Theo luật pháp Thái Lan, người dân có quyền chụp ảnh hoặc quay video hành vi vi phạm như đỗ xe lấn chiếm lòng đường, gửi đến chính quyền hoặc cảnh sát. Người cung cấp thông tin sẽ được nhận một nửa số tiền phạt, theo Manager Daily.
Luật nêu rõ, rằng cấm đặt các đồ vật, vật dụng trên đường, trừ những khu vực nơi chính quyền địa phương hoặc cảnh sát giao thông cho phép. Người vi phạm sẽ bị phạt tiền nhưng không quá 290 USD. Vì thế, người tố cáo có thể được một nửa số tiền phạt này, tức nhiều nhất 145 USD.
Thực tế, ở quốc gia Đông Nam Á, cảnh xe cộ đỗ chiếm vỉa hè, lòng đường không hiếm. Và thậm chí nếu chưa có xe đỗ, thì người dân có thể đặt những vật dụng như cọc tiêu hình nón, hàng rào sắt, thậm chí ghế, thùng hay xô để chiếm chỗ.
Ngày 19/2, Văn phòng Điều tra trung tâm (CIB) của Thái Lan đăng trên fanpage một bức ảnh cho thấy một loạt biển báo chỗ đỗ xe dựng sát vỉa hè, nhưng do người dân tự chế, không phải do chính quyền địa phương cấp phép. Kèm theo đó là lời cảnh cáo: “Đỗ xe trên đường công cộng là sai! Đặt các vật dụng như hàng rào, ghế hay bất cứ thứ gì ra đường để giành chỗ cho ai đó là hành vi gây cản trở”.
Tại Việt Nam, luật cũng quy định cụ thể về việc sử dụng không gian lưu thông và khu vực công cộng cho những mục đích khác nhau.
Điều 12 Nghị định 46/2016 quy định mức xử phạt với một số hành vi lấn chiếm vỉa hè như sau: Phạt tiền 100.000-200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000-400.000 đồng với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm gồm bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng.
Phạt tiền 2.000.000-3.000.000 đồng với cá nhân, từ 4.000.000-6.000.000 đồng với tổ chức thực hiện một trong các hành vi sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố cho các hoạt động khác nhau. Các hành vi lấn chiếm vỉa hè làm nơi trông giữ xe có thể bị xử phạt đến 15.000.000 đồng với cá nhân; 30.000.000 đồng với tổ chức.
Mỹ Anh
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/duoc-tien-khi-to-cao-hanh-vi-chiem-long-duong-lam-noi-do-xe-4576458.html