Bạn đang xem bài viết Đột quỵ tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Đột quỵ là gì?
Tên gọi khác: Stroke, Tai biến mạch máu não
– Đột quỵ hay tai biến mạch máu não là các thiếu sót chức năng thần kinh xảy ra đột ngột với các triệu chứng cục bộ và tồn tại trên 24 giờ hoặc tử vong trong 24 giờ (cần loại trừ nguyên nhân chấn thương sọ não).
– Nguyên nhân: do vỡ hoặc tắc mạch máu não.
– Tần suất: 800.000 người đột quỵ/năm. Trung bình cứ mỗi 40 giây lại có 1 bệnh nhân đột quỵ, và cứ mỗi 4 phút có 1 bệnh nhân tử vong do đột quỵ.
– Là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu ở người lớn trưởng thành.
– Phân loại: đột quỵ nhồi máu não (chiếm 85%), đột quỵ xuất huyết não (chiếm 15%).
Nguyên nhân dẫn đến bệnh đột quỵ
1/ Đột quỵ nhồi máu não
a/ Nguyên nhân
Do cục máu đông tại chỗ của động mạch não hay cục máu đông từ xa chuyển đến gây tắc động mạch não, vùng mô não do động mạch đó cấp nuôi dưỡng bị thiếu máu và hậu quả là bị hoại tử.
b/ Yếu tố nguy cơ:
– Béo phì.
– Tăng Cholesterol máu.
– Lối sống ít vận động thể lực.
– Chế độ ăn mặn, ăn nhiều dầu mỡ.
– Hút thuốc lá.
– Uống bia rượu nhiều.
– Dùng thuốc ngừa thai uống (đặc biệt khi có kèm hút thuốc lá).
– Dùng thuốc cocain, metamphetamine.
– Tăng huyết áp.
– Đái tháo đường.
– Bệnh lý tim mạch (vd: Bệnh van tim), bất thường nhịp tim (Rung nhĩ).
– Bệnh hồng cầu hình liềm.
– Nam giới.
– Tuổi > 55 tuổi.
– Tiền sử có bệnh lý đột quỵ, cơn thiếu máu não thoáng qua, nhồi máu cơ tim, huyết khối.
2/ Đột quỵ xuất huyết não:
Vỡ mạch máu não làm máu chảy vào nhu mô não, khoang dưới nhện hay não thất. Máu tụ lại thành huyết khối. Sự chèn ép, tăng áp lực nội sọ đồng thời thiếu máu nuôi làm nhu mô não bị hoại tử. Tăng huyết áp là nguyên nhân thường gặp nhất.
Triệu chứng bệnh đột quỵ
Bệnh đột quỵ diễn ra nhanh và đột ngột với các triệu chứng như:
– Đột ngột tê hay yếu của mặt, tay hay chân, đặc biệt ở một nửa cơ thể.
– Đột ngột lú lẫn, rối loạn hay không hiểu lời nói.
– Đột ngột rối loạn thị giác ở một bên hay hai bên.
– Đột ngột rối loạn việc đi đứng, choáng váng, mất thăng bằng hay mất khả năng phối hợp động tác.
– Đột ngột đau đầu nhiều không biết nguyên nhân.
F.A.S.T
Chữ viết tắt FAST là một cách để nhớ những dấu hiệu của đột quỵ và những điều nên làm nếu bạn nghĩ đột quỵ đã xảy ra (quan trọng nhất là để gọi 115 hỗ trợ cấp cứu ngay lập tức).
FAST có nghĩa là:
– (F)ACE (mặt)
Yêu cầu bệnh nhân cười.
Kiểm tra để phát hiện nếu một bên mặt rũ xuống.
– (A)RMS (tay)
Yêu cầu bệnh nhân đưa cả hai tay lên.
Kiểm tra để phát hiện nếu một tay rơi xuống.
– (S)PEECH (nói chuyện)
Yêu cầu bệnh nhân lặp lại một câu đơn giản.
Kiểm tra để phát hiện nếu nói những từ không trôi chảy và kiểm ta sự lặp lại chính xác câu.
