Với bà mẹ tên Yun, các nhóm trao đổi giữa phụ huynh và giáo viên là “nỗi đau khó nói”. Cô có mặt trong hàng tá hội nhóm như vậy. Mỗi khi con tham gia vào hoạt động ngoại khóa nào đó, cô lại được đưa vào một nhóm mới. Chồng của Yun không bao giờ gia nhập các nhóm này. “Tôi chịu trách nhiệm liên lạc qua mạng với giáo viên”, Yun chia sẻ với nhóm nghiên cứu của Peng Yinni, Phó giáo sư xã hội học Đại học Baptist Hong Kong.
Cuộc phỏng vấn năm 2022 với Yun nằm trong cuộc điều tra về nuôi dạy con cái kéo dài ba năm tại Thâm Quyến, Hạ Môn và Thái An (Trung Quốc). Một trong những điều khiến Yinni băn khoăn nhất là công nghệ kỹ thuật số đã gắn liền với việc làm cha mẹ như thế nào.
Bên cạnh chăm sóc thể chất, tinh thần, rèn giũa kỷ luật, sự xâm nhập của công nghệ số và truyền thông vào cuộc sống hàng ngày đang tạo ra một loại hình nuôi dạy con cái mới. Dù vậy, nó không có nhiều khác biệt so với các loại hình truyền thống vì đều mang nặng định kiến giới.
Đàn ông thường được đánh giá thành thạo công nghệ hơn so với phụ nữ, các cuộc phỏng vấn của Yinni gợi ý họ lại không gánh vác trách nhiệm lớn hơn. Thực tế, khi việc nuôi dạy con cái chuyển sang môi trường mạng, các bà mẹ phải làm nhiều việc hơn.
Chẳng hạn, mẹ chủ động hơn bố khi tìm kiếm, lọc và chia sẻ thông tin nuôi dạy con trên mạng. Họ đăng ký các blog kỹ năng, tham gia nhóm trao đổi, tìm kiếm thông tin trên Baidu hay Xiaohongshu. Nó giúp họ xử lý một số vấn đề cụ thể trong cuộc sống và nâng cao hiểu biết về chăm sóc con.
Một đặc điểm khác của phụ huynh thời công nghệ là sự cần thiết phải kết nối liên tục với giáo viên. Các nhóm phụ huynh – giáo viên trên các ứng dụng nhắn tin như WeChat hay QQ rất phổ biến. Với các bà mẹ có con trong độ tuổi đến trường, kiểm tra tin nhắn trong nhóm là công việc hàng ngày. Họ cần làm vậy để theo dõi tình hình học tập hay bài tập về nhà, hoạt động trên trường của con.
Không chỉ có vậy, một số bà mẹ như Fang còn liên lạc với cô giáo ở ngoài nhóm chung để hỏi về kết quả của con mình. Họ nhận thông báo liên tục về đủ mọi hoạt động, từ dạy trẻ ở nhà, ký đơn thư, đóng học phí. Vì vậy, họ cần chú ý đến nó và việc này tốn không ít thời gian.
Mua sắm trực tuyến cũng là một khía cạnh khác của việc nuôi dạy con hiện nay. Dù các chợ điện tử khá thuận tiện, các bà mẹ dành nhiều thời gian để lựa chọn sản phẩm chất lượng cho con mình. Trước khi mua sắm, họ có thể so sánh giá của các loại, xem xét mức độ tin cậy, uy tín của cửa hàng, đọc qua đánh giá của người mua.
Các ông bố hiếm khi tham gia vào các hoạt động này. Ví dụ, chồng của Mei không bao giờ đọc thông tin nuôi dạy con trên mạng. Nhiều ông bố trong nghiên cứu của Yinni xem đó là “thú vui của phụ nữ” và mặc định vợ thích làm thế. Họ lấy lý do công việc để biện minh cho việc đứng ngoài.
Qiang, sống tại Hạ Môn, cho rằng vợ có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn. “Tôi không thường tìm kiếm thông tin chăm sóc con cái vì bận làm việc”, ông chồng này giải thích.
Theo Yinni, tại Trung Quốc, phụ huynh và giáo viên dường như đều nhất trí sẽ phù hợp hơn nếu để cho mẹ quản lý việc liên lạc với nhà trường. Một số ông bố nhấn mạnh vai trò kết nối giữa gia đình – nhà trường của người mẹ. Dong, sống tại Thâm Quyến, cho biết vợ dùng WeChat và QQ để trò chuyện với giáo viên. Nếu cần thiết, vợ sẽ gọi cho cô giáo, còn Dong không liên quan.
Ngay cả khi định kiến cho rằng mẹ là người chăm sóc chính, còn bố là người nuôi cả nhà, loại hình nuôi dạy con cái thời đại số càng làm cho phân công lao động theo giới trong gia đình sâu sắc hơn. Khi xóa nhòa ranh giới giữa chăm sóc con cái, làm việc, giải trí, công nghệ số khiến cho công việc của người mẹ trở nên vô hình hơn. Đồng thời, nó là cái cớ để người chồng không công nhận công sức mà vợ mình bỏ ra.
Chỉ có số ít các ông bố nhận ra được vợ mình có thể bị căng thẳng hơn do phải liên tục phản hồi thông tin, tin nhắn mới liên quan đến con cái. Theo Yinni, cần quan tâm đến vai trò của công nghệ trong “áp bức và bóc lột” phụ nữ trong bối cảnh nuôi dạy con mới.
Huy Phương (Theo Sixthtone)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/ganh-nang-thoi-cong-nghe-cua-cac-ba-me-4591840.html