Tiểu thuyết “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng được đăng ở “Hà Nội báo” từ số 40 ngày 7 tháng 10 năm 1969 và in thành sách lần đầu năm 1938 tại Nhà in Lê Cường (Hà Nội). Xuân Tóc Đỏ cứu quốc là đoạn trích nửa đầu chương XX – chương cuối của tác phẩm Số đỏ.
Mời bạn đọc cùng tham khảo tài liệu giới thiệu về tác giả Vũ Trọng Phụng, đoạn trích Xuân Tóc Đỏ cứu quốc, được đăng tải ngay sau đây.
Xuân Tóc Đỏ cứu quốc
Tuy giá vé vào cửa là ba đồng hạng bét, số công chúng sáng hôm sau ấy, cũng trên ba nghìn. Sân quần Rollandes Varreau của Hà Thành bữa ấy thật đã ghi được một chỗ rẽ ngoặt cho lịch sử thể thao. Người ta đồn rằng có rất nhiều người hâm mộ vì đến chậm, không mua được vé, bèn hoá ra phẫn uất và chết một cách rất thể thao, nghĩa là tự tử dần dần bằng thuốc phiện không có dấu thanh, hút vào phổi.
Cụ cố Hồng, ông Văn Minh, bà Phó Ðoan, ông Typn và nhiều người, đều đã chán nản lắm, vì bà Văn Minh đã đại bại về giải quần vợt phụ nữ bản xứ. Tuyết cố làm cho ông bố đỡ buồn, kêu rằng cái phần danh dự của gia đình cũng còn có cơ cứu chữa được, vì mọi người còn hy vọng vào Xuân.
Lúc ấy, trên sân quần có hai cô đầm đương tranh cái giải vô địch phụ nữ Pháp nên những người của hiệu Âu hoá đứng xem cũng không sốt sắng mấy.
Trên khán đài, ngồi giữa những vị quan chức văn võ cao cấp của ba chính phủ, công chúng thấy rõ, từ trái sang phải: quan Toàn quyền, quan Thống sứ, Ðức Vua nước nhà, S.M. Prajadophick vua Xiêm. Tuy vận Âu phục, vua Xiêm cũng đội cái mũ bản xứ bằng kim ngân châu bảo, trông như một cái tháp cao, vì nó có đến chín tầng gác, cứ lên cao thì lại nhỏ lại, một thứ biểu tượng của cái nước một triệu con voi. Ðằng sau nhà vua, một viên quan hầu Ðức và một viên quan hầu Nhật tỏ rằng nước Xiêm đương tiến bộ mạnh mẽ trên đường tự lập. Việc nhà tài tử Luang Brabahol cũng ngồi sau đấy (quán quân quần vợt Xiêm La) tỏ rằng đấng thiếu quân của đất nước triệu tượng cũng sẵn lòng khuyến miễn thể thao. Lại nữa, nếu ai tinh ý, thì cũng thấy rằng mấy ông trị sự Tổng cục thể thao Bắc Kỳ lúc ấy đương lo sốt vó, đương hoá điên hoá cuồng, vì giờ tranh đấu cái giải chung kết đã sắp đến rồi, mà vẫn chưa thấy mặt hai nhà quán quân cũ, Hải và Thụ, ở sân!
Làm thế nào bây giờ?
Tổng cục đã phái rất nhiều người sục sạo khắp bốn phương trời, để họ phải lục lọi cho ra hai cái ông quán quân bí mật ấy, nhưng vô hiệu quả! Chính gia đình của hai ông cũng kêu không biết hai ông đi đâu từ đêm hôm trước… Làng thể thao nhốn nháo lên, kẻ ngạc nhiên sửng sốt, người lo kinh hoàng. Không ai biết rằng lúc ấy, hai ngài vẫn còn nằm trên sàn lim có nhiều rệp ở căn phòng đề bô của nhà Sécurité. Chính Sở Mật thám mà cũng lại không biết nốt, vì có bao nhiêu nhân viên đều chia nhau đi hộ giá ngoài phố cả, người ta chưa có người và chưa đủ thì giờ xét căn cước và hỏi cung hai kẻ bị bắt kia nữa! Và Tổng cục kết luận rằng đó chính là một sự phá hoãng, một cuộc phản trắc, một vố chơi xỏ lại Tổng cục, cũng như cái thói, cái thông bệnh của những nhà thể thao có danh tiếng xưa nay. Sau cùng Tổng cục đành phải cứu chữa sự sai hẹn của mình trước công chúng, bằng cách mời nhà quán quân quần vợt Xiêm La ra thử tài với Xuân Tóc Ðỏ.
