Tấn Tài, học sinh lớp 10A5, trường THPT Ten Lơ Man (Ernst Thälmann, quận 1, TP HCM), thi giữa học kỳ môn Văn hôm 25/10, với hai phần Đọc và Viết với tỷ lệ điểm 6:4. Trong phần Đọc (6 điểm), văn bản được sử dụng là một đoạn trích trong tác phẩm Chử Lầu, dẫn theo Thần thoại H’Mông.
Bảy câu hỏi trắc nghiệm (mỗi câu 0,5 điểm) lần lượt hỏi về nhân vật, nội dung chính và các chi tiết được đề cập trong đoạn trích. Ba câu tiếp theo được đưa ra dưới dạng tự luận, yêu cầu học sinh chứng minh, viết đoạn văn về các chi tiết, chủ đề liên quan đoạn trích đã cho. Phần Viết (4 điểm) đề cập đến vai trò của sự lạc quan trong cuộc sống, gợi ý học sinh căn cứ nội dung đoạn trích Chử Lầu, sau đó đưa ra ý kiến cá nhân.
“Đây là lần đầu em được trải nghiệm làm đề Văn lồng ghép cả trắc nghiệm và tự luận. Em thấy rất mới mẻ”, Tài nói.
Đề kiểm tra Văn lớp 10 giữa học kỳ I của trường THPT Ten Lơ Man
Nam sinh cho rằng với cách ra đề Văn này, em có thể dễ lấy điểm hơn, nhờ vào phần trắc nghiệm. “Em thấy dễ dàng chọn được đáp án đúng vì nội dung nằm trong văn bản mà đề đã cho. Đề thi Văn làm em nhớ đến phần Reading (Đọc) ở các đề tiếng Anh”, Tài chia sẻ, dự đoán được khoảng 3 trên tổng 3,5 điểm ở phần thi này.
Việc kiểm tra, đánh giá các môn học hiện được thực hiện theo thông tư 22 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, đánh giá định kỳ (giữa và cuối kỳ) ở tất cả môn học được thực hiện thông qua bài kiểm tra trên giấy hoặc máy tính, bài thực hành hoặc dự án học tập. Trong thông báo giữa tháng 8, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết các trường, giáo viên được chủ động lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá dựa trên yêu cầu cần đạt của chương trình.
Ngoài Ten Lơ Man, nhiều trường THPT tại TP HCM như Bình Chiểu (thành phố Thủ Đức), An Lạc (quận Bình Tân) đã sử dụng các câu hỏi trắc nghiệm trong đề kiểm tra Văn giữa học kỳ I, áp dụng với lớp 10.
Dù chưa được trải nghiệm đề thi Văn trắc nghiệm, Nguyễn Nhật Lâm, lớp 10, trường THPT Tam Phú (thành phố Thủ Đức), cũng tỏ ra hào hứng với dạng đề mới. Lâm cho rằng đề trắc nghiệm Văn sẽ giúp học sinh kém có thể lấy điểm ở các câu hỏi dễ. “Sắp tới, em cũng muốn được làm đề Văn có câu hỏi trắc nghiệm”, Lâm nói.
Trên diễn đàn giáo dục TP HCM với hơn 200.000 thành viên, những chủ đề, hình ảnh về đề kiểm tra Văn trắc nghiệm kết hợp tự luận thu hút hàng nghìn lượt tương tác và chia sẻ của cả học sinh và các nhà giáo.
Thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm TP HCM, cho rằng gần đây, nhiều trường THPT tại TP HCM đưa câu hỏi trắc nghiệm vào đề thi Văn vì một số lý do: hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo về đổi mới kiểm tra, đánh giá trong môn Văn, đặc biệt với các khối lớp đang học chương trình phổ thông năm 2018; có nhiều công cụ hỗ trợ thiết kế đề kiểm tra trắc nghiệm sau thời gian dài học trực tuyến; đón đầu việc có thể thi tốt nghiệp THPT môn Văn theo dạng trắc nghiệm.
Sau khi tham khảo đề giữa kỳ môn Văn của một số trường, thầy Khôi đánh giá chất lượng đề “ổn, mức độ phân hóa tốt, giáo viên cũng đã triệt để tuân thủ việc lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa”. Dù vậy, theo thầy Khôi, các câu hỏi trắc nghiệm chưa thống nhất về cách hỏi và đáp án, cách viết hoa, dấu câu. Cùng với đó, thầy Khôi đánh giá các phương án “mồi nhử” chưa tốt, giáo viên chưa có thời gian khảo sát các câu hỏi trước khi đưa vào đề chính thức.
