GDCD 11 Bài 9: Nhà nước xã hội chủ nghĩa tóm tắt toàn bộ kiến thức lý thuyết và hướng dẫn giải chi tiết các bài tập trong sách giáo khoa GDCD trang 80.
Giải bài tập GDCD 11 Bài 9 là tài liệu vô cùng hữu ích dành cho giáo viên và các em học sinh lớp 11 tham khảo, đối chiếu với lời giải hay, chính xác nhằm nâng cao kết quả học tập của các em. Vậy sau đây là nội dung chi tiết giải bài tập SGK GDCD 11 trang 80, mời các bạn cùng theo dõi và tải tại đây.
Lý thuyết Nhà nước xã hội chủ nghĩa
a. Thế nào là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
– Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân quản lí mọi mặt của đời sống xã hội bằng pháp luật, do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
b. Bản chất của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
– Tính nhân dân
- Nhà nước của dân, do dân lập nên và nhân dân tham gia quản lí.
- Nhà nước thể hiện ý chí, lợi ích và nguyện vọng của nhân dân.
- Nhà nước là công cụ chủ yếu để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình.
– Tính dân tộc
- Kế thừa và phát huy những truyền thống, bản sắc tốt đẹp của dân tộc.
- Có chính sách dân tộc đúng đắn, chăm lo lợi ích mọi mặt của các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.
- Thực hiện đại đoàn kết dân tộc.
c. Chức năng của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
– Chức năng đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
– Chức năng tổ chức và xây dựng, đảm bảo thực hiện các quyền tự do, dân chủ và lợi ích hợp pháp của công dân.
d. Vai trò của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong hệ thống chính trị
– Thể chế hóa và tổ chức thực hiện đường lối chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam, thể chế hóa và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.
– Tổ chức xây dựng xã hội mới – xã hội xã hội chủ nghĩa.
Giải bài tập GDCD 11 Bài 9 trang 80
Câu 1
Trong lịch sử xã hội loài người, nhà nước xuất hiện từ khi nào? Tại sao khi đó nhà nước xuất hiện?
Gợi ý làm bài:
Trong lịch sử xã hội loài người, nhà nước ra đời khi xuất hiện chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, khi xã hội phân hóa thành các giai cấp, mâu thuẫn giữa các giai cấp ngày càng gay gắt đến mức không thể điều hòa được.
Khi đó nhà nước xuất hiện vì khi lực lượng sản xuất phát triển, xuất hiện sản phẩm lao động dư thừa, quá trình tư hữu tài sản diễn ra, chế độ tư hữu hình thành, phân chia xã hội thành hai giai cấp đối lập nhau: giai cấp bóc lột và giai cấp bị bóc lột. Mâu thuẫn giữa hai giai cấp ngày càng gay gắt, không thể điều hòa được. Để duy trì trật tự và quản lí một xã hội đã có những thay đổi rất căn bản ấy đòi hỏi phải có một tổ chức với quyền lực mới do giai cấp chiếm ưu thế về kinh tế lập ra để thực hiện sự thống trị giai cấp, làm dịu bớt sự xung đột giữa các giai cấp và giữ cho sự xung đột đó nhằm trong vòng “trật tự”, bảo vệ lợi ích và địa vị của giai cấp mình, đó chính là Nhà nước.
Câu 2
Giải thích tại sao nhà nước mang bản chất giai cấp của giai cấp thống trị? Cho ví dụ minh họa?
Gợi ý làm bài:
Nhà nước mang bản chất giai cấp của giai cấp thống trị vì:
- Nhà nước là bộ máy dùng để duy trì sự thống trị của giai cấp này đối với giai cấp khác. Sự thống trị xét về mặt nội dung thể hiện ở ba mặt: kinh tế, chính trị, tư tưởng. Để thực hiện sự thống trị của mình, giai cấp thống trị phải tổ chức và sử dụng nhà nước để duy trì quyền lực kinh tế, chính trị và tư tưởng của mình đối với toàn xã hội. Bằng nhà nước và thông qua nhà nước, giai cấp thống trị về kinh tế trở thành giai cấp thống trị về chính trị và tư tưởng; ý chí của giai cấp thống trị được thể hiện thành ý chí nhà nước, bắt buộc mọi thành viên trong xã hội phải tuân theo.
- Nhà nước là bộ máy trấn áp đặc biệt của giai cấp này đối với giai cấp khác. Bất kì nhà nước nào cũng có những lực lượng đặc biệt được vũ trang như quân đội, cảnh sát,… Để bảo vệ địa vị thống trị và lợi ích của mình, giai cấp thống trị sử dụng những lực lượng đặc biệt đó đàn áp sự phản kháng của các giai cấp bị thống trị.
Ví dụ: Nhà nước ban hành Hiến pháp và pháp luật mang tính bắt buộc, được nhà nước bảo đảm thực hiện, ai làm trái sẽ bị xử phạt theo đúng quy định của pháp luật.
Câu 3
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là gì? Tại sao nói nhà nước ta mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân rộng rãi và tính dân tộc sâu sắc?
Gợi ý làm bài:
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, quản lí mọi mặt của đời sống xã hội bằng pháp luật, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Nói nhà nước ta mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân rộng rãi và tính dân tộc sâu sắc vì:
- Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thành quả cách mạng của quần chúng nhân dân lao động do giai cấp công nhân thông qua chính đảng của mình là Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
- Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân, do nhân dân lập nên và nhân dân tham gia quản lí; nhà nước thể hiện ý chí, lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, là công cụ chủ yếu để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình.