Tiếng loa vừa vang lên xong, công chúng vỗ tay hoan nghênh tức khắc. Vì rằng tài nghệ của Hải, Thụ và Xuân, thì người ta đã nhiều lần được mục đích rồi. Nhưng thiên hạ chưa ai được biết cái tài của Luang Prabahol, nhà quán quân Xiêm La! Công chúng Pháp – Nam lại còn được rất hài lòng vì cho rằng sự Tổng cục không đề cử Hải và Thụ mà chỉ bắt Xuân là một người chưa chiếm quán quân năm nào, thì đó chính là một cử động kiêu ngạo rất kín đáo vậy. Cho nên ta không cần phải xét đến cái sung sướng của Văn Minh, ông bầu, khi ông này được ban trị sự của Tổng cục nói rằng người của ông được đại diện cho Hà Thành để giữ cái danh dự cho Tổ quốc, trước nhà vô địch Xiêm.
Công chúng luôn luôn vỗ tay hoan hô Xuân, còn trên khán đài, đức vua Xiêm đã lộ ra mặt rồng tất cả sự thịnh nộ của vị thiên tử thế Thiên hành đạo ở cái nước có hàng triệu con vôi. Thật là một tiếng sét, vì sự thua kém của tài tử Vọng Các là rõ rệt quá, và ở séc đầu, Xuân Hà Thành được 6 – 1. Ðức vua nước nhà, quan Toàn quyền và Thống sứ đều băn khoăn lắm, vì nếu Ðông Pháp nhân đó mà được danh tiếng về mặt thể thao thì, đối lại, về mặt ngoại giao có thể rầy rà, lôi thôi. Than ôi! Ðó là cái lợi hại thiên nhiên, đích đáng của mọi sự trên thế gian này! Ðếnséc thứ nhì, công chúng thấy Xuân đánh uể oải hình như chấp bên địch. Ông bầu Văn Minh rất lấy làm lo. Kết quả 5 – 7. Những người không nông nổi đều hiểu ngay đó là Xuân để dành sức.
Mấy giơ đầu ở séc thứ ba tỏ rằng hai bên cùng gắng hết sực. Tuy Luang Prabahol đã trổ ra hết tài năng mà cũng không lấn át được Xuân. Ðến lúc trọng tài hô 15 – 30, trông tài tử của mình đã nắm phần thua, vua Xiêm tức thì lôi trong túi áo ra cái bản đồ Ấn Ðộ Chi Na do chính phủ Xiêm vẽ lại, tức là bản đồ nước Xiêm cũ có bờ cõi ở núi Hoành Sơn. Ngài ngắm nghía cái bản đồ mà không nhìn ra cuộc đấu nữa. Viên quan hầu Ðức và viên quan hầu Nhật đều cùng ghé tâu một cách thì thào“La guerre! La guerre!”.
Dưới sân, đám công chúng Pháp Nam ngây thơ, vô lo vô lự, vẫn vỗ tay rầm rộ để ủng hộ Xuân. Viên trọng tài luôn miệng hô:
– Ca răng! Ca răng ta! A văng ta sẽ vít! A văng ta đờ o!2.
Sự hồi hộp của mọi người là không thể tả được. Cho nên đám bách tính quần dân kia không biết rằng giữa lúc ấy Ðức Vua nước nhà, quan Toàn quyền và quan Thống sứ đã đưa mắt nhìn nhau… rồi ông giám đốc chính trị Ðông Dương sau khi tai nghe một hiệu lệnh của quan Toàn quyền, tức là bỏ khán đài, chạy xuống sân đi tìm ông bầu của Xuân Tóc Ðỏ. Văn Minh rất cảm động khi thấy vị thượng quan ấy của Chính phủ mời mình ra một chỗ vắng, hấp tấp rỉ tai đại khái như thế này:
– Chính phủ Bảo hộ và chính phủ Nam triều cử bản chức tới nhờ ngài một việc tối hệ trọng, có quan hệ mật thiết đến vận mệnh của đất nước. Nghĩa là bản chức yêu cầu ngài bảo tài tử của ngài phải nhường, phải thua nhà vô địch Xiêm ngay đi! Tuy mất cái danh dự thắng cuộc, các ngài sẽ được Chính phủ bù cho bằng những cái khác một cách rất hậu hĩ!
Ông bầu Văn Minh còn đứng ngạc nhiên há mồm ra, thì vị quan to lại tiếp luôn:
– Ngài cứ biết nghe đi đã ! Cái việc này rất là khẩn cấp, cái thời giờ là rất ngắn ngủi! nếu An Nam mà được Xiêm La về quần vợt thì thế nào cũng có nạn chiến tranh! Chính phủ Pháp chủ trương hoà bình, các ngài phải trông gương đó mà tránh cho bách tính lương dân cái nạn núi xương, sông máu! Thôi, chốc nữa ta sẽ nói chuyện nhiều.
