Trong thông báo đưa ra hôm 4/7, SAIC – tập đoàn ôtô quốc doanh lớn nhất Trung Quốc – không nêu chi tiết về kế hoạch xây nhà máy, nhưng cho biết đã bán 530.000 xe ở thị trường nước ngoài trong quý I, tăng 40% so với cùng kỳ 2022. Chiếm gần 70% doanh số đến từ sản phẩm của MG. Xe MG bán ở châu Âu cũng tăng hơn gấp đôi, đạt 115.000 xe trong nửa đầu năm.
SAIC ước tính doanh số ở thị trường nước ngoài có thể vượt mốc 1,2 triệu xe trong năm nay. Kế hoạch của hãng là ra mắt hơn 10 mẫu xe mới dưới thương hiệu MG trên toàn cầu trong vòng 18 tháng tới.
Các hãng xe khác gồm Tesla, BMW và BYD cũng nỗ lực tăng xuất khẩu xe từ Trung Quốc đi các thị trường khác, nắm bắt lợi thế khi chi phí về chuỗi cung ứng cũng như sản xuất ở Trung Quốc rẻ hơn nơi khác.
Trong 5 tháng đầu năm, SAIC là nhà xuất khẩu lớn nhất trong số các hãng xe Trung Quốc, theo dữ liệu từ Hiệp hội ôtô con Trung Quốc (CPCA). Anh, Mexico, Australia và Ấn Độ trong số những thị trường nước ngoài lớn nhất của hãng.
SAIC hiện có nhiều liên doanh với các hãng nước ngoài, gồm SAIC-Volkswagen, chịu trách nhiệm cung cấp sản phẩm của Volkswagen, Skoda, Audi đến khách hàng Trung Quốc. SAIC-GM-Wuling (SGMW) bán xe của các thương hiệu Wuling và Baojun.
Nếu tính cả các liên doanh, thì SAIC là một trong số những hãng sản xuất xe hybrid sạc điện và xe điện hàng đầu thế giới.
Ở châu Âu, SAIC bắt đầu thâm nhập thị trường bằng việc đầu tư vào thương hiệu MG và sau khi mua lại thương hiệu xe Anh năm 2007, giúp vực dậy công việc kinh doanh sau thời gian khó khăn dù một lượng xe MG giờ đây được sản xuất ở Trung Quốc.
Ngày nay, MG tiếp tục tăng trưởng ở Trung Quốc, Anh, một phần châu Á, và châu Âu. Trong kế hoạch về xe điện của SAIC, phần lớn doanh số đến từ xe điện MG ở châu Âu. Mẫu mới nhất của MG vừa bán ra ở châu Âu là xe điện Marvel R với giá từ 43.400 USD.
Ngoài SAIC, còn có những hãng xe Trung Quốc khác như Nio, Xpeng và BYD cũng nỗ lực mở rộng thị trường xe điện ở châu Âu. Và chưa hãng nào trong số này chính thức đặt chân đến Mỹ, dù đã có những ý định và thậm chí, đã có trụ sở ở Mỹ như Nio.
Tại châu Âu, vùng Scandinavia gồm ba quốc gia là Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy đã đón nhận một loạt xe điện Trung Quốc, nhưng những nơi khác như Hà Lan và Đức mới đang bắt đầu có showroom và khởi động khâu bán hàng. Hiện chưa rõ địa điểm SAIC có thể đặt nhà máy sản xuất.
Mỹ Anh (theo Reuters, Electrek)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/ga-khong-lo-nganh-oto-trung-quoc-chinh-chien-chau-au-4625994.html