Đề cương ôn thi học kì 2 Văn 8 năm 2022 – 2023 hệ thống các kiến thức trọng tâm và bài tập vận dụng kèm theo đề thi minh họa được biên soạn một cách logic, khoa học.
Thông qua đề cương cuối kì 2 Ngữ văn 8 giúp các em học sinh lớp 8 có cái nhìn tổng quát về những gì mình đã học, từ đó có phương pháp học tập và phân bố thời gian ôn tập một cách hợp lí hơn để đạt được kết quả cao trong kì thi học kì 2 lớp 8 sắp tới. Ngoài ra các bạn xem thêm đề thi và đáp án học kì 2 môn Ngữ văn 8.
Đề cương ôn thi học kì 2 Văn 8 năm 2022 – 2023
Phần I: Văn bản
– Chiếu dời đô – Lí Công Uẩn
– Hịch tướng sĩ – Trần Quốc Tuấn
– Nước Đại Việt ta (Trích “Bình Ngô đại cáo”) – Nguyễn Trãi
– Bàn luận về phép học – La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp
1. Nhớ được tên tác giả, thể loại, phương thức biểu đạt chính của từng văn bản.
2. Nắm được giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của các văn bản.
2.1. Chiếu dời đô – Lí Công Uẩn
a. Giá trị nội dung
– Phản ánh khát vọng của nhân dân về một đất nước độc lập, thống nhất.
– Phản ánh ý chí tự cường của dân tộc Đại Việt đang trên đà lớn mạnh.
b. Giá trị nghệ thuật
– Kết cấu chặt chẽ, lập luận giàu sức thuyết phục, hài hòa tình lí, trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân.
2.2. Hịch tướng sĩ – Trần Quốc Tuấn
a. Giá trị nội dung
– Tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên xâm lược (thế kỉ XIII).
– Thể hiện lòng căm thù giặc, ý chí quyết chiến quyết thắng.
– Trên cơ sở đó, tác giả phê phán khuyết điểm của các tì tướng, khuyên họ ra sức học tập binh thư, rèn quân.
b. Giá trị nghệ thuật
– Áng văn chính luận xuất sắc, lập luận chặt chẽ, lí lẽ hùng hồn, đanh thép, nhiệt huyết chứa chan, tình cảm thống thiết, rung động lòng người sâu xa.
– Đánh vào lòng người, lời hịch trở thành mệnh lệnh của lương tâm, người nghe được sáng trí, sáng lòng.
2.3. Nước Đại Việt ta (trích “Bình Ngô đại cáo”) – Nguyễn Trãi
a. Giá trị nội dung: – Ý thức dân tộc và chủ quyền đã phát triển đến trình độ cao, ý nghĩa như một bản tuyên ngôn độc lập: nước ta có nền văn hiến lâu đời, có lãnh thổ riêng, phong tục riêng, có chủ quyền, có truyền thống lịch sử.
– Khẳng định kẻ xâm lược phản nhân nghĩa, nhất định thất bại.
b. Giá trị nghệ thuật
– Lập luận chặt chẽ, chứng cứ hùng hồn, xác thực, ý tứ rõ ràng và hàm súc, kết tinh cao độ tinh thần và ý thức dân tộc trong thời kì lịch sử dân tộc thật sự lớn mạnh.
– Đặt tiền đề, cơ sở lí luận cho toàn bài.
– Xứng đáng là thiên cổ hùng văn.
2.4. Bàn luận về phép học – Nguyễn Thiếp
a. Giá trị nội dung
Quan niệm tiến bộ của tác giả về mục đích và tác dụng của việc học tập: học là để làm người có đạo đức, có tri thức góp phần làm hưng thịnh đất nước; muốn học tốt phải có phương pháp.
b. Giá trị nghệ thuật
Lập luận chặt chẽ, luận cứ rõ ràng: sau khi phê phán những biểu hiện sai trái, lệch lạc trong việc học, khẳng định quan điểm và phương pháp học tập đúng đắn.