Bởi thế, giữa lúc công chúng reo ô reo a huyên náo cả một góc trời, giữa lúc viên trọng tài kêu Ca răng ca tăng ta, đờ o séc vít thì thừa lúc Xuân Tóc Ðỏ quay về với đứa trẻ nhặt bóng, ông bầu Văn Minh liền thất thanh khẽ bảo nó:
– Thưa đi! Nhường đi! Ðược thì chết! Chiến tranh!
Chông chúng đương hồi hộp vì 7 – 7, 7 – 8, đương mong giữ cho Hà thành thì sự không ngờ, quả cuối cùng mà Xuân lốp một cái sang bên địch, lại bắn bổng lên không khí rồi rơi vào hàng rào găng! Kết quả thảm khốc 7 – 9 ấy đã làm cho mấy nghìn con người la ó rầm rĩ để tỏ sự thất vọng công cộng. Nhưng… một hồi kèn La Marseillaise đã nổi lên mừng nhà vô địch Xiêm La, và kết liễu cuộc vui, và để các đức vua và quý quan của ba chính phủ về sở Toàn quyền.
Khi đoàn xe hơi có cờ lần lượt đi rồi, công chúng còn đứng lại, đông nghìn nghịt, tốp này định chia buồn với Xuân, tốp kia định trách cứ Xuân. Lại có đám người hô đả đảo Xuân Tóc Ðỏ nữa. Cụ Hồng, Tuyết, bà Phó Ðoan, bà Văn Minh lúc ấy thất vọng vô cùng. Những nhà chụp ảnh vây quanh Xuân để chụp ảnh. Những ông phóng viên các báo định họp nhau chất vấn thái độ của Xuân, vì mọi người rất lấy làm ngờ vực cái giơ cuối cùng. Quả banh ấy phải là để nhường nhịn không? Sao tài tử Xuân, giáo sư quần vợt, mà lại đến nỗi… quốc sĩ như thế? Chỗ này, chỗ kia, thấy những lời hò hét vang lên:
– Quốc sĩ! Về nhà bò! Ði về nhà bò!
Có một vài người Pháp cũng kêu to:
– A bas Xuân! A bas Xuân! Des explications!
Thấy ở tình thế hiểm nghèo, ông bầu Văn Minh bèn cùng Xuân Tóc Ðỏ trèo lên nóc cái xe hơi của bà Phó Ðoan, rồi Xuân Tóc Ðỏ cứ việc lắng nghe ông bầu của nó nhắc mà diễn thuyết trước cái đám công chúng mấy nghìn người hung hăng ấy. Nhưng ông bầu lúc ấy đã say sưa về cái việc hệ trọng của mình lắm, bèn nói trước đã:
– Xuân thua không phải bởi vô tài! Chắc thiên hạ đã mục kích rất rõ. Vậy xin thiên hạ hãy bình tĩnh nghe tại sao người của tôi lại phải thua.
Nói xong, ông lại thấy mình và Xuân là to. Cho nên công chúng thấy Xuân Tóc Ðỏ có cái giọng trịch thượng của một bậc vĩ nhân như thế này:
– Hỡi công chúng! Mi chưa hiểu rõ những lẽ cực kỳ to tát nó khiến ta phải đánh nhường giải cho nhà vô địch Xiêm La! Quần chúng nông nổi ơi! Mi đã biết đâu cái lòng hy sinh cao thượng vô cùng, (nó vỗ vào ngực) nó khiến ta phải từ chối danh vọng riêng của ta đi, để góp một phần vào việc tiến bộ trong trật tự và hòa bình của Tổ quốc! Giữa cái giờ rất nghiêm trọng này, điều cốt yếu của người xả thân cứu nước không phải là chỉ nghĩ đến mình, nghĩa là không phải là cốt được một ván đánh quần, nhưng mà là cốt giữ cái mối thiện cảm của một nước lân bang (nó đấm tay xuống không khí) Chính phủ Pháp cũng như toàn thể quốc dân Pháp đã bao nhiêu năm nay, vẫn chủ trương và cố duy trì nền hoà bình cho thế giới! Nếu vô tình mà gây hấn, nếu thí dụ có cuộc Việt – Xiêm xung đột, thì cái phần thắng hay bại tuy chưa ai biết, nhưng mà điều chắc chắn, là nó sẽ lôi cuốn cái thế giới vào nạn can qua! Cho nên ngày hôm nay, ta tỉ thí không phải tranh nhau cái thua, được ở một quả quần. Ta chỉ phụng sự công cuộc ngoại giao của Chính phủ mà thôi! Ta (nó giơ cao tay lên) không muốn cho hàng vạn mạng người làm mồi cho binh đao, mắc lừa bọn buôn súng! (nó đập tay xuống). Hỡi quần chúng! Mi không hiểu gì, mi oán ta! Ta vẫn yêu quý mi mặc lòng mi chẳng rõ lòng ta!… Thôi giải tán đi, và cứ việc an cư lạc nghiệp trong hoà bình và trật tự! Ta không dám tự phụ là bậc anh hùng cứu quốc, nhưng ta phải tránh cho mi nạn chiến tranh rồi! Hoà bình vạn tuế! Hội Quốc liên vạn tuế!
