Cô gái Việt đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ năm thứ ba ngành Toán ứng dụng, Đại học Rutgers, Mỹ. Thủy ứng tuyển vào Google ở vị trí thực tập nghiên cứu khoa học công nghệ hồi tháng 10/2022 và đã vượt qua vòng chuyên môn. Nhưng hiện tại, việc tìm nhóm làm việc của cô đang bị trễ lại.
“Vừa buồn vừa lo. Lo không biết có tìm được việc thực tập như mong muốn không, còn buồn vì có công ty mình mất nhiều công sức ôn luyện phỏng vấn rồi lại tạm dừng”, Thủy nói, cho biết từng ứng tuyển làm thực tập sinh ở Amazon, nhưng tháng 11/2022, cô nhận được thông báo tạm dừng phỏng vấn, rồi “bặt vô âm tín”.
Huy Anh, sinh viên năm thứ ba ngành Khoa học máy tính, Đại học Texas A&M, cũng lo lắng khi chứng kiến cảnh Snap sa thải 20% nhân viên, gồm cả người hướng dẫn em vào tuần cuối thực tập, hồi tháng 9/2022. Khi đó, nam sinh cố gắng liên hệ lại các nhà tuyển dụng năm trước đã gọi em nhưng “không được phản hồi”.
Phạm Quang Vũ, kỹ sư tại Meta, cho biết cơ hội làm thực tập sinh – công việc mà hầu hết du học sinh ngành công nghệ nhắm đến, ngày càng ít. Từ các công ty khởi nghiệp đến những tập đoàn lớn như Microsoft, Google, Meta, Amazon… đều cắt giảm nhân sự. Ước tính trong tháng đầu năm 2023, hơn 150.000 người mất việc. Do đó, việc tuyển dụng thực tập sinh cũng hạn chế hơn.
“Nếu có, yêu cầu của các công ty cũng cao hơn trước”, Vũ nói.
Nguyễn Văn Đông Anh, kỹ sư tại Google, nhận định việc tuyển dụng thực tập sinh đã chậm lại từ năm ngoái. Sinh viên quốc tế hiện rất khó để tìm được các nhóm làm việc cần tuyển dụng.
Hơn 20.000 sinh viên Việt đang ở Mỹ, theo báo cáo Open Doors của Viện Giáo dục Quốc tế, công bố giữa tháng 11/2022. Toán và Khoa học máy tính là chuyên ngành được du học sinh Việt chuộng nhất, chiếm 17,8% tổng số vào năm học 2021 – 2022.
Trở thành thực tập sinh tại các công ty lớn vào mỗi mùa hè là mục tiêu của hầu hết sinh viên này. Đây là cơ hội để họ có kinh nghiệm thực chiến, làm đẹp hồ sơ, thuận lợi tìm việc khi ra trường.
Trên một diễn đàn với hàng chục ngàn thành viên của du học sinh, kỹ sư người Việt ở Mỹ, thông tin được đăng tải những ngày gần đây là tìm chỗ thực tập trong ngành công nghệ. Một thành viên nói đã tìm kiếm vị trí này từ tháng 10/2022 đến nay, trong khi một thành viên khác đã ứng tuyển hơn 200 lần nhưng cơ hội vẫn chưa mỉm cười.
“Nếu những năm trước, một ứng viên có hồ sơ tốt có thể nhận được 10-20 lời mời phỏng vấn thì hiện chỉ còn khoảng 3-5 cơ hội và ngày càng giảm trong đầu năm 2023”, Vũ ước tính.
Trong vài tháng qua, cộng đồng nhân sự công nghệ người Việt tại Mỹ đã giúp các sinh viên tìm kiếm, giới thiệu các vị trí thực tập cũng như chỉ dẫn, đào tạo kỹ năng phỏng vấn, với hy vọng cùng nhau vượt qua “cơn bão” sa thải.
Phạm Quang Vũ cho biết đã hỗ trợ hơn 30 du học sinh tìm được việc ở rất nhiều trình độ dù những vòng phỏng vấn ngày càng khắt khe. Một số bạn bị sa thải đã tìm được việc trong vòng ba tháng với mức lương gấp rưỡi. “Cơ hội tuy ngày càng ít nhưng không bao giờ là quá muộn”, anh nói.
