Giải bài tập SGK Địa lí 7 trang 96, 97, 98, 99, 100 sách Kết nối tri thức với cuộc sống giúp các em học sinh lớp 7 xem gợi ý giải các câu hỏi Bài 1: Vị trí địa lí, đặc điểm tự nhiên châu Âu của Chương 1: Châu Âu.
Đồng thời, cũng giúp thầy cô tham khảo để soạn giáo án bài 1 chương 1 phần Địa lí trong sách giáo khoa Lịch sử – Địa lí 7 Kết nối tri thức với cuộc sống theo chương trình mới. Vậy mời thầy cô và các em cùng theo dõi nội dung chi tiết trong bài viết dưới đây của Pgdphurieng.edu.vn:
Giải câu hỏi giữa bài Địa lí 7 Kết nối tri thức bài 1
1. Vị trí địa lí, hình dạng, kích thước
Đọc thông tin trong mục 1 và quan sát hình 1, hãy:
- Trình bày đặc điểm vị trí địa lí, hình dạng và kích thước châu Âu.
- Kể tên các biển và đại dương bao quanh châu Âu.
Trả lời:
– Vị trí địa lí:
- Bộ phận phía tây của lục địa Á – Âu, ngăn cách với châu Á bởi dãy U-ran.
- Lãnh thổ nằm giữa các vĩ tuyến 36°B đến 71°B.
– Hình dạng: Đường bờ biển bị cắt xẻ mạnh, tạo thành nhiều bán đảo, biển, vũng vịnh ăn sâu vào trong đất liền.
– Kích thước nhỏ (Diện tích trên 10 triệu km2, chỉ lớn hơn châu Đại Dương).
– Các biển và đại dương bao quanh châu Âu:
- Biển: biển Địa Trung Hải, biển Đen, biển Bắc, biển Na-uy, biển Ba-ren và biển Ca-ra.
- Đại dương: Đại Tây Dương, Bắc Băng Dương.
2. Đặc điểm tự nhiên
Câu hỏi mục 2a trang 98: Đọc thông tin trong mục a và quan sát hình 1, hãy:
- Phân tích đặc điểm các khu vực địa hình chính ở châu Âu.
- Xác định vị trí một số dãy núi và đồng bằng lớn ở châu Âu.
Trả lời:
– Các khu vực địa hình chính ở châu Âu:
- Đồng bằng: chiếm 2/3 diện tích châu lục, có đặc điểm địa hình khác nhau: Đồng bằng Đông Âu có vùng đất cao, đồi thoải xen vùng đất thấp hoặc thung lũng rộng; Đồng bằng trung lưu Đa–nuýp thấp và bằng phẳng.
- Khu vực miền núi bao gồm núi già và núi trẻ. Núi già phân bố ở phía bắc và trung tâm châu lục, độ cao trung bình và thấp (Xcan-di-na-vi, U-ran…); núi trẻ phân bố ở phía nam, cao và đồ sộ (An-pơ, Các-pát, Ban-căng…)
– Xác định vị trí một số dãy núi và đồng bằng lớn ở châu Âu:
- Dãy núi Xcan-di-na-vi nằm trên bán đảo Xcan-di-na-vi.
- Dãy An-pơ nằm ở phía nam, giáp với Địa Trung Hải.
- Dãy U-ran nằm ở phía đông, tiếp giáp với châu Á.
- Đồng bằng Đông Âu nằm ở phía đông, tiếp giáp với dãy U-ran.
- Đồng bằng Bắc Âu nằm ở phía bắc, tiếp giáp với biển Ban-tích.
Câu hỏi mục 2b trang 99: Dựa vào thông tin trong mục b và hình 3, hãy trình bày đặc điểm phân hóa khí hậu ở châu Âu.
Trả lời:
Đặc điểm phân hóa khí hậu ở châu Âu: Khí hậu có sự phân hóa từ bắc – nam, đông – tây tạo nên các kiểu và đới khí hậu khác nhau.
– Đới khí hậu cận cực: quanh năm lạnh, lượng mưa trung bình năm dưới 500mm.