– (T)IME (thời gian)
Nếu bệnh nhân có bất kỳ triệu chứng nào của các triệu chứng này, thời gian là yếu tố quan trọng để đưa bệnh nhân đến bệnh bệnh viện nhanh chóng (trong vòng 4 tiếng rưỡi đầu tiên). Gọi cấp cứu 115.
Điều trị đột quỵ
Xử trí ban đầu:
– Không để té ngã, chấn thương.
– Để người bệnh nằm chỗ thoáng, nghiêng một bên nếu nôn ói, lấy dị vật trong miệng nếu có.
– Gọi xe đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
– Nếu bệnh viện gần nhà có đủ điều kiện chữa trị thì không nên chuyển viện đi xa, trừ khi bác sĩ có chỉ định, vì càng di chuyển xa càng có thể làm bệnh nặng hơn.
– Không tự ý cho uống hoặc nhỏ thuốc hạ huyết áp hay bất lỳ loại thuốc nào khác.
– Không để nằm chờ xem có khoẻ lại không; không cạo gió, cắt lễ, đâm kim ở 10 đầu ngón tay/ngónchân, cúng vái, nặn chanh vì không hiệu quả và làm mất thời gian vàng điều trị.
Điều trị bằng thuốc:
– Đối với đột quỵ nhồi máu não, thời gian vàng để điều trị tái thông mạch máu não bằng thuốc tiêu huyết khối (Actilyse) là 4 tiếng rưỡi đầu tiên. Ngoài ra trong trường hợp có tắc động mạch não lớn, bác sĩ điều trị có thể phối hợp thêm phương pháp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học (Solitaire).
– Đối với đột quỵ xuất huyết não (thường do tăng huyết áp) bệnh nhân sẽ được kiểm soát huyết áp chặt chẽ, theo dõi và điều trị tại bệnh viện.
– Sau giai đoạn cấp tính, bệnh nhân sẽ được điều trị phòng ngừa tái phát bằng các thuốc tuỳ theo nguyên nhân và cơ chế gây đột quỵ (bệnh nhân cần uống thuốc đều đặn, không tự ý ngưng thuốc vì đột quỵ có thể bị tái phát).
Một số thuốc thường gặp:
+ Thuốc chống ngưng tập tiểu cầu (Aspirin, Clopidogrel,Cilostazol), thuốc chống đông máu (Warfarin, Dabigatran, Rivaroxaban).
+ Chống xơ vữa mạch máu, hạ mỡ máu (nhóm statin).
+ Thuốc điều trị tăng huyết áp: thuốc ức chế giao cảm (Bisoprolol, Atenolol), thuốc chẹn kênh canxi (Amlodipine, Felodipine), ức chế men chuyển/ức chế thụ thể (Perindopril, Losartan, Valsartan), lợi tiểu …
Bên cạnh việc sử dụng thuốc, bệnh nhân có thể được chỉ định thêm vật lý trị liệu. ngôn ngữ trị liệu hoặc trị liệu nghề nghiệp.
Phòng tránh bệnh đột quỵ bất ngờ
– Khám sức khỏe định kỳ tại bệnh viện để kiểm tra, theo dõi chỉ số huyết áp, phát hiện các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, mỡ máu … và chữa trị kịp thời nếu có.
– Thực hiện và làm theo chỉ dẫn của bác sĩ khi điều trị các bệnh nguy cơ.
– Hạn chế ăn chất béo, giảm muối, tăng cường ăn rau, hoa quả.
– Lối sống hợp lý, lành mạnh: không nên hút thuốc lá, uống rượu bia, không sử dụng các chất kích thích, nên tập thể dục đều đặn mỗi ngày.
– Không nên tắm khuya, đi ra ngoài thay đổi nhiệt độ đột ngột khi trời quá lạnh hoặc nóng, không nên ở nơi nhiều gió.
– Suy nghĩ lạc quan, tránh stress, tạo tinh thần thoải mái, giảm áp lực, mỏi mệt hay xúc động mạnh.
Xem thêm 10 dấu hiệu nhận biết đột quỵ
(Hình ảnh tổng hợp từ metroimmediatecare.com, continentalhospitals.com, Báo Pháp Luật, google…)
Thạc sĩ Phạm Nguyên Bình
Bệnh viện Nhân Dân 115
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Đột quỵ tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.