Anh Dương Linh, Giám đốc điều hành Học viện hướng nghiệp Career Pass Institute, Mỹ, cùng chung nhận định vẫn có các cơ hội sau Tech layoffs, ứng viên nên chuẩn bị các kỹ năng chuyên ngành, mạng lưới quan hệ nghề nghiệp, giữ tinh thần lạc quan, tự tin.
Lời khuyên của nhiều chuyên gia người Việt cho các du học sinh hiện tại là nên tìm nhiều con đường dự phòng, chọn những công ty vừa và nhỏ hơn thay vì chỉ quan tâm các tập đoàn công nghệ lớn, bởi những công ty này sẽ có lượng vị trí thực tập rất hạn chế.
Những sinh viên năm cuối có thể kéo dài việc học bằng cách học bậc cao hơn hoặc xin nghỉ một kỳ, từ đó thêm thời gian đi tìm việc và tăng cơ hội thực tập; ứng tuyển các vị trí của các công ty Mỹ ở nước khác rồi quay lại Mỹ dưới dạng visa L1 (loại visa không định cư nằm trong nhóm visa làm việc ở Mỹ) sau một năm.
Theo Vũ, các ứng viên cần tập trung rèn kỹ năng phỏng vấn, tìm những người tư vấn có kinh nghiệm để học hỏi. Ngoài ra, tích cực đi hội thảo việc làm, nhiều công ty vừa và nhỏ liên kết với các đại học luôn dành những vị trí tuyển dụng theo cách này.
Anh Dương Linh lưu ý ứng viên cần nắm bắt nhu cầu của nhà tuyển dụng để có sự chuẩn bị phù hợp. “Không ít ứng viên nỗ lực hết sức, cố gắng khoe những gì mình có nhưng không thành công bởi đó chưa chắc là điều họ muốn tìm kiếm”, anh nói. Ứng viên có thể thông qua mạng lưới bạn bè hoặc cộng đồng người Việt đang làm việc ở những công ty đó để tìm hiểu, tập trung vào đúng nhu cầu của họ.
Những ngày cuối tháng 1, Huy Anh cho biết nhận 11 thư trúng tuyển thực tập sinh từ Netflix, TikTok, Snap Inc., Amazon, Dropbox, Flatiron Health, ZipRecruiter, Klaviyo…
Chiến lược của nam sinh là ứng tuyển vào các công ty nhỏ hơn, bởi “các công ty nhỏ ít tốn thời gian để lọc hồ sơ và tuyển người”. Nam sinh nhắm vào các doanh nghiệp có tỷ lệ lời mời tuyển dụng cao, ít bị ảnh hưởng làn sóng Tech layoffs, kết nối với các anh chị đi trước hoặc với nhân viên các công ty mà mình muốn ứng tuyển để tiếp cận nhanh hơn các thông tin tuyển dụng.
Về quy trình tuyển dụng, theo Huy Anh không khác nhiều so với các năm trước đây. Ngoài hồ sơ với điểm trung bình học tập đẹp, Huy Anh thường xuyên trau dồi kỹ năng phỏng vấn, nắm vững kiến thức cơ sở dữ liệu và thuật toán, rèn thường xuyên các kỹ năng lập trình thay vì sát vòng thử thách mới bắt đầu. Theo nam sinh, sau khi ứng tuyển vào nhiều công ty nhỏ, tham gia các vòng phỏng vấn nhằm lấy kinh nghiệm, ứng viên có thể ứng tuyển vào các công ty lớn hơn.
Còn Bùi Thủy vẫn tiếp tục ứng tuyển công ty khác và theo dõi quá trình tuyển dụng của các công ty đã ứng tuyển. “Đến giờ dù đã có thư mời nhưng mình cũng không chắc nó có bị rút lại không, do tình hình thay đổi liên tục”, cô nói.
Lệ Thu
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/du-hoc-sinh-viet-xoay-xo-giua-bao-sa-thai-nganh-cong-nghe-4565087.html