Bạn đang xem bài viết Động mạch ngoại biên tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Bệnh động mạch ngoại biên là gì?
Bệnh động mạch ngoại biên là bệnh lý gây tắc nghẽn trong lòng các mạch máu nuôi phần cơ thể phía xa, như hai tay, hai chân. Sự tắc nghẽn thường do các mảng xơ vữa và huyết khối bám tụ trên thành mạch. Theo tiến triển, dòng chảy sẽ ngày càng hẹp dần và tắc hoàn toàn, gây thiếu máu nuôi cục bộ, hoại tử chi.
Triệu chứng của bệnh động mạch ngoại biên
Bệnh động mạch ngoại biên thường gây ảnh hưởng rõ rệt trên hai chân.
Biểu hiện sớm nhất là cảm giác cơ bắp đau nhói, giống như chuột rút (vọp bẻ), xảy ra ở đùi, bắp chân khi chạy, đi bộ nhanh hay bước lên cầu thang. Đau nhức khiến người bệnh phải ngồi nghỉ vài phút để giảm đau rồi mới đi tiếp được. Dần dần, bệnh nhân sẽ đau nhiều hơn dù chỉ bước đi nhẹ nhàng và quãng đường đi lại ngắn dần.
Ngoài ra, các triệu chứng khác sẽ xuất hiện khi bệnh đã đến giai đoạn nặng:
– Mạch ở mu chân khó bắt hay không bắt được.
– Chân bên bị bệnh lạnh hơn, màu sắc nhợt nhạt hơn.
– Đôi khi người bệnh có cảm giác dị cảm, tê rần ở đầu ngón lan dần lên bắp chân, đùi và cảm giác mất sức, yếu/liệt, đi lại khó khăn.
– Nếu có vết thương ở ngón chân hay bàn chân thì sẽ rất khó lành.
– Teo đét, hoại tử khô bàn chân, ngón chân cũng thường thấy.
Nguyên nhân mắc động mạch ngoại biên
Nguyên nhân chính gây bệnh lý động mạch ngoại biên là do tăng thành lập các mảng xơ vữa trên thành mạch. Đây là hệ quả của các bệnh lý gây ảnh hưởng đến sự chuyển hóa trong cơ thể, nổi bật nhất là rối loạn lipid máu.
Các đối tượng tăng nguy cơ mắc bệnh là người lớn tuổi, có hút thuốc lá, tiểu đường, tăng huyết áp… và gia đình có người bị bệnh động mạch ngoại biên, bệnh mạch vành hay đột quỵ.
Ngoài ra, lối sống tĩnh tại, lười vận động, thể trạng béo phì cũng làm tăng sự lắng đọng mỡ dư thừa, làm xơ vữa mạch máu.
Cách điều trị bệnh động mạch ngoại biên
Bệnh lý này chỉ điều trị đạt hiệu quả cao khi được phát hiện sớm.
Trong đa số các trường hợp, nếu người bệnh thay đổi lối sống, bỏ thuốc lá, tập thể dục, hạn chế rượu bia, tránh ăn dầu mỡ, chất béo, thức ăn chiên xào… có thể giúp làm chậm tốc độ của bệnh và thuyên giảm triệu chứng.
Nếu triệu chứng mới khởi phát và ở mức độ nhẹ, người bệnh được điều trị chủ yếu bằng nội khoa. Mục tiêu là hạ huyết áp, giữ ổn đường huyết và giảm mỡ trong máu. Đồng thời, các nhóm thuốc kháng kết tập tiểu cầu, chống huyết khối còn giúp ổn định mảng xơ vữa, tránh gây tắc nghẽn.
Khi phần chi bị thiếu máu nặng, người bệnh hạn chế đi lại, có nguy cơ hoại tử, đoạn chi thì nên được xem xét can thiệp đặt stent giúp nong rộng lòng mạch hoặc phẫu thuật bắc cầu nối qua đoạn bị tổn thương.
Phòng ngừa động mạch ngoại biên
Ở những bệnh nhân có các bệnh lý nguy cơ đã nêu trên, cần được tầm soát tình trạng động mạch ngoại biên mỗi lần đi khám bệnh.
Bác sĩ thăm khám tình trạng tưới máu chi bằng cách quan sát bề mặt da, so sánh nhiệt độ, bắt mạch, đo huyết áp hai bên, khám cảm giác, sức cơ và tìm kiếm tổn thương loét, hoại tử. Nếu triệu chứng chưa rõ ràng hay cần phân biệt với các nguyên nhân khác, bệnh nhân cần được trắc nghiệm bằng chạy bộ, siêu âm, chụp hình mạch máu.
Nếu có hút thuốc, hãy ngưng hút thuốc từ ngày hôm nay. Thường xuyên vận động thể lực, như tập dưỡng sinh, đi bộ mỗi ngày. Hạn chế bia rượu, các thực phẩm dầu mỡ, chất béo, tăng cường rau xanh và hoa quả. Kiểm soát cân nặng, huyết áp, đường huyết ngay cả khi không mắc bệnh và xét nghiệm sức khỏe tổng quát định kỳ mỗi 6 tháng – 1 năm.
Nếu phát hiện sớm và phòng ngừa tốt các yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch ngoại biên cũng có thể làm giảm khả năng bị nhồi máu cơ tim hay đột quỵ.
(Hình ảnh tổng hợp từ purzuit.com, google,…)
Bác sĩ nội trú Ngô Võ Ngọc Hương
Bệnh viện Nhân Dân 115
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Động mạch ngoại biên tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.