Hoa
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/giam-ngua-da-cho-nguoi-tieu-duong-4591958.html