Kiểm soát cholesterol trong máu nhằm tránh bệnh tim mạch, thông thường tập trung vào giảm nồng độ lipoprotein mật độ thấp (LDL) trong máu (còn gọi là cholesterol xấu). Lý do là quá nhiều LDL có thể gây tích tụ mảng bám bên trong động mạch, cản trở lưu lượng máu đến tim hoặc não, gây ra cơn đau tim hoặc đột quỵ.
Chỉ số LDL phụ thuộc vào nguy cơ của từng người, nguyên tắc chung là càng thấp càng tốt. Nếu một người đã mắc bệnh tim mạch hoặc có nguy cơ cao mắc bệnh, mức LDL an toàn thường dưới 70 mg mỗi decilit (mg/dL). Đối với những người có nguy cơ trung bình, mức LDL lý tưởng là dưới 100 mg/dL.
Đối với lipoprotein mật độ cao HDL (còn gọi là cholesterol tốt) thì mức nào là an toàn? HDL được coi là cholesterol tốt do giúp “tuần tra” các mạch máu, thu thập cholesterol dư thừa rồi đưa đến gan để loại bỏ. Từ đó ngăn ngừa mảng bám tích tụ. Theo tiến sĩ Frank Sacks, thuộc Trường Y tế Công cộng T.H. Chan (Mỹ), mỗi người nên duy trì mức HDL từ 40 mg/dL đến 60 mg/dL. Dưới 40 mg/dL có nghĩa là không đủ HDL để bảo vệ cơ thể.
Lý do là số lượng HDL cao tương đương với có thêm sự bảo vệ cho tim mạch. Tuy nhiên, mức HDL không nên vượt quá 80 mg/dL do không mang lại thêm lợi ích.
Nghiên cứu chỉ ra vai trò bảo vệ của HDL phụ thuộc một phần vào mức độ LDL và chất béo trung tính (một loại chất béo trong máu). Một nghiên cứu khác xem xét những người có cả mức HDL thấp và cao, những người có mức LDL và chất béo trung tính bình thường và cao, cho thấy cơ thể cần mức cholesterol tốt và xấu, chất béo trung tính đều ở ngưỡng lành mạnh, mới có thể chống lại bệnh tim mạch.
Ở các bệnh nhân tim mạch, giải quyết mức LDL cao luôn được ưu tiên. Nếu bạn có mức HDL thấp dưới 40 mg/dL thì bác sĩ có thể đề nghị thay đổi lối sống, thông qua các cách sau:
Tập thể dục nhiều hơn: Tập thể dục cường độ vừa phải, ví dụ đi bộ nhanh ít nhất 30 phút, ba lần một tuần, có thể giúp tăng HDL. Tập luyện cường độ cao, tập thể dục nhịp điệu trong 30 đến 60 phút vào các ngày trong tuần cũng có thể làm tăng mức HDL.
Giảm cân: Nếu thừa cân, hãy đặt mục tiêu giảm 5-10% trọng lượng cơ thể.
Giảm carbohydrate tinh chế: Chuyển từ tiêu thụ carbohydrate tinh chế ví dụ bánh mì trắng sang ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, gạo lứt; thêm rau xanh, trái cây và protein nạc vào chế độ ăn uống, ví dụ thịt gia cầm, đậu phụ, đậu và đậu lăng.
Hạn chế rượu bia và bỏ thuốc lá: Mỗi người chỉ nên uống từ một đến hai ly mỗi ngày.
Các chuyên gia khuyến cáo kiểm tra cholesterol 5 năm một lần đối với người bình thường. Những người có bảng chỉ số lipid bất thường, hoặc những người có các yếu tố rủi ro khác, có thể cần xét nghiệm cholesterol thường xuyên hơn.
Chi Lê (Theo Harvard Health, WebMD)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/duy-tri-muc-cholesterol-tot-bao-nhieu-la-du-4591222.html