Đây cũng là lo lắng của PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt – Ngữ Văn, bộ sách Kết nối Tri thức với cuộc sống. Ông Hùng đánh giá thiết kế đề thi trắc nghiệm không phải là công việc dễ dàng. Ngoài đáp án đúng, các phương án “mồi nhử” cũng phải làm tốt chức năng gây nhiễu, phân loại học sinh. Tuy nhiên, trong các câu hỏi trắc nghiệm đang được chia sẻ rộng rãi có nhiều đáp án sai hiển nhiên hoặc đúng hiển nhiên, học sinh không cần học cũng có thể lựa chọn được phương án đúng. Học sinh rất dễ lấy điểm từ những câu hỏi kiểu này.
Theo ông Hùng, các câu hỏi trắc nghiệm đang được dùng trong nhà trường hầu hết do giáo viên tự thiết kế và chưa được thử nghiệm theo đúng quy trình thiết kế câu hỏi trắc nghiệm. Hệ quả của việc này là đánh giá học sinh chưa chính xác. “Tôi cho rằng đang có cách hiểu đơn giản hóa và không đúng về đánh giá theo hình thức trắc nghiệm khách quan”, ông Hùng nói.
Để cải thiện chất lượng câu hỏi trắc nghiệm trong đề Văn, thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi khuyên giáo viên đọc thêm lý thuyết về xây dựng đề trắc nghiệm, cũng như tham khảo các tài liệu uy tín. Thầy cô nên đưa câu hỏi trắc nghiệm vào bài giảng để học sinh kích hoạt kiến thức nền, làm quen với hình thức này. “Các câu hỏi trong đề cũng cần được phân bổ hài hòa giữa các mức độ, phương án gây nhiễu phải tốt, có cách trình bày nhất quán”, thầy Khôi nói.
Về phía trường và các cơ quan quản lý, thầy Khôi cho rằng cần thực hiện khảo sát, thống kê và nghiên cứu kết quả kiểm tra để đưa ra điều chỉnh phù hợp; chú trọng việc xây dựng ngân hàng đề thi; tổ chức tập huấn và tài liệu hướng dẫn cho giáo viên.
Thầy Khôi nhận định trắc nghiệm có ưu thế kiểm tra được lượng kiến thức rộng, đáp án khách quan, cho kết quả nhanh. Dù vậy, các chuyên gia đều nhấn mạnh đến vai trò của tự luận trong môn Văn và khẳng định cần kết hợp hài hòa trắc nghiệm với tự luận.
PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng cho biết phần Ôn tập học kỳ, sách Ngữ văn 10, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, cũng giới thiệu một số đề kiểm tra, được thiết kế theo hướng kết hợp trắc nghiệm và tự luận, nhưng phần trắc nghiệm chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ. Ông Hùng khẳng định đối với môn Ngữ văn, đặc biệt là trong điều kiện của Việt Nam, trắc nghiệm chỉ nên dùng trong phạm vi lớp học để kiểm tra kỹ năng đọc hiểu những thông tin tường minh hoặc suy luận ở mức đơn giản.
Ông cho rằng với những kỳ thi quan trọng có đề dùng chung cho nhiều trường, nhằm đánh giá toàn diện kết quả của học sinh thì cần phải cảnh giác với đề trắc nghiệm, bởi “câu hỏi được thiết kế có khả năng sai rất cao, nếu không sai thì cũng không có mấy tác dụng trong việc đánh giá năng lực ngôn ngữ và văn học của học sinh”.
Theo ông Hùng, không nên cho rằng ra đề trắc nghiệm khách quan là một xu hướng tất yếu cần phải theo. Với môn Ngữ văn, đánh giá bằng câu hỏi tự luận vẫn phải là chủ đạo và cũng có thể là duy nhất tùy vào lựa chọn của địa phương và nhà trường.
Đồng quan điểm, thầy Khôi cho rằng đề môn Văn không chỉ kiểm tra kiến thức, mà còn đòi hỏi học sinh có khả năng diễn đạt, trình bày vấn đề và bộc lộ cảm xúc khi viết. Do đó, áp dụng trắc nghiệm phải đi kèm việc kết hợp với tự luận.
Hào hứng với thi trắc nghiệm nhưng Nguyễn Nhật Lâm cũng cho rằng hình thức này có thể không công bằng với tất cả học sinh. “Trắc nghiệm có yếu tố may rủi, nên nếu có bạn khoanh bừa mà đúng thì điểm sẽ không chênh nhiều hoặc bằng với các bạn học tốt”, Lâm nói và cho rằng đề cũng chỉ nên sử dụng trắc nghiệm một phần, không thay thế tự luận hoàn toàn.
Thanh Hằng
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/de-van-trac-nghiem-gay-phan-ung-trai-chieu-4530798.html