3. Dựa vào kiến thức đã học, học sinh vận dụng viết đoạn văn về các vấn đề sau:
a. Lòng yêu nước, căm thù giặc của Trần Quốc Tuấn qua bài Hịch tướng sĩ.
b. Tư tưởng tiến bộ của Nguyễn Thiếp khi đề ra những phương pháp học đúng đắn, hiệu quả qua văn bản Bàn luận về phép học.
c. Quan niệm về tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi qua văn bản Nước Đại Việt ta.
Phần 2: Tiếng Việt
1. Câu phủ định
* Khái niệm: Câu phủ định là câu có những từ ngữ phủ định như: không, chẳng, chả, chưa, không phải (là), chẳng phải (là), đâu có phải (là), đâu (có)…
* Chức năng: Câu phủ định thường thực hiện một trong hai chức năng sau đây:
– Thông báo, xác nhận không có sự vật, sự việc, tính chất, quan hệ nào đó (câu phủ định miêu tả).
Ví dụ: Không! Cháu không muốn vào. (Nguyên Hồng)
Chiều nay không có trận bóng đá nào cả.
– Phản bác một ý kiến, một nhận định (câu phủ định bác bỏ).
Ví dụ: Hương hoa sữa thơm nồng nàn.
-> Đâu phải, đấy là hương hoa thiết mộc lan đó chứ.
2. Hành động nói
* Khái niệm: Hành động nói là hành động được thực hiện bằng lời nói nhằm mục đích nhất định.
* Một số kiểu hành động nói thường gặp:
Người ta dựa theo mục đích của hành động nói mà đặt tên cho nó. Những kiểu hành động nói thường gặp là:
– Hành động hỏi
Ví dụ: Nhưng như vậy lấy ai gác đêm cho anh? (Khánh Hoài) – (muốn biết ai thay con vệ sĩ gác đêm cho anh mình)
– Hành động trình bày (báo tin, kể, tả, nêu ý kiến, dự đoán,…)
Ví dụ: (Cảm ơn cụ, nhà cháu đã tỉnh táo như thường). Nhưng xem ý hãy còn lề bề lệt bệt chừng như vẫn mỏi mệt lắm. (Ngô Tất Tố) – để nhận định.
Gió chiều thổi đám lá tre tơi tả. (Ngô Tất Tố) – để tả.
– Hành động điều khiển (cầu khiến, đe dọa, thách thức, van xin, khuyên nhủ…)
Ví dụ: Anh không nên đội ô đi xe đạp. (Khuyên nhủ)
Bạn cố gắng làm bài tập nhanh lên kẻo hết giờ. (Thúc giục)
– Hành động hứa hẹn
Ví dụ: Anh phải hứa với em không bao giờ để chúng nó ngồi cách xa nhau […]
Anh xin hứa. (Khánh Hoài)
– Hành động bộc lộ cảm xúc
Ví dụ: Thiêng liêng thay tiếng gọi của bác Hồ! (Tố Hữu)
Ôi, buổi trưa nay tuyệt trần nắng đẹp! (Tố Hữu)
* Cách thực hiện hành động nói: Có 2 cách
– Cách dùng trực tiếp: hành động nói được thực hiện bằng kiểu câu có chức năng chính phù hợp với hành động đó.
Ví dụ: Mong các cháu cố gắng
Thi đua học và hành
(Hồ Chí Minh)
Mời u xơi khoai đi ạ! (Ngô Tất Tố)
– Cách dùng gián tiếp: ngoài cách trực tiếp, ta còn có thể thực hiện hành động nói bằng câu phân loại theo mục đích nói dưới hình thức gián tiếp.
+ Dùng kiểu câu cảm thán để diễn đạt hành động nói khác.
Ví dụ: Ôi sức trẻ! (Tố Hữu)
Đây là hành động bộc lộ cảm xúc kèm theo hành động nhận định thông qua kiểu câu cảm thán.
+ Dùng kiểu câu nghi vấn để diễn đạt hành động nói khác.
Ví dụ: (Than ôi!) Thời oanh liệt nay còn đâu? (Thế Lữ) – (hành động than thở)
Đây là hành động bộc lộ cảm xúc thông qua kiểu câu nghi vấn.
