Đức Độ có thể hiểu rộng là trí tuệ và từ bi, đó cũng là cái đích cuối cùng của mọi nhân sinh.
Người thông minh thì chưa chắc đã có đức độ, nhưng người đã có đức độ thì chắc chắn là người ‘thông minh” nhất thế gian này rồi.
Người đức độ
Tôi chuyển qua phòng tập mới được 1 năm, chỗ này thì ít người Việt tập, le que tầm chục người, tôi thì tập sáng nên hiếm lắm mới thấy 2-3 anh chị Việt Nam xuất hiện cùng lúc. Có gặp thì tôi gật đầu chào sức khoẻ thôi, rồi tập trung tập tiếp, chứ ít khi dong dài đi sâu xem họ là ai.
Tôi hợp với cái cách mọi người tôn trọng sự riêng tư (privacy) của từng cá nhân bên đây, phần ai nấy tập, không can thiệp, không dí mắt vào để chú ý quá mức, giữ ý tứ vừa phải, có lẽ là do một phần văn hoá Mỹ và quyền cá nhân được đề cao nên làm người ta dần dần có thói quen đó.
Cách đây 6 tháng, có 1 bác người Việt, tôi đoán tầm 60 đổ lại, da ngăm ngăm, người ốm ốm nhưng khá cơ bắp, bác cũng lẳng lặng tập quanh phòng. Mỗi lần vô tình lướt qua nhau thì bác cũng chỉ đưa ngón tay kiểu number 1 với tôi rồi đi, ý là nhớ tập đều và tập khoẻ nhé.
Chào nhau từ xa vậy suốt nửa năm mà chưa hề biết tên nhau, mà tôi thì ấn tượng bác này là do bác có cái hình xăm nước Việt Nam chữ S bên vai phải, rồi có 2 chữ V N nhỏ ở dưới. Hình xăm nhìn như ai vẽ bậy, chắc hồi xưa ai tiện tay quất vài đường luôn cho bác.
Mãi đến hôm qua, vô tình bác tập trúng ngay cái máy kế bên chỗ tôi đang tập tay sau. Bác cũng không nói gì, hai bên cũng gật đầu chào thôi.
Đức độ là gì. Ảnh: Rashid Sadykov.
Mãi một lúc bác mới lên tiếng, “chú em dạo này body nét quá”. Tôi nghe khen thì phê chứ, rồi lịch sự cám ơn, “dạ, em tập giữ sức khoẻ chứ giờ nhiều bệnh quá!… mà em thấy anh tập cũng siêng, ở tuổi anh ít ai chịu khó đi tập tạ như vậy”.
Bác đấy nhìn tôi nhưng ánh mắt hơi do dự tý, kiểu định không muốn nói ra nhưng trong lòng lại bị thôi thúc… Bác đáp lại với giọng trầm xuống, “anh đi tập để cứu mẹ anh, và sẵn cứu anh!”
Tôi đang kéo tay kế bên mà phải buông tạ xuống ngay vì lần đầu nghe ai nói, đi tập để cứu mẹ. Mặt tôi cũng trầm xuống theo, “Mẹ anh làm sao hả?”.
Bác đấy kể, bà cụ ở nhà bị đột quỵ cách đây 6 năm, con cái trong nhà thấy vậy chạy hết, không đứa nào chịu lo, rồi cả đám bàn đưa bà cụ vào chỗ chăm sóc người già có y tá và bác sĩ chăm 24/7 mà lại không tốn tiền, chính phủ Mỹ lo hết, chỉ có cái là cô đơn, lâu lâu gặp con cái được vài lần nếu tụi nó còn nhớ mà vào thăm.
Đức độ là gì? Câu chuyện về một người đức độ. Ảnh: Unsplash.
Bác tâm sự thêm, bác là con trai lớn, gần 60 tuổi rồi, đi cũng gần sắp hết đời người rồi, con thì lớn đã ở riêng, ly dị vợ cũng lâu rồi, giờ thấy mẹ mình như thế mà không lo được cho bà thì thấy hổ thẹn với lương tâm quá.
Bác đấy quyết định nghỉ việc, ở nhà chăm bà cụ full time, nhờ có trợ cấp cho người chăm sóc của chính phủ nên coi như vừa đủ chi phí ăn uống xe cộ rồi chăm cho bà.
Người thân nào chịu chăm, thì chính phủ cho người đó đi học cách vệ sinh, cách chăm sóc người đột quỵ như thế nào, rồi thực hành y như y tá điều dưỡng thật vậy.
