Bạn đang xem bài viết Dịch hạch tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Dịch hạch là gì?
Tên gọi khác: Plague, Cái chết Đen
Dịch hạch là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan nhanh mạnh gây nguy hiểm đe dọa tính mạng của người bị nhiễm với tỷ lệ tử vong cao. Bệnh được xếp vào diện phải kiểm dịch và khai báo quốc tế.
Bệnh dịch hạch còn được gọi là “Cái chết Đen”, là một trong những căn bệnh tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại. Bệnh bắt đầu xuất hiện ở châu Á và châu Âu thời trung cổ. Sau đó nó bùng phát ở châu Âu từ năm 1347 đến 1351 làm chết khoảng 25 triệu người (chiếm khoảng 1/3 dân số châu Âu lúc bấy giờ).
Năm 1989, ở Việt Nam ghi nhân trường hợp mắc bệnh dịch hạch đầu tiên, nửa cuối thập niên 1960 tới đầu thập niên 1970 dịch hạch bùng nổ mạnh mẽ ở Việt Nam và một số nước châu Á. Cho tới nay, dịch hạch trên thế giới đã được khống chế, tuy nhiên vẫn xuất hiện ở một số nước kém hoặc đang phát triển. Tại Việt Nam, dịch hạch thường phát triển vào mùa khô nhưng cũng được ghi nhận tại các thời điểm khác nhau kể cả mùa mưa.
Nguyên nhân mắc bệnh dịch hạch
Nguyên nhân gây bệnh trực tiếp là do trực khuẩn Yersinia pestis, một loại trực khuẩn gram âm thuộc họ Enterobacteraceae. Đây là một loại trực khuẩn lưu hành trong quần thể những loài gặp nhấm cụ thể ở đây là chuột.
Có 2 con đường lây truyền bệnh dịch hạch:
– Trực tiếp từ vật chủ bị bệnh sang người mà không qua trung gian bọ chét như: hít trực tiếp vi khuẩn từ trong không khí, vi khuẩn từ động vật bị nhiễm xâm nhập vào cơ thể qua vết trầy xước trên da hoặc do động vật mang bệnh (như mèo) cào, cắn.
– Gián tiếp thông qua trung gian truyền bệnh là bọ chét. Chúng sẽ hút máu động vật mang bệnh (chuột, thỏ, nhím,…) rồi cắn vào người và truyền vi khuẩn gây bệnh sang cho người.
Triệu chứng của dịch hạch
Thời xa xưa người ta gọi dịch hạch là “Cái chết Đen” vì khi mắc bệnh sẽ xuất hiện các hạch nổi khắp cơ thể. Sau đó mạch máu trong hạch vỡ ra làm nó trở thành những cục máu đen cản trở sự lưu thông của máu. Những cục máu đen tụ lại thành những vết lớn có màu đen.
Có 4 thể bệnh:
– Thể hạch chiếm 90% trong số các thể bệnh. Biểu hiện bằng sự xuất hiện của các hạch trên khắp cơ thể kèm các triệu chứng sốt cao, mệt mỏi, đau nhức cơ, buồn nôn, đau đầu. Sau đó chuyển sang giai đoạn toàn phát nhiễm độc, nhiễm khuẩn và hạch sưng to, có thể bằng ngón tay cái hay thậm chí bằng quả trứng gà. Hạch cứng chắc gây đau lúc ban đầu nhưng sau đó sẽ mềm rồi hóa mủ. Nếu không được điều trị hợp lý hạch sẽ tiến triển thành nhiễm khuẩn gây sốt cao 40 – 41 độ C, vật vã, hôn mê, sốc nhiễm trùng, nhiễm độc và có thể chết trong vòng từ 3 đến 5 ngày.
– Thể phổi thường là thứ phát do thể hạch tiến triển thành. Thể phổi là thể đáng sợ nhất vì nó có thể lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp và bùng phát thành dịch lớn. Các triệu chứng ở thể này thường là sốt cao, rét run, ho đàm đục mủ có khi lẫn máu, diễn tiến nhanh đến suy hô hấp, tỷ lệ tử vong cao.
– Thể nhiễm trùng huyết, tỷ lệ mắc bệnh cao đứng sau thể hạch. Có các triệu chứng như sốt cao, rét run, đau đầu dữ dội, buồn nôn và tiêu chảy. Bệnh nhân có thể gặp tình trạng hốt hoảng, kích động, nói sảng và thở nhanh, nông,…
– Dịch hạch thể viêm màng não cũng thường là thứ phát do thể hạch, thể nhiễm trùng huyết tiến triển thành.
Ngoài các thể biểu hiện ở trên, dịch hạch còn xuất hiện ở hầu, hoặc có thể không biểu hiện thành triệu chứng. Nhiễm trùng da và mô mềm có thể xảy ra xung quanh chỗ bị bọ chét cắn.
Điều trị dịch hạch
Nguyên tắc:
– Điều trị cách ly tại chỗ, dưới sự chăm sóc của các cán bộ y tế.
– Điều trị tiêu diệt mầm bệnh
– Điều trị theo cơ chế sinh bệnh
– Điều trị triệu chứng: bù nước và điện giải, trợ tim, giảm đau hạ sốt, chống choáng, suy hô hấp, xuất huyết. Nâng cao sức đề kháng và loại bỏ yếu tố nguy cơ.
Phòng ngừa dịch hạch
– Biện pháp phòng ngừa chủ yếu là tránh tiếp xúc với chuột, vật chủ mang mầm bệnh.
– Diệt chuột, bọ chét và hang ổ nơi sinh sản của chuột.
– Nếu có tình trạng chuột chết hàng loại một cách bất thường hãy báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất, không tự ý giết chuột khi đang ở trong ổ dịch.
– Theo dõi giám sát dịch tễ học để phòng chống bệnh dịch ở những nơi chưa có dịch.
– Kiểm tra giám sát chặt chẽ hàng hóa động vật nhập khẩu
– Tuyên truyền giáo dục cộng đồng đồng phòng chống bệnh dịch bằng cách vệ sinh môi trường, dọn dẹp những nơi làm ổ và sinh sản của chuột.
– Khi có các biểu hiện nổi hạch, sốt, đau nhức cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và chuẩn đoán cách ly kịp thời.
– Chuẩn bị sẳn sàng các loại thuốc, hóa chất cũng như nhân lực khi có dịch xảy ra.
– Tập huấn thường xuyên cho cán bộ y tế về phòng chống dịch hạch tại các tuyến cơ sở, địa phương.
Xem thêm Tìm hiểu về bệnh dịch hạch
(Hình ảnh tổng hợp từ CNN, Vetshop, google,…)
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh Duy
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Dịch hạch tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.