Đề cương ôn tập Ngữ văn 7 học kì 2 Chân trời sáng tạo là tài liệu hữu ích mà Pgdphurieng.edu.vn giới thiệu đến quý thầy cô và các bạn học sinh lớp 7 tham khảo.
Đề cương ôn thi cuối kì 2 Ngữ văn lớp 7 giới hạn nội dung ôn thi kèm theo một số câu hỏi ôn tập và đề thi minh họa. Thông qua đề cương ôn tập học kì 2 Văn 7 giúp các bạn làm quen với các dạng bài tập, nâng cao kỹ năng làm bài và rút kinh nghiệm cho bài thi học kì 2 lớp 7 sắp tới. Bên cạnh đó các bạn xem thêm đề cương ôn tập học kì 2 môn Khoa học tự nhiên 7 Chân trời sáng tạo.
Đề cương ôn tập Ngữ văn 7 học kì 2 Chân trời sáng tạo
I. Tri thức đọc hiểu văn bản
1/ Văn nghị luận
a. Khái niệm
Văn bản nghị luận về một vấn đề đời sống (nghị luận xã hội) được viết ra để bàn về một sự việc, hiện tượng có ý nghĩa đối với xã hội, hay một vấn đề thuộc lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống của con người.
b. Đặc điểm
Văn bản nghị luận về một vấn đề đời sống có những đặc điểm sau:
– Thể hiện rõ ý kiến khen, chê, đồng tình, phản đối của người viết đối với hiện tượng, vấn đề cần bàn luận.
– Trình bày những lí lẽ, bằng chứng để thuyết phục người đọc, người nghe. Bằng chứng có thể là nhân vật, sự kiện, số liệu liên quan đến vấn đề cần bàn luận.
– Ý kiến lí lẽ, bằng chứng được sắp xếp theo trình tự hợp lí.
2/ Văn bản thông tin giới thiệu một quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động:
a/ Về cấu trúc và đặc điểm hình thức
– Về cấu trúc, loại văn bản này thường có 3 phần:
Phần 1: Giới thiệu mục đích của quy trình thực hiện trò chơi hay hoạt động bằng một đoạn văn hoặc nhan đề bài viết (tên quy trình) (Ví dụ: Cách đọc sách hiệu quả…).
Phần 2: Liệt kê những gì cần chuẩn bị trước khi thực hiện trò chơi hay hoạt động.
Phần 3: Trình bày các bước cần thực hiện. Đối với trò chơi, đó là quy tắc, luật lệ, hướng dẫn cách chơi; đối với các hoạt động khác đó là thứ tự các bước thực hiện hoạt động.
Một số văn bản có thể có thêm phần giải thích sự cần thiết của mỗi bước thực hiện
– Về đặc điểm hình thức: loại văn bản này thường sử dụng các con số (1, 2, 3,…), từ ngữ chỉ thời gian (đầu tiên, tiếp theo, sau cùng,…) hoặc số từ chỉ số lượng chính xác (hai, ba,…) để giới thiệu trình tự thực hiện; từ ngữ miêu tả chi tiết cách thức hành động và một số thuật ngữ liên quan; sử dụng câu chứa nhiều động từ, cầu khiến để chỉ hành động hoặc yêu cầu thực hiện; dùng hình ảnh minh hoạ, sơ đồ chi dẫn, đề mục để tóm tắt thông tin chính; từ xưng hô ngôi thứ hai (ví dụ. bạn,..) để chỉ người đọc.
b/ Cách triển khai ý tưởng và thông tin trong văn bản thông tin.
Văn bản thông tin cỏ thể triển khai ý tưởng và thông tin theo một số cách sau: theo trật tự thời gian (trình bày thông tin theo thứ tự xuất hiện của sự vật, hiện tượng hay hoạt động); theo quan hệ nhân quá (trình bày thông tin theo quan hệ ý nghĩa nhân quả bằng một số từ ngữ như: lí do (của)…, nguyên nhân (của)…, vì, nên, do đó,…)’, theo mức độ quan trọng của thông tin (thông tin chính được ưu tiên trình bày trước hoặc được làm nổi bật bằng cách in đậm, tô màu, gạch dưới hoặc lặp đi lặp lại,…).