Họ khuyến khích thế là vì tiết kiệm chi phí cho nhà nước nhiều lắm, chứ để nuôi một người bệnh tại viện dưỡng lão chăm sóc đặc biệt thì tốn rất nhiều nhân sự vận hành.
Bác nhìn tôi rồi lại nói thêm, có những sáng dậy người đau nhức lắm em ạ, già rồi, xương khớp cũng lão hoá hết rồi, mà anh nghĩ đến mẹ anh nên anh phải ráng đi tập, để có sức, giữ cơ bắp để còn vệ sinh và chăm sóc bà cụ. Vì để nâng người bị đột quỵ lên rất nặng, có khi phải 2 người mới mặc đồ cho bà cụ được, mà giờ có một mình anh nên phải đủ sức mới làm ngày này qua ngày nọ.
Tôi nghe xong chỉ biết ngậm ngụi, chứ chẳng biết nói gì hay hơn, “thôi anh em mình còn mỗi sáng chào nhau ờ phòng tập là vui rồi, còn thấy nhau là còn khoẻ, còn lại, cái gì rồi cũng qua thôi anh nhỉ, có gì mãi đâu”.
Bác gật đầu tán thành, hồi trẻ anh cũng ham chơi chứ không siêng tập như chú em đâu, đúng là chẳng có gì mãi mãi thật, anh trải và mất nhiều rồi… anh có vài ông bạn thân, nhà cửa đề huề, cũng tài năng, danh tiếng đủ cả, mà giờ cũng nằm ở nghĩa địa hết rồi hay đã rải cốt ra biển.
Thế nào là một người đức độ? Ảnh: Josh Hild.
Ai cũng nghĩ mình giỏi, mình tài, mà sao giỏi được bằng ông Trời, làm tất cả, cũng chỉ bỏ vào một cái lỗ thôi, đó là lỗ huyệt, có ai mang đi được đâu. Anh giờ chăm bà cụ, thấy lòng thanh thản, hy vọng mỗi sáng đi tập để có sức lo cho bà đến hơi thở cuối cùng, thế là đi trọn kiếp người. Cuối tuần tranh thủ lúc bà ngủ thì anh đi dạo biển chơi với mấy người bạn gần đó, enjoy tý, thế là đủ em ah.
Thật ra câu chuyện giữa tôi và bác này ở ngoài sống động và chân thật hơn rất nhiều, vì hai anh em toàn chửi thề, nói đến đâu thì dippe đến đó, nhưng nó lại rất đời. Bác không biết tôi là ai trên cõi mạng, nhưng việc đó ý nghĩa gì, vì cái gì cũng có một thời thôi. Vui được với nhau thì vui, là ai, liệu có quan trọng.
Bác chào tôi, vì đến giờ cho bà cụ ăn sáng, tôi nghe thấy thương, nhưng cũng thấy ấm lòng vì cuộc đời này vẫn còn nhiều người sống ‘Đức Độ’ như thế. Vì nếu là chính tôi, đưa vào chính tình huống đấy, cũng chưa biết là có đủ đức độ để làm nổi hay không.
Đức độ là gì?
Ảnh: Abreupaulo.
Đức là đức hạnh, Độ là độ lượng. Tiếng Anh dịch đúng nghĩa cốt lõi nhất thì Đức là Righteousness, Độ là Generosity.
Chữ Righteousness, nếu tôi dịch, là đúng lẽ đời, đúng lẽ tự nhiên. Người sống có Đức hạnh là người sống biết đời biết đạo, hai cái đó phải dung thông với nhau. Generosity, dịch bay hơn, nó là chữ Từ Bi, thấy được nỗi khổ của người khác mà phát khởi tâm Từ, yêu thương, rộng lượng và bao dung. Từ bi phải luôn đi kèm với Tuệ đúng, nó quay lại chữ Righteousness, cũng là cái Thấy, cái nhìn đúng đắn.
Đức Độ, có thể hiểu rộng là trí tuệ và từ bi và cũng là cái đích cuối cùng của mọi nhân sinh.
Người thông minh thì chưa chắc đã có Đức độ, nhưng người đã có đức độ thì chắc chắn là người ‘thông minh” nhất thế gian này rồi.
Đăng bởi: Hoàng Thị Lan Anh
Từ khoá: Đức độ là gì? Thế nào là người đức độ?
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Đức độ là gì? Thế nào là người đức độ? của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.