Giải bài tập GDCD 9 Bài 2: Khoan dung giúp các em học sinh lớp 9 tham khảo, nhanh chóng trả lời các câu hỏi trong SGK Giáo dục công dân 9 Cánh diều trang 11, 12, 13, 14, 15.
Soạn Giáo dục công dân 9 Bài 2 được biên soạn bám sát theo chương trình SGK giúp các em nắm vững kiến thức. Đồng thời, cũng giúp thầy cô tham khảo để soạn giáo án Bài 2 cho học sinh của mình. Vậy chi tiết mời thầy cô và các em cùng theo dõi trong bài viết dưới đây của Pgdphurieng.edu.vn:
Giải GDCD 9 Cánh diều Bài 2 – Luyện tập
Luyện tập 1
Em đồng tình, không đồng tình với ý kiến nào dưới đây? Vì sao?
A. Khoan dung là tha thứ cho mọi lỗi lầm của người khác.
B. Khoan dung không chỉ là tha thứ cho người khác mà còn là tha thứ cho chính mình.
C. Không bao giờ phê bình người khác là biểu hiện của khoan dung.
D. Khoan dung là tha thứ cho người khác ngay cả khi họ không biết hối hận.
E. Đối lập với khoan dung là hẹp hòi, ích kỉ.
Trả lời:
– Đồng tình với các ý kiến: b) e). Vì:
+ Biểu hiện của khoan dung là: Tha thứ cho người khác khi họ biết hối hận và sửa chữa lỗi lầm; Tha thứ cho chính mình; Không cố chấp, hẹp hòi, định kiến.
+ Đối lập với khoan dung là hẹp hòi, ích kỉ.
– Không đồng tình với các ý kiến: a), c), d). Vì:
+ Chúng ta chỉ nên khoan dung, tha thứ cho người khác, khi họ nhận thức được sai lầm của bản thân và có thái độ, hành động sửa chữa những sai lầm, thiếu sót đó.
+ Trước những lỗi sai, thiếu sót của người khác, chúng ta nên phê bình, góp ý với tinh thần xây dựng.
Luyện tập 2
Em hãy xử lí các tình huống dưới đây:
Tình huống a. Bố mẹ giao cho V nhiệm vụ dọn dẹp nhà cửa mỗi ngày nhưng V thường xuyên mải chơi quên việc. Dù bố mẹ đã nhắc nhiều lần nhưng V vẫn không thay đổi. Một lần, có khách đến chơi nhà, V chợt nhận thấy bố mẹ rất ngượng với khách khi nhà cửa bừa bộn.
Nếu em là bố mẹ của V, em sẽ ứng xử như thế nào?
Tình huống b. Gia đình bà A luôn không tuân thủ các quy định chung của tập thể, hay to tiếng với mọi người trong khu phố. Mặc dù, tổ trưởng dân phố đã nhắc nhở nhiều lần nhưng gia đình bà A vẫn không thay đổi. Qua thời gian, bà A nhận thấy hàng xóm lạnh nhạt, xa lánh thì cảm thấy ngượng ngùng và hối lỗi. Trong cuộc họp của tổ dân phố, bà A đã có lời xin lỗi với bà con tổ dân phố và hứa sẽ sửa đổi.
Nếu em là hàng xóm của bà A, em sẽ ứng xử như thế nào?
Trả lời:
– Xử lí tình huống a) Nếu là bố mẹ của V, em sẽ:
+ Đợi khi khách ra về; sau đó cùng trao đổi, tâm sự với V.
+ Trong quá trình trao đổi, em luôn thể hiện thái độ: nhẹ nhàng, cởi mở và rộng lượng, sẵn sàng tha thứ khi V nhận thức được lỗi sai và quyết tâm thay đổi.
– Xử lí tình huống b) Nếu là hàng xóm của bà A, em sẽ:
+ Chấp nhận lời xin lỗi của bà A; đồng thời khuyên nhủ các gia đình khác trong tổ dân phố bỏ qua những thiếu sót của gia đình bà A trong thời gian qua.
+ Thường xuyên động viên và giúp đỡ, hướng dân gia đình bà A thực hiện đúng các quy định chung của tổ dân phố.
Luyện tập 3
Có ý kiến cho rằng: “Sức mạnh của lòng nhân ái và bao dung có thể cảm hóa được lỗi lầm của con người”. Từ những hiểu biết của em về khoan dung, em hãy thuyết trình về ý kiến trên và lấy ví dụ thực tế để chứng minh.