Với cái hùng biện của một người đã thổi loa cho những hiệu thuốc lậu, với cái tự nhiên của một anh lính cờ chạy hiệu rạp hát, lại được ông Văn Minh vặn đĩa kèn, Xuân Tóc Ðỏ đã chinh phục quần chúng như một nhà chính trị đại tài của Tây phương. Mấy nghìn người bị gọi là mi, không những đã chẳng tức giận chút nào, lại còn vô cùng cảm phục, cho rằng người ta “phải thế nào” người ta mới dám ngôn luận tự do như thế! Cho nên Xuân Tóc Ðỏ diễn thuyết vừa xong, tiếng vỗ tay của nhân dân ran lên như mưa rào! Một lần nữa, cái đạo binh các ông thợ ảnh lại xông đến gần nó… Thế rồi, ở chỗ này, thiên hạ sốt sắng hoan hô:
– Xuân Tóc Ðỏ vạn tuế! Sự đại bại vạn tuế!
Như một bậc vĩ nhân nhũn nhặn, nó giơ quả đấm chào loài người, nhẩy xuống đất, lên xe hơi. Rồi mấy chiếc xe của bạn thân của nó mở máy chạy, để lại cái đám công chúng mấy nghìn người bùi ngùi và cảm động.
I. Đôi nét về Vũ Trọng Phụng
– Vũ Trọng Phụng (1912 – 1939) sinh tại Hà Nội, trong một gia đình nghèo.
– Ông quê ở làng Hảo (huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên).
– Sau khi tốt nghiệp tiểu học, Vũ Trọng Phụng đi làm kiếm sống nhưng chẳng được bao lâu thì mất việc. Từ đó, ông sống chật vật bằng nghề viết báo, viết văn chuyên nghiệp.
– Khoảng từ 1937 – 1938, ông mặc bệnh lao nhưng lại không có điều kiện để chữa chạy.
– Đến năm 1939, Vũ Trọng Phụng mất tại Hà Nội.
– Ông được mệnh danh là “ông vua phóng sự đất Bắc” với những tác phẩm như:
- Phóng sự: Cạm bẫy người (1933), Kỹ nghệ lấy Tây (1934), Cơm thầy cơm cô (1936).
- Tiểu thuyết: Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê (1936), Trúng số độc đắc (1938)…
– Các tác phẩm của ông toát lên niềm căm phẫn mãnh liệt cái xã hội đen tối, thối nát đương thời.
II. Giới thiệu về đoạn trích Xuân Tóc Đỏ cứu quốc
1. Xuất xứ
– Tiểu thuyết “Số đỏ” được đăng ở “Hà Nội báo” từ số 40 ngày 7 tháng 10 năm 1969 và in thành sách lần đầu năm 1938 tại Nhà in Lê Cường (Hà Nội).
– Xuân Tóc Đỏ cứu quốc là đoạn trích nửa đầu chương XX – chương cuối của tác phẩm Số đỏ.
2. Bố cục
– Phần 1. Từ đầu đến “nhà quán quân quần vợt Xiêm La ra thử tài với Xuân Tóc Đỏ”: chuẩn bị cho cuộc thi đấu thể thao đặc biệt
– Phần 2. Tiếp theo đến “các đức vua và quý quan của ba chính phủ về Sở Toàn quyền”: diễn biến kịch tính của “ván quần” giữa Xuân Tóc Đỏ và quán quân quần vợt Xiêm La.
– Phần 3. Còn lại: Xuân Tóc Đỏ xảo biện và sự tung hô của quần chúng
3. Tóm tắt
Vua nước Xiêm sang thăm Việt Nam nhằm thắt chặt quan hệ hai nước. Trong trận thi đấu thể thao mang tính ngoại giao, Xuân Tóc Đỏ được lệnh phải thua quán quần quật vợt người Xiêm. Sau trận đấu, Xuân Tóc Đỏ được tung hô là “vĩ nhân”, “anh hùng cứu quốc” và được tiếp tục được một số tổ chức danh giá chào đón, mời làm thành viên danh dự.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Đoạn trích Xuân Tóc Đỏ cứu quốc Trích Số đỏ, Vũ Trọng Phụng của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.