Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Viễn thông – Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết tính đến chiều nay, các doanh nghiệp viễn thông đã thu hồi, hủy hơn gần một triệu thuê bao. Đây là những số điện thoại không cập nhật thông tin để khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nên bị chấm dứt hợp đồng theo Nghị định 49 về lĩnh vực Viễn thông di động.
Theo ông Nhã, từ khi bị khóa hai chiều hôm 15/4 đến nay, chưa tới 15% trong số 1,15 triệu thuê bao thực hiện việc chuẩn hóa để được mở khóa hoạt động trở lại.
Theo Nghị định 49, số điện thoại có thông tin chưa chuẩn, chưa trùng với cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ nhận được thông báo từ nhà mạng. Thuê bao bị dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều nếu không thực hiện sau 15 ngày thông báo, dừng hai chiều nếu không thực hiện sau 15 ngày tiếp theo. Một tháng sau đó, thuê bao sẽ bị thu hồi số và doanh nghiệp viễn thông sẽ thực hiện việc cung cấp cho cá nhân, tổ chức khác có nhu cầu.
Thống kê đến cuối 2022, Việt Nam có khoảng 127 triệu thuê bao, tập trung vào ba nhà mạng chính là Viettel, MobiFone, VinaPhone. Đến giữa tháng 3, các nhà mạng cho biết khoảng 3,84 triệu thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin.
Việc chuẩn hóa là một trong các hoạt động nhằm thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Hoạt động này được đánh giá là cần thiết nhằm xử lý hành vi sử dụng sim điện thoại không đúng quy định để lừa đảo, quảng cáo sai sự thật. Việc sử dụng sim không chính chủ để gọi điện, nhắn tin cũng là một trong những nguyên nhân của cuộc gọi và tin nhắn rác.
Ngoài ra, theo các nhà mạng, thông tin thuê bao chính xác sẽ giúp người dùng được hỗ trợ tốt hơn trong các dịch vụ công trực tuyến, đồng thời giảm thiểu rủi ro khi thông tin bị lợi dụng cho mục đích xấu.
Sau giai đoạn chuẩn hóa thông tin thuê bao, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ tiến hành kiểm tra tình trạng sử dụng sim không chính chủ, đặc biệt là những cá nhân, tổ chức đăng ký nhiều sim, dẫn đến nguy cơ sim bị sử dụng cho mục đích xấu.
Trong họp báo đầu tháng 5, Cục trưởng Viễn thông Nguyễn Thành Phúc cho biết Bộ sẽ tổ chức thanh tra diện rộng với sự tham gia của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố nhằm xử lý sim không chính chủ ngay trong tháng 5 và 6.
Lưu Quý
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/gan-mot-trieu-thue-bao-di-dong-bi-dung-hop-dong-4605449.html