Trả lời:
(*) Bài viết tham khảo:
Trong cuộc sống, trước những khó khăn thử thách hay cám dỗ, con người dễ dàng phạm phải những sai lầm. Nếu không biết bỏ qua, vị tha thì mối quan hệ giữa người với người sẽ chỉ là những toan tính nhỏ nhen và tràn ngập sự thù hận. Ngược lại, khi biết độ lượng, bao dung, con người sẽ dễ dàng thấu hiểu và sống tốt hơn. Đó cũng chính là sức mạnh của lòng khoan dung.
Lòng khoan dung là một trong những đức tính cao quý và tốt đẹp của con người, thể hiện qua việc biết thấu hiểu, đồng cảm từ đó tha thứ, bỏ qua cho những lỗi lầm của người khác. Đồng thời, biết chấp nhận những điểm yếu, khiếm khuyết và giúp họ khắc phục những sai lầm. Lòng khoan dung luôn đối lập với lối sống của những con người nhỏ nhen, ích kỉ, không biết thấu hiểu và bụng dạ hẹp hòi. Lòng khoan dung là một trong số những đức tính tốt đẹp, là biểu hiện của lối sống đẹp, vị tha, vì người khác.
Từ xưa đến nay, đây cũng là một trong những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc ta, và hiện nay, nó cũng được phát huy qua những hành động cụ thể, thiết thực như sẵn sàng bỏ qua lỗi lầm cho người khác khi họ gây ra những tổn thương, mất mát,… Đó là những người mẹ vĩ đại giàu lòng vị tha trước những sai lầm, đó là những thầy cô giáo truyền đạt kiến thức nhưng đồng thời cũng rèn luyện phẩm chất, năng lực cho học sinh,… Chính sự vị tha, tha thứ cho những lỗi lầm của người khác sẽ khiến mối quan hệ giữa người với người trở nên tốt đẹp hơn. Bởi khi mở rộng lòng mình chấp nhận những lời xin lỗi, biết thấu hiểu cho những sai lầm của người khác, con người sẽ xóa nhòa ranh giới của sự thù hận, ghét bỏ, quên đi những mất mát, thiệt thòi của bản thân.
Luyện tập 4
Em hãy kể lại một vai tình huống mà em đã thể hiện lòng khoan dung với mọi người và với chính bản thân em.
Trả lời:
(*) Tham khảo 1: Tình huống mà em thể hiện lòng khoan dung với mọi người:
Tình huống 1. Em là lớp trưởng lớp 9A. Mỗi khi có thành viên trong lớp vi phạm nội quy, em thường tìm gặp riêng để hỏi thăm, tìm hiểu nguyên nhân và cùng bạn đưa ra giải pháp để cải thiện, khắc phục sai lầm. Trong quá trình trao đổi với các bạn, em luôn biết lắng nghe, không phán xét mà đặt mình vào vị trí của người khác để đồng cảm với họ.
(*) Tham khảo 2: Tình huống em thể hiện lòng khoan dung với chính bản thân mình:
Tình huống 2. Sau buổi tiệc sinh nhật bạn thân, em không về nhà ngay mà lại đi chơi riêng với bạn bè, không báo cho bố mẹ biết. Sau đó, không may em đã bị tai nạn giao thông, phải nằm viện. Khi tỉnh lại, em đã khóc rất nhiều, xin lỗi vì làm cho bố mẹ phải lo lắng, tốn kém thời gian, tiền bạc để chăm sóc cho mình trong bệnh viện. Trong suốt 1 tuần nằm viện, em luôn cảm thấy dằn vặt bản thân mình. Được bố mẹ, người thân và bạn bè động viên, nên em không còn khóc và tự trách bản thân nhiều như trước nữa.
Giải GDCD 9 Cánh diều Bài 2 – Vận dụng
Vận dụng 1
Em hãy sưu tầm một câu chuyện về sự khoan dung và chia sẻ điều em có thể học tập, vận dụng cho bản thân từ câu chuyện đó.
Trả lời:
(*) Tham khảo: câu truyện 4 viên kẹo từ thầy hiệu trưởng
Một ngày nọ, thầy hiệu trưởng nhìn thấy một cậu bé đánh bạn cùng lớp của mình, ông đã ngăn cản và yêu cầu bạn ấy đến văn phòng để trao đổi. Khi hiệu trưởng trở lại văn phòng, cậu bé đã đợi sẵn ở đó.