Khi viết, người viết có thể kết hợp nhiều cách triển khai ý tưởng và thông tin, nhưng thường chọn một cách triển khai chính để làm nổi bật thông tin. Trong văn bản thông tin giới thiệu một quy tắc hoặc luật lệ trong trò chơi hay hoạt động, người viết thường chọn cách triển khai ý tưởng và thông tin theo trật tự thời gian để làm rõ quy tắc hoặc luật lệ của trò chơi qua việc hình bày thứ tự các bước
3/ Truyện khoa học viễn tưởng
– Truyện khoa học viễn tưởng là loại truyện hư cấu về những điều diễn ra trong một thế giới giả định, dựa trên tri thức khoa học và trí tưởng tượng của tác giả. Truyện khoa học viễn tưởng có các đặc điểm như sau:
– Đề tài: đa dạng, phong phú thường gắn với các phát minh khoa học, công nghệ như: chế tạo dược liệu, khám phá đáy đại dương, du hành vũ trụ, gặp người ngoài hành tinh,…
– Cốt truyện: thường được xây dựng dựa trên các sự việc giả tưởng liên quan đến các thành tựu khoa học.
– Tình huống truyện: tác giả thường đặt nhân vật vào những hoàn cảnh đặc biệt, những khó khăn hay mâu thuẫn cần phải giải quyết trong thế giới giả tưởng.
– Sự kiện: thường trộn lẫn những sự kiện của thế giới thực tại với những sự kiện xảy ra trong thế giới giả định (quá khứ, tương lai, ngoài vũ trụ,…).
II. Tri thức tiếng Việt
1/ Liên kết trong văn bản
a. Đặc điểm và chức năng
– Liên kết là một trong những tính chất quan trọng của văn bản, có tác dụng làm cho văn bản trở lên mạch lạc, hoàn chỉnh cả về nội dung và hình thức.
– Đặc điểm của một văn bản có tính liên kết:
+ Nội dung các câu các đoạn thống nhất và gắn bó chặt chẽ với nhau.
+ Các câu các đoạn được kết nối với nhau bằng các phép liên kết phù hợp.
b. Một số phép liên kết thường dùng
+ Phép lặp từ ngữ: Lặp lại ở câu đứng sau các từ ngữ đã có ở câu trước.
+ Phép thế: Sử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ có tác dụng thay thế từ ngữ đã có ở câu trước.
+ Phép nối: Sử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ biểu thị quan hệ với câu đứng trước
+ Phép liên tưởng: Sử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ cùng trường liên tưởng với từ ngữ đã có ở câu trước
2. Nói giảm nói tránh
– Nói giảm nói tránh là biện pháp dùng cách diễn đạt tế nhị, tránh gây cảm giác quá đau buồn, ghê sợ, nặng nề; tránh thô tục, thiếu lịch sự.
Ví dụ: Cô ấy trông thật xấu xí -> Cô ấy trông không được xinh lắm
– Đặt câu có sử dụng phép nói giảm, nói tránh
3. Đặc điểm và chức năng của số từ
– Số từ là những từ chỉ số lượng và số thứ tự của sự vật.
– Khi biểu thị số lượng sự vật, số từ thường đứng trước danh từ. Số từ chỉ số lượng bao gồm: Số từ chỉ số lượng chính xác (hai, ba, bốn,…), số từ chỉ số lượng ước chừng (vài, mươi, dăm,…).
– Khi biểu thị số thứ tự của danh từ, số từ thường đứng sau danh từ (thứ hai, thứ ba,…).
+ Vd1: Hai cái răng đen nhánh lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp như hai lưỡi liềm máy làm việc.
– (Tô Hoài- Dế Mèn phiêu lưu kí)
– +Vd2: Đã dậy chưa hả trầu
– Tao hái vài lá nhé
– Cho bà và cho mẹ
– Đừng lụi đi trầu ơi
(Trần Đăng Khoa, Đánh thức trầu)
4. Các cách mở rộng thành phần chính và trạng ngữ trong câu bằng cụm từ
– Biến CN, VN và TN trong câu từ 1 từ thành 1 cụm từ.