– Đới khí hậu ôn đới phân chia thành 2 kiểu:
- Khí hậu ôn đới hải dương: ôn hòa, mùa đông tương đối ấm, mùa hạ mát; mưa quanh năm, lượng mưa trung bình năm từ 800 – 1000 mm trở lên.
- Khí hậu ôn đới lục địa: mùa đông lạnh khô, mùa hạ nóng ẩm; lượng mưa trung bình năm nhỏ dưới 500 mm, mưa chủ yếu vào mùa hạ.
– Đới khí hậu cận nhiệt: Chỉ có một kiểu cận nhiệt địa trung hải (mùa hạ nóng khô thời tiết ổn định, mùa đông ấm, mưa nhiều lượng mưa từ 500 – 700 mm).
– Ngoài ra khí hậu còn phân hóa theo độ cao.
Câu hỏi mục 2c trang 99: Hãy xác định vị trí các con sông: Von-ga, Đa-nuýp, Rai-nơ trên bản đồ hình 1.
Trả lời:
Xác định vị trí các sông: Von-ga, Đa-nuýp, Rai-nơ
- Sông Von-ga: phía đông châu Âu.
- Sông Đa-nuýp: phía nam châu Âu.
- Sông Rai-nơ: phía tây châu Âu.
Câu hỏi mục 2d trang 100: Đọc thông tin và quan sát các hình ảnh trong mục d, hãy trình bày đặc điểm các đới thiên nhiên ở châu Âu.
Trả lời:
Đới lạnh có khí hậu cực và cận cực, chiếm diện tích nhỏ, nằm ở phía bắc châu Âu, tuyết bao phủ gần như quanh năm, sinh vật nghèo nàn, thực vật là rêu và địa y, động vật chịu lạnh.
Đới ôn hoà có khí hậu ôn đới và cận nhiệt, chiếm phần lớn lãnh thổ châu Âu, thiên nhiên thay đổi theo khí hậu từng nơi. Phía bắc lạnh và ẩm ướt nên chủ yếu là rừng lá kim, đất pôtdôn. Phía tây có mùa đông ấm, mùa hạ mát nên chủ yếu là rừng lá rộng, đất nâu xám. Phía đông nam có khí hậu lục địa nên chủ yếu là thảo nguyên, đất đen. Phía nam có khí hậu cận nhiệt thì rừng và cây bụi lá cứng phát triển. Động vật đới ôn hoà đa dạng, nhiều loài thú, bò sát, chim.
Giải Luyện tập và vận dụng Địa lí 7 Kết nối tri thức bài 1
Câu 1
Xác định mỗi biểu đồ nhiệt độ và lượng mưa dưới đây thuộc kiểu khí hậu nào ở châu Âu. Giải thích vì sao?
Trả lời:
Gla-xgâu (Anh) thuộc kiểu khí hậu ôn đới hải dương do lượng mưa lớn.
Rô-ma (I-ta-li-a) thuộc kiểu khí hậu cận nhiệt địa trung hải do nhiệt độ khá cao, mưa vào thu đông, mùa hạ khô.
Ô-đét-xa (U-crai-na) thuộc kiểu khí hậu ôn đới lục địa, mưa ít, nhiệt độ thay đổi nhiều.
Câu 2
Sưu tầm những hình ảnh đẹp về thiên nhiên châu Âu (núi, sông, hồ, rừng,…) và biết bài (khoảng 15 dòng) giới thiệu về những cảnh đẹp đó.
Trả lời:
Núi Matterhorn – Biên giới Thụy Sĩ và I-ta-li-a
Ngọn núi sừng sững chọc thẳng vào mây trời như tòa kim tự tháp cao 4.572m. Được mệnh danh là “vua của đỉnh núi”, Matterhorn nằm ở biên giới giữa Thụy Sĩ và I-ta-li-a, phần đỉnh cao nhất thuộc lãnh thổ nước Thụy Sĩ. Đây là một trong những ngọn núi cao nhất trong dãy Alps và thuộc top các ngọn núi hiểm trở nhất trên thế giới. Chính những điểm này đã thu hút gần 500 nhà leo núi từng cố gắng chinh phục nó.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Địa lí 7 Bài 1: Vị trí địa lí, đặc điểm tự nhiên châu Âu Soạn Địa 7 trang 96 sách Kết nối tri thức với cuộc sống của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.