- Trong tổ chức và thực hiện, nhà nước ta kế thừa và phát huy những truyền thống, bản sắc tốt đẹp của dân tộc, Nhà nước có chính sách dân tộc đúng đắn, chăm lo lợi ích mọi mặt cho các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam và thực hiện đại đoàn kết dân tộc, coi đoàn kết dân tộc, đoàn kết toàn dân là đường lối chiến lược và động lực to lớn để xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Câu 4
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam có những chức năng cơ bản nào? Chức năng nào là cơ bản nhất? Tại sao?
Gợi ý làm bài:
Các chức năng cơ bản của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
– Chức năng bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Để xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, Nhà nước ta sử dụng toàn bộ sức mạnh của mình để phòng ngừa, ngăn chặn mọi âm mưu gây rối, phá hoại, bạo loạn, xâm hại đến nền an ninh quốc gia, đến sự ổn định chính trị trong nước, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, an toàn xã hội, tạo điều kiện hòa bình, ổn định cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta.
– Chức năng tổ chức và xây dựng, bảo đảm thực hiện các quyền tự do, dân chủ và lợi ích hợp pháp của công dân.
- Tổ chức xây dựng và quản lí nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.
- Tổ chức xây dựng và quản lí văn hóa, giáo dục, khoa học.
- Tổ chức xây dựng và bảo đảm thực hiện các chính sách xã hội.
- Xây dựng hệ thống pháp luật để đảm bảo thực hiện các quyền tự do, dân chủ và lợi ích hợp pháp của công dân.
- Hai chức năng trên có mối quan hệ hữu cơ và thống nhất với nhau, trong đó có chức năng tổ chức và xây dựng là căn bản nhất, giữ vai trò quyết định.
- Bởi vì, với nhà nước xã hội chủ nghĩa, chức năng đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội “mới chỉ là những công việc quét dọn trước khi xây dựng, chứ chưa phải là đích thân việc xây dựng” như Lênin đã khẳng định.
Câu 5
Vai trò của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong hệ thống chính trị ở nước ta như thế nào?
Gợi ý làm bài:
Hệ thống chính trị là tập hợp các thiết chế chính trị, bao gồm nhà nước, các đảng phái chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội có quan hệ gắn bó hữu cơ và tác động qua lại lẫn nhau nhằm thực hiện quyền chính trị của giai cấp cầm quyền.
Hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay bao gồm: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội khác như: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ….
Là một yếu tố cấu thành hệ thống chính trị, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam có những vai trò sau:
- Thể chế hóa và tổ chức thực hiện đường lối chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam; thể chế hóa và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.
- Tổ chức xây dựng xã hội mới – xã hội xã hội chủ nghĩa.
- Là công cụ hữu hiệu để Đảng thực hiện vai trò của mình đối với toàn xã hội
- Là công cụ chủ yếu của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Câu 6
Mỗi công dân cần phải làm gì để góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta?
Gợi ý làm bài:
- Gương mẫu thực hiện và tuyên truyền, vận động mọi người thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
- Tích cực tham gia các hoạt động: xây dựng, củng cố, bảo vệ chính quyền, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
- Phê phán, đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật
- Thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.
Câu 7
Em hãy nêu những ví dụ thể hiện Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân?
Gợi ý làm bài:
- Người dân được hưởng quyền bình đẳng, quyền tự do ngôn luận, quyền bầu cử, ứng cử, quyền và nghĩa vụ học tập, lao động,…
- Người dân chung người dân được hưởng đầy đủ chế độ ưu đãi, chính sách đãi ngộ
- Khi nhà nước ban hành các quy định và bộ luật đều tiến hành trưng cầu dân ý, để mỗi người dân đều được đóng góp ý kiến, nhất là vào những hoạt động có liên quan đến bản thân mình.
Câu 8
Hãy nêu những việc làm của chính quyền địa phương nhằm phát huy quyền dân chủ của nhân dân mà em biết?
Gợi ý làm bài:
- Thực hiện bầu cử quốc hội và chính quyền địa phương các cấp, tính dân chủ thể hiện ở chỗ việc chính quyền địa phương sẽ tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét, tín nhiệm của cử tri nơi ứng cử viên công tác và cư trú. Tại hội nghị này, cử tri có quyền nhận xét, bày tỏ tín nhiệm đối với người tự ứng cử, người được giới thiệu ứng cử bằng cách giơ tay hoặc bỏ phiếu kín.
- Khi thực hiện các công trình phúc lợi xã hội như làm cầu đường giao thông nông thôn, nạo vét cống rãnh, … sẽ tổ chức họp lấy ý kiến trong địa phương, lần đầu bà con chưa thông thì họp tiếp; nếu 80% hộ dân đồng tình, có thể vận động nhân dân thực hiện.
- Các thủ tục hành chính liên tục được cải tiến tăng cường tính công khai, minh bạch; tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc và chi phí đi lại nhiều lần gây tốn kém cho nhân nhân.
- Địa phương có các nhà văn hóa, khu thể thao để người dân đến sinh hoạt, giải trí, …
- Chính quyền địa phương quan tâm đến các gia đình chính sách, gia đình khó khăn như xây nhà tình thương, tình nghĩa, …
Câu 9
Là một học sinh, em phải làm gì để góp phần xây dựng chính quyền vững mạnh ở địa phương mình?
Gợi ý làm bài:
- Tham gia tích cực các hoạt động tập thể ở địa phương như vệ sinh đường làng ngõ xóm, vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường,..
- Tham gia tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình, tuyên truyền việc thực hiện tốt các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước
- Tham gia bầu cử HĐND các cấp khi đủ tuổi
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết GDCD 11 Bài 9: Nhà nước xã hội chủ nghĩa Giải Giáo dục công dân 11 trang 80 của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.