3. Lựa chọn trật tự từ trong câu
* Nhận xét chung
– Trong một câu có thể có nhiều cách sắp xếp trật tự từ, mỗi cách đem lại một hiệu quả diễn đạt riêng.
– Người nói (người viết) cần biết lựa chọn trật tự từ thích hợp với yêu cầu giao tiếp.
Ví dụ:
– Hoảng hốt, chị Dậu bồng cả hai con đứng dậy. (Ngô Tất Tố) – (nhấn mạnh trạng thái hành động của chị Dậu)
– Chị Dậu hoảng hốt bồng cả hai con đứng dậy. (miêu tả sự việc một cách bình thường)
* Tác dụng của sự sắp xếp trật tự từ
– Thể hiện thứ tự nhất định của sự vật, hiện tượng, hoạt động, đặc điểm (như thứ bậc quan trọng của sự vật, thứ tự trước sau của hoạt động, trình tự quan sát của người nói,…)
Ví dụ: – Đầu lòng hai ả tố nga
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân.
(Nguyễn Du)
– Người nào áo quần cũng sạch sẽ, gương mặt cũng xinh tươi và sáng sủa.
(Thanh Tịnh)
– Nhấn mạnh hình ảnh, đặc điểm của sự vật, hiện tượng.
Ví dụ: Thẻ của nó, người ta giữ. Hình của nó, người ta chụp rồi. (Nam Cao)
– Liên kết câu với những câu khác trong văn bản.
Ví dụ: Giàu, tôi cũng giàu rồi. Sang, tôi cũng sang rồi. (Nguyễn Công Hoan)
– Đảm bảo sự hài hòa về mặt ngữ âm của lời nói.
Ví du: Cối xay tre, nặng nề quay, từ nghìn đời nay, xay nắm thóc. (Thép Mới)
Phần 3: Tập làm văn
1. Lý thuyết: Ôn tập văn nghị luận
– Các phép lập luận chứng minh và giải thích.
– Luận điểm và cách trình bày luận điểm trong bài văn nghị luận.
– Các yếu tố tự sự, miêu tả và biểu cảm trong văn nghị luận.
2. Thực hành:
Các kĩ năng dùng từ, đặt câu, dựng đoạn, viết bài mà em đã học, đặc biệt là kĩ năng đưa các yếu tố biểu cảm, tự sự và miêu tả vào bài văn nghị luận.
Đề 1: Dựa vào các văn bản Chiếu dời đô và Hịch tướng sĩ, hãy nêu suy nghĩ của em về vai trò của những người lãnh đạo anh minh như Lí Công Uẩn và Trần Quốc Tuấn đối với vận mệnh đất nước.
Gợi ý:
1. Mở bài: Dẫn dắt vấn đề nghị luận
2. Thân bài:
– Giải thích được thế nào là người lãnh đạo anh minh và những phẩm chất cần có của một người lãnh đạo anh minh.
– Vai trò của Lí Công Uẩn đối với sự phát triển và vận mệnh đất nước.
– Vai trò của một vị tướng lĩnh tài ba Trần Quốc Tuấn đối với vận mệnh đất nước trong chiến tranh
– Bàn luận, so sánh về hai người lãnh đạo Lí Công Uẩn và Trần Quốc Tuấn.
3. Kết bài: Khẳng định lại vai trò to lớn của những người lãnh đạo anh minh như Lí Công Uẩn và Trần Quốc Tuấn.
Đề 2: Trình bày suy nghĩ của em về vấn đề nghiện game online (trò chơi điện tử) của giới trẻ hiện nay.
Gợi ý:
1. Mở bài: Dẫn dắt, nêu vấn đề nghị luận: hiện tượng nghiện game online trong giới trẻ hiện nay
2. Thân bài:
– Giải thích game online (trò chơi điện tử) là gì?
– Biểu hiện, thực trạng của việc nghiện game online hiện nay
– Nguyên nhân dẫn đến nghiện trò chơi điện tử
– Tác hại của việc nghiện game online
– Đề xuất biện pháp khắc phục.
