Hiện Việt Nam không còn cho phép nhập khẩu thiết bị chỉ sử dụng mạng 2G. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thường xuyên thanh tra để phát hiện và kịp thời xử lý, đáp ứng mục tiêu không còn điện thoại 2G thời gian tới.
Tuy nhiên, tại họp báo tháng 9 của Bộ, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết sóng 2G có thể được duy trì thêm một thời gian, không phải dùng vận hành điện thoại 2G mà để phục vụ một số máy 4G. Thống kê cho thấy khoảng 15 triệu điện thoại tại Việt Nam đang trang bị 4G nhưng chỉ để truy cập dữ liệu, trong khi gọi điện và nhắn tin vẫn phải sử dụng mạng 2G.
Theo đại diện Bộ, chu kỳ sử dụng của một thiết bị đầu cuối thường không quá ba năm. Việt Nam bắt đầu tiến hành cấm máy 2G từ 2020, nên nhiều điện thoại loại này đã đến cuối vòng đời. Các máy 2G mới xuất hiện trên thị trường cũng chỉ được nhập qua đường tiểu ngạch. Khi máy bắt đầu hỏng hóc, người dùng sẽ chuyển sang loại điện thoại khác.
Về quá trình chuyển đổi từ 2G sang 4G, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết sẽ không để ai bị mất liên lạc. Các nhà mạng đang xây dựng chính sách hỗ trợ bằng thiết bị đầu cuối hoặc hỗ trợ gói cước để mọi người chủ động chuyển sang dùng điện thoại 4G.
Việt Nam dự kiến tắt sóng 2G vào tháng 9/2024. Trong khi đó, từ tháng 7/2021, các thiết bị di động được sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam phải có kết nối từ 4G trở lên.
Các doanh nghiệp viễn thông cũng đã dần tắt sóng 2G. VNPT cho biết từ 2021, nhà mạng đã thực hiện tắt gần 2.000 trạm 2G có số thuê bao và lưu lượng thấp. Viettel cũng đang chuyển dịch thuê bao 2G, 3G lên 4G và đặt mục tiêu trong 2023 tiếp tục mở rộng vùng phủ 4G tương đương 2G, phủ được 99% dân số để sẵn sàng cho việc tắt 2G.
Theo thống kê của Cục Viễn thông, Việt Nam có hơn 120 triệu thuê bao di động, trong đó còn 22 triệu dùng thiết bị chỉ kết nối 2G, chiếm 18,33%. Dự kiến đến cuối 2023, tỷ lệ thuê bao 2G sẽ giảm xuống dưới 5%.
Hoàng Giang
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/duy-tri-song-2g-mot-thoi-gian-de-ho-tro-thiet-bi-4g-4650605.html