– Biến CN, VN và TN trong câu từ cụm từ có thông tin đơn giản thành cụm từ phức tạp có những thông tin cụ thể, chi tiết hơn.
2. Tác dụng
– Tác dụng của việc mở rộng thành phần chính và trạng ngữ trong câu bằng cụm từ: làm cho thông tin của câu trở nên chi tiết, rõ ràng.
III. Tạo lập văn bản
1/ Bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống
* Bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống thuộc thể nghị luận xã hội. Trong đó, người viết đưa ra kiến của mình về một vấn đề gợi ra từ các hiện tượng, sự việc trong đời sống, hoặc một vấn đề thuộc về lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống của con người.
*Yêu cầu đối với kiểu bài:
– Nêu được vấn đề cần bàn luận
– Trình bày được ý kiến tán thành, phản đối của người viết với vấn đề cần bàn luận
– Đưa ra lí lẽ, bằng chứng xác thực, đa dạng để làm sáng tỏ cho ý kiến
*Bố cục bài viết cần đảm bảo:
Mở bài: giới thiệu được vấn đề cần bàn luận và thể hiện rõ ràng kiến của người viết về vấn đề ấy
Thân bài: giải thích vấn đề cần bàn luận; đưa ra được ít nhất hai lí lẽ cụ thể để lí giải cho ý kiến của người viết; sắp xếp các lí lẽ, bằng chứng theo trình tự hợp lí, đưa ra được bằng chứng đa dạng cụ thể, tiêu biểu, xác thực để làm sáng tỏ lí lẽ, xem xét vấn đề từ nhiều phía để nội dung bài viết được toàn diện
Kết bài: khẳng định lại kiến và đưa ra bài học nhận thức và phương hướng hành động.
IV. Đề thi minh họa học kì 2 Văn 7
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
Mỗi chúng ta đều giống một đoá hoa. Có những bông hoa lớn và cũng có những bông hoa nhỏ, có những bông hoa nở sớm và những bông nở muộn, có những đoá hoa rực rỡ sắc màu được bày bán ở những cửa hàng lớn, cũng có những đoá hoa đơn sắc kết thúc “đời hoa” bên vệ đường. Sứ mệnh của hoa là nở. Cho dù không có những ưu thế để như nhiều loài hoa khác cho dù được đặt ở bất cứ đâu, thì cũng hãy bừng nở rực rỡ, bung ra những nét đẹp mà chỉ riêng ta mới có thể mang đến cho đời.
[…]
Hãy bung nở đoá hoa của riêng mình dù có được gieo mầm ở bất cứ đâu.
(Kazuko Watanabe, Mình là nắng việc của mình là chói chang, Vũ Thuỳ Linh dịch, NXB Thế giới, 2018)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Câu 2. Xác định câu chủ đề của đoạn trích.
Câu 3. Xác định các số từ và nói rõ chức năng của số từ trong đoạn trích
Câu 4. Chỉ ra các phép liên kết và từ ngữ thực hiện phép liên kết được sử dụng trong đoạn trích
Câu 5. Trong đoạn trích, người viết so sánh ta giống hình ảnh nào?
Câu 6. Em hiểu như thế nào về ý nghĩa của câu: “Hãy bừng nở đóa hoa của riêng mình dù có được gieo mầm ở bất cứ đâu”.
Câu 7. Nhận xét về cách trình bày đoạn của tác giả trong đoạn trích trên.
Câu 8. Qua nội dung của đoạn văn trên, em rút ra bài học gì cho bản thân?
Câu 9. Em có đồng tình với suy nghĩ của tác giả: “Mỗi chúng ta đều giống một đóa hoa” không? Vì sao?
…………
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Đề cương ôn tập học kì 2 môn Ngữ văn 7 sách Chân trời sáng tạo Ôn tập học kì 2 Văn 7 năm 2022 – 2023 của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.