3. Kết bài: Khẳng định lại vấn đề cần nghị luận.
Đề 3: Bạn em chỉ thích trò chơi điện tử, truyền hình, ca nhạc, mà tỏ ra thờ ơ không quan tâm đến thiên nhiên. Em hãy chứng minh cho bạn thấy: thiên nhiên là nơi cho ta sức khỏe, hiểu biết, niềm vui vô tận; và vì thế chúng ta cần gần gũi với thiên nhiên, yêu mến thiên nhiên.
Gợi ý:
1. Mở bài: Dẫn dắt vấn đề cần nghị luận
2. Thân bài:
– Giải thích các từ ngữ trọng tâm: Thiên nhiên là gì? Sức khỏe là gì? Hiểu biết là gì?
– Đưa ra các lợi ích, vai trò của thiên nhiên đối với cuộc sống con người: Về sức khỏe, về hiểu biết, về niềm vui vô tận.
– Biện pháp bảo vệ thiên nhiên.
– Mở rộng: phê phán những hành vi sai trái làm hủy hoại thiên nhiên.
3. Kết bài: Khẳng định lại ý nghĩa của ý kiến: Thiên nhiên đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống con người.
Phần 4: Đề thi minh họa Văn 8
A. ĐỌC HIỂU : (4,0 điểm) Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu bên dưới :
Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới :
Nước bao vây, cách biển nửa ngày sông.
Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chéo, mạnh mẽ vượt trường giang.
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…
Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về.
“Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe”,
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.
Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng,
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm ;
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.
Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi,
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi,
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá !
(Ngữ văn 8, tập 2)
1. Tên của bài thơ trên là gì ? Tác giả là ai ? (1,0 điểm)
2. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong bài thơ trên là gì ? (1,0 điểm)
3. Câu thơ: “Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã” được sử dụng biện pháp tu từ nào? (1,0 điểm)
4. Nêu nội dung chính của bài thơ trên. (1,0 điểm)
B. TẬP LÀM VĂN : (6,0 điểm)
Từ bài Bàn luận về phép học của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, hãy nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa “học” và “hành”.
Đáp án đề thi minh họa học kì 2 lớp 8 môn Văn
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
A | ĐỌC HIỂU | 4,0 | |
1 |
– Tên của bài thơ : Quê hương. – Tác giả : Tế Hanh. |
0,5 0,5 |
|
2 |
Phương thức biểu đạt chính : Biểu cảm. |
1,0 |
|
3 |
Biện pháp tu từ : So sánh. |
1,0 |
|
4 |
Nội dung chính của văn bản : – Miêu tả bức tranh tươi sáng, sinh động về một làng quê miền biển, trong đó nổi bật lên hình ảnh khỏe khoắn, đầy sức sống của người dân chài và sinh hoạt lao động làng chài. – Thể hiện tình cảm quê hương trong sáng, tha thiết của nhà thơ. |
0,5 0,5 |
|
B |
LÀM VĂN |
||
Từ bài Bàn luận về phép học của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, hãy nêu suy nghĩ về mối quan hệ giữa “học” và “hành”. |
6,0 |
||
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn. |
0,5 |
||
Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề. |
|||
b. Xác định đúng luận đề. |
0,5 |
||
Mối quan hệ giữa học và hành. |
|||
c. Triển khai vấn đề nghị luận. Vận dụng tốt các phương thức nghị luận, tự sự, miêu tả, biểu cảm,… |
4,0 |
||
– Giới thiệu mối quan hệ giữa học và hành. – Giải thích : + Học là gì ? + Hành là gì ? + Vì sao học phải đi đôi với hành ? – Tầm quan trọng của việc học kết hợp với hành. – Bài học/ ý nghĩa/… rút ra. |
|||
d. Sáng tạo. |
0,5 |
||
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. |
|||
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu. |
0,5 |
||
Viết ít sai chính tả, dùng từ, đặt câu. |
|||
ĐIỂM TOÀN BÀI : I +II = 10,0 điểm |
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Đề cương ôn tập học kì 2 môn Ngữ văn lớp 8 năm 2022 – 2023 Đề cương ôn tập Văn 8 học kì 2 của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.