Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết như trên tại hội thảo khoa học về tiêu thụ đồ uống có đường với sức khỏe và tác động của chính sách thuế và giá, ngày 23/3, trong bối cảnh Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.
“Bộ Y tế đề xuất phương thức đánh thuế dựa trên hàm lượng đường trong 100 ml đồ uống”, bà Trang nói và thêm rằng nên quy định ngưỡng. Hàm lượng đường trên ngưỡng này thì đánh thuế, theo nguyên tắc đồ uống càng nhiều đường mức thuế càng cao. Ngược lại, dưới ngưỡng thì không phải chịu thuế.
Tuy nhiên, Bộ Y tế chưa nêu rõ “ngưỡng”, tức hàm lượng đường trong 100 ml đồ uống, là bao nhiêu.
Với một số sản phẩm dinh dưỡng (sữa, các sản phẩm từ sữa…) có hàm lượng đường thấp, Bộ Y tế đề xuất chưa áp thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đồ uống có đường, theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), là tất cả loại đồ uống có chứa đường tự do (đường thêm vào), gồm nước ngọt không chứa cồn có ga hoặc không có ga; nước ép trái cây rau củ, đồ uống từ trái cây rau củ dưới dạng đồ uống; chất cô đặc dạng lỏng và bột, nước có pha chế hương liệu, nước tăng lực và đồ uống cho người chơi thể thao; trà pha sẵn; cà phê pha sẵn và đồ uống sữa có pha chế hương liệu.
Như vậy, ý kiến của Bộ Y tế giải đáp nhiều thắc mắc thời gian qua trong quá trình Bộ Tài chính lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi. Những thắc mắc này gồm như thế nào là đồ uống có đường, căn cứ để tính thuế tiêu thụ đặc biệt, có liên quan đến tình trạng thừa cân béo phì hay không.
Theo các chuyên gia y tế, đồ uống có đường liên quan đến nhiều bệnh tật không lây nhiễm hiện nay, như thừa cân béo phì, sâu răng, đái tháo đường type 2, tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, các rối loạn chuyển hóa, một số bệnh ung thư.
WHO cũng khuyến cáo đánh thuế đối với đồ uống có đường là chính sách quan trọng nhằm giảm mức tiêu thụ, từ đó ngăn ngừa thừa cân, béo phì và tác hại đến sức khỏe.
Một thập kỷ qua, mức tăng trưởng tiêu dùng các loại nước uống này tại Việt Nam rất cao, Bộ Y tế dự báo tăng trưởng dương 3-5% trong 5 năm nữa. Đồ uống có cồn có đường dưới dạng nước hoa quả lên men (cider) mới xuất hiện trên thị trường Việt Nam, được trẻ vị thành niên và nữ giới ưa thích. Bà Trang e ngại các thức uống này tiếp tục góp phần làm tăng lượng đường tiêu thụ ở Việt Nam.
Vì vậy, Bộ Y tế đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, bên cạnh ghi nhãn đồ uống có đường, tăng cường truyền thông. “Thuế và giá là biện pháp mạnh cùng với kiểm soát quảng cáo, giảm tính sẵn có của sản phẩm”, bà Trang nói. Đây là cách nhiều nước đang áp dụng để giảm tiêu thụ loại thức uống này.
Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyên trẻ từ 2 đến 18 tuổi hàng ngày nên ăn dưới 25 g đường (tương đương 5 muỗng cà phê), và không quá 235 ml đồ uống có đường mỗi tuần. Trẻ em dưới 2 tuổi không nên dùng bất cứ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường.
Nhìn nhận thực tế này, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị xây dựng danh mục thực phẩm lành mạnh để trẻ em không bị lôi cuốn theo thực phẩm chế biến sẵn và đồ uống có đường.
Tại hội thảo, đại diện Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, cho biết Việt Nam có khoảng 1.800 cơ sở sản xuất nước giải khát, cung cấp việc làm trực tiếp cho hơn 300.000 lao động và việc làm gián tiếp cho hàng triệu lao động. Vì vậy, đánh thuế đồ uống có đường cần đảm bảo cân bằng, hài hòa giữa lợi ích quốc gia, lợi ích xã hội và lợi ích doanh nghiệp.
Cuối tháng 2, các doanh nghiệp bia, rượu, nước giải khát xin hoãn tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng này và không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường. Lý do là vừa bước qua giai đoạn khó khăn bởi Covid-19, cần thời gian phục hồi sản xuất, và không có định nghĩa “đồ uống có đường”.
Lê Nga
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/de-xuat-danh-thue-theo-ham-luong-duong-trong-100-ml-do-uong-4584717.html