Bạn đang xem bài viết Đau thần kinh tọa là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Đau thần kinh tọa là bệnh lý khá phổ biến ở độ tuổi 30 – 50, liên quan đến quá trình lao động thể chất với tỉ lệ nam giới nhiều hơn nữ giới. Cùng Nhà thuốc An Khang tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị đau thần kinh tọa qua bài viết này nhé!
Đau thần kinh tọa là gì?
Đau thần kinh tọa (sciatica pain) còn được gọi là đau thần kinh hông to, với đặc trưng là cảm giác đau dọc theo đường đi của thần kinh tọa, đau tại cột sống thắt lưng lan tới hông, mông, vùng đùi và xuống hai chân.
Tuy nhiên, tùy theo vị trí tổn thương trên dây thần kinh, nguyên nhân gây bệnh mà hướng lan của cơn đau và các biểu hiện kèm theo có thể khác nhau.
Đau thần kinh tọa là tình trạng đau dọc theo đường đi của thần kinh tọa
Triệu chứng của bệnh đau thần kinh tọa
Thời điểm xuất hiện cơn đau
Đau thường đột ngột xuất hiện sau gắng sức hoặc sang chấn thương vùng thắt lưng.
Vị trí đau
Đau dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa, bắt đầu từ cột sống thắt lưng lan tới hông, mông, vùng đùi, cẳng chân và tận ở các ngón chân. Cụ thể như:
- Tổn thương rễ L4: người bệnh sẽ đau đến khoeo chân (vị trí phía sau khớp gối).
- Tổn thương rễ L5: triệu chứng đau lan tới mu bàn chân tận hết ở ngón chân cái (ngón I).
- Tổn thương rễ S1: đau lan tới lòng bàn chân tận hết ở ngón V (ngón út).
- Một số trường hợp không đau cột sống thắt lưng, chỉ đau dọc chân