Ông lấy một viên kẹo đưa cho cậu bé: “Đây là để thưởng con vì con đã đến văn phòng trước thầy”. Sau đó, thầy lại lấy viên kẹo thứ 2: “Cái này cho con, vì khi thầy ngăn con đã dừng lại ngay lập tức, đó là tôn trọng thầy”.
Cậu bé nghi ngờ cầm lấy, thầy lại nói: “Theo thầy biết thì con đánh bạn cùng lớp vì bạn ấy bắt nạt bạn nữ. Điều đó cho thấy con có ý thức công bằng, thưởng cho con 1 viên kẹo nữa”.
Lúc này, cậu bé khóc và nói: “Hiệu trưởng, con sai rồi. Dù các bạn trong lớp có sai thế nào, con cũng không nên đánh bạn”. Thầy lại lấy ra một viên kẹo khác: “Con đã nhận lỗi rồi, thầy thưởng thêm 1 viên kẹo nữa, giờ thì thầy hết kẹo rồi và chúng ta có thể dừng cuộc trò chuyện ở đây nhé!”.
(*) Điều em có thể học hỏi được:
– Luôn giữ thái độ bình tĩnh, không sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề.
– Cần khoan dung, tha thứ cho người khác khi họ nhận thức và có hành động sửa chữa sai lầm.
Vận dụng 2
Em hãy viết một lá thư khuyên bạn/người thân khi biết bạn/người thân vẫn còn day dứt về việc mắc lỗi của họ.
Trả lời:
Minh Lan thương mến!
Chắc hẳn cậu rất bất ngờ khi nhận được lá thư này từ mình. Lan ơi, sáng nay, mình vô tình nhìn thấy cậu đang ngồi ở một góc khuất ở vườn trường, lặng lẽ khóc và tự dằn vặt, trách móc bản thân vì những sai lầm đã qua, điều đó khiến mình suy nghĩ rất nhiều và quyết định viết thư gửi tới cậu.
Minh Lan à, với cuộc sống xô bồ như hiện nay thì con người rất dễ phạm phải những sai lầm và khó lòng tha thứ cho người khác hay chính bản thân mình. Đó cũng chính là một cuộc chiến đường dài, mà trong cuộc chiến ấy, mỗi tâm hồn phải tự đấu tranh để quên đi một sai lầm nào đó. Có người chỉ cần một thời gian để quen dần và tha thứ cho chính mình, nhưng cũng có những người luôn sống trong sự dằn vặt, khổ đau. Cảm giác tội lỗi và xấu hổ cũng là một trong những yếu tố để làm nên sự chính trực và lòng tự trọng trong mỗi con người, nhưng việc dằn vặt bản thân quá nhiều, từ ngày này sang ngày khác chỉ khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn. Tha thứ cho bản thân là sự giải thoát cho chính mình, giúp bản thân nhẹ lòng hơn. Khi cậu không còn dằn vặt hay đau khổ về những lỗi lầm mà mình đã gây ra, cậu sẽ thấy yêu đời và có tinh thần lạc quan để giải quyết công việc. Hơn nữa, khi bản thân mắc lỗi và nhận ra lỗi, đó đã là một sự tiến bộ để có thể tìm hiểu nguồn cơn dẫn đến những sai lầm để từ đó làm việc một cách có hiệu quả hơn.
Mình biết rằng, thời gian qua, cậu đã luôn dằn vặt với những sai lầm của bản thân để rồi rơi vào hố đen tiêu cực, luôn chán nản và mệt mỏi; thế nhưng trong sâu thẳm, cậu vẫn khát khao sống một cuộc đời tươi đẹp với những ước mơ, hoài bão cần phải chinh phục; vậy nên, cậu hãy mạnh mẽ, kiên cường như đóa “hướng dương ngược nắng”, học cách tha thứ để thấu hiểu, yêu thương, nâng cao tâm hồn và trí tuệ của chính mình nhé!
Ký tên
Ngọc Mai!
>> Tham khảo: Viết một lá thư khuyên bạn hoặc người thân khi biết họ vẫn còn day dứt về việc mắc lỗi của họ
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết GDCD 9 Bài 2: Khoan dung Giáo dục công dân lớp 9 Cánh diều trang 11, 12, 13, 14, 15 của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.