Ngày 12/4, đại diện Bệnh viện Xuyên Á Vĩnh Long cho biết bệnh nhi nhanh chóng lơ mơ tri giác, bứt rứt, khó thở, phù nề vùng cổ hai bên, lưỡi cũng phù nề và tím dần, huyết áp giảm, mạch dao động. Bác sĩ xử trí chống sốc, tiêm thuốc, thở oxy, truyền dịch, phun khí dung liên tục cho bé.
Tình trạng bé tiên lượng nặng, các bác sĩ tính đến phương án mở khí quản hỗ trợ hô hấp. May mắn, sau 40 phút cấp cứu, bé dần ổn định, giảm khó thở, không cần mở khí quản. Sau 4 ngày điều trị, bệnh nhi tỉnh táo hoàn toàn, hết phù nề lưỡi và vùng cổ, ăn uống được, xuất viện.
Phù mạch, còn gọi là phù Quincke, là phù mạch ở đường thở trên hiếm gặp. Mắc hội chứng này, tình trạng sưng nề xuất hiện nhanh, đột ngột ở cả vùng dưới – trên bề mặt da và niêm mạc, có thể ở lưỡi, mô, mắt, quanh miệng, bàn tay, bàn chân, hầu họng, bộ phận sinh dục. Triệu chứng thường phát triển trong vài phút đến vài giờ, có thể khu trú hoặc lan tỏa, gây cảm giác căng đau, ngứa nhẹ hay tê bì do dây thần kinh cảm giác bị chèn ép.
Trường hợp phù mạch đơn lẻ có thể xảy ra do chấn thương, tiếp xúc với một số chất như thuốc gây mê toàn thân. Phản ứng dị ứng với một số thuốc như thuốc ức chế men chuyển, thuốc kháng sinh, thuốc cản quang; tiếp xúc với chất gây dị ứng như thức ăn, nọc độc của côn trùng, lông súc vật hoặc một số bệnh nhiễm trùng, cũng gây phù mạch.
Phù Quincke ở thanh quản như bệnh nhân trên là một trong những biểu hiện nguy hiểm nhất của hội chứng này. Bệnh nhân thường có triệu chứng khó thở, ho khan, mặt tím tái, xanh xao. Trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến co thắt khí quản, đe dọa tính mạng.
Các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cẩn trọng trong vấn đề ăn uống của con, nhất là với trẻ có cơ địa dị ứng. Trẻ mệt, khó thở, nổi mày đay sau ăn, uống thuốc nghi ngờ dị ứng, nên đưa đến bệnh viện ngay để khám và xử trí kịp thời.
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/di-ung-hai-san-phu-thanh-quan-4592441.html