Được hơn 60 đại học dùng kết quả để xét tuyển đầu vào, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (HSA) năm 2023 dự kiến thu hút khoảng 90.000 lượt thí sinh tham gia. Ông Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ thông tin và hướng dẫn thí sinh cách ôn luyện cho kỳ thi này.
– Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội năm nay có gì mới so với 2022?
– Bài thi HSA được thiết kế để đánh giá năng lực theo chuẩn đầu ra của chương trình THPT, đáp ứng tiêu chí toàn diện, ổn định và phân loại. Năm nay, cấu trúc, ma trận, độ khó, dễ của đề thi không thay đổi. Bài thi HSA vẫn gồm ba phần là Định lượng (75 phút), Định tính (60 phút) và Khoa học (60 phút).
Điểm mới năm nay của HSA là giới hạn số lần dự thi, tăng chế tài phạt, tăng quy mô, số điểm thi và lệ phí thi. Thí sinh được đăng ký tối đa hai lượt thi HSA, mỗi lần thi cách nhau ít nhất 28 ngày. Nếu bị đình chỉ, thí sinh không chỉ bị hủy kết quả của lượt thi đó mà còn bị hủy cả lượt chưa thi.
Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức 8 đợt thi đánh giá năng lực tại 17 địa điểm thi. Lệ phí thi là 500.000 đồng một lượt, tăng so với mức 300.000 đồng năm ngoái.
– Câu hỏi trong bài thi HSA được xây dựng và kiểm định ra sao?
– Câu hỏi của bài thi HSA là câu hỏi chuẩn hóa, được thiết kế theo quy trình gồm 18 bước, trong đó có xác định ma trận đề thi, xây dựng câu hỏi thô, phản biện, thẩm định kỹ thuật, nội dung và thử nghiệm trên học sinh.
Sau đó, câu hỏi tiếp tục được đánh giá lại để đảm bảo độ khó, dễ trước khi phê duyệt, bổ sung vào ngân hàng câu hỏi. Nếu chưa ổn, các câu hỏi được thẩm định lại qua đủ các bước.
Ngân hàng đề thi HSA hiện có trên 12.000 câu hỏi, mỗi năm sẽ được bổ sung ít nhất 25% số câu. Những câu hỏi đã sử dụng nhiều lần hay được nhiều thí sinh trả lời đúng hàng năm sẽ bị loại bỏ.
– Theo ông, thí sinh nên ôn tập thế nào?
– Bài thi HSA nhằm xác định những nhóm năng lực chủ đạo mà thí sinh đạt được trong chương trình THPT, không phải bài kiểm tra kiến thức. Do vậy, các em chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản, từ vận dụng thấp đến vận dụng cao hay hiểu biết vận dụng là có thể làm tốt.
Về tài liệu, thí sinh được phép mang vào phòng thi Atlat để tra cứu và máy tính. Tài liệu để thí sinh ôn thi chỉ có sách giáo khoa và đây là cẩm nang duy nhất, mang lại lợi ích nhiều nhất cho thí sinh. Tất nhiên, đề thi sẽ không chỉ lấy ngữ cảnh trong sách, mà còn có tác phẩm bên ngoài đáp ứng yêu cầu của chương trình, ví dụ ở môn Ngữ Văn.
Để có kỹ năng làm bài tốt, thí sinh nên làm bài thi tham khảo. Việc làm thử đề thi tham khảo sẽ giúp thí sinh quen cấu trúc bài thi, dạng câu hỏi, tìm hiểu thêm các lĩnh vực chưa nắm rõ, tính toán thời gian cho mỗi câu hỏi và kiểm soát tiến trình làm bài để lựa chọn đáp án thích hợp nhất, giảm áp lực tâm lý khi làm bài thi chính thức.
– Để đạt kết quả tốt, ông có gợi ý gì cho các thí sinh về chiến thuật làm bài thi HSA?
– Chiến thuật là kết thúc câu hỏi dễ thật nhanh để có thời gian suy nghĩ với câu hỏi khó. Thí sinh không nên tính bình quân 150 câu hỏi trong 195 phút tức là 78 giây một câu hỏi. Nếu tính như vậy, bạn chỉ đạt được kết quả trung bình vì có những câu có thể hoàn thành trong 10-15 giây nhưng có câu mất 2-3 phút.
Nhiều câu hỏi đòi hỏi thí sinh phải tư duy, suy nghĩ, biện luận hay áp dụng ở mức cao. Do đó, nếu gặp phải một câu hỏi quá khó, thí sinh hãy làm câu hỏi tiếp theo, sau đó trở lại nếu còn thời gian. Điểm bài thi được tính trên tổng số câu trả lời đúng, các câu trả lời sai không bị trừ điểm. Thí sinh nên cố gắng trả lời đủ tất cả câu hỏi trong khoảng thời gian cho phép của từng phần.
Nếu còn thời gian, sau khi đã hoàn thành một phần, thí sinh đừng vội chuyển sang phần tiếp theo mà hãy kiểm tra lại các câu trả lời chưa chắc chắn, bởi các em sẽ không thể quay lại phần thi trước để sửa câu trả lời sau khi thời gian làm bài của phần thi đó đã hết. Ngoài ra, trong phần tư duy định lượng, tư duy định tính, có những tiêu đề đề bài tương tự nhau như tìm biện pháp tu từ này, tìm lỗi sai kia. Thí sinh có thể đọc lướt nhanh để tập trung vào phần câu hỏi chính.
Thí sinh cũng nên làm bài thi tham khảo trước 1-2 ngày thi để nhớ định dạng và không bị bỡ ngỡ. Nhiều em quen làm bài thi trên giấy, không làm bài thi tham khảo nên vào thi trên máy sẽ không quen với màn hình, thao tác.
– Trên mạng hiện có nhiều trung tâm quảng cáo các khóa ôn luyện thi đánh giá năng lực, rao bán tài liệu, sách ôn thi. Hiệu quả của những hình thức này thế nào?
– Đại học Quốc gia Hà Nội không tổ chức ôn luyện, không hợp tác với trung tâm nào liên quan đến hoạt động ôn thi đánh giá năng lực hay kỳ thi nào khác.
Việc thí sinh tham gia các khóa ôn luyện này chỉ mất thời gian. Sa lầy vào việc luyện thi để học lệch, học tủ một mảng kiến thức nào đó không phải cách tốt nhất để đạt điểm cao bởi ngân hàng câu hỏi của bài thi HSA rất lớn.
Bài thi đánh giá năng lực khác định hướng với bài kiểm tra kiến thức, vì thế ôn luyện theo cách dạy thông thường cho những dạng bài thi này sẽ không có tác dụng. Hơn nữa, mỗi thí sinh khi đăng nhập vào tài khoản thi trên máy sẽ có một đề thi riêng, không trùng lặp giữa các đợt thi hay giữa các thí sinh.
Bình Minhthực hiện
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/dh-quoc-gia-ha-noi-khong-nen-sa-lay-vao-lo-luyen-thi-danh-gia-nang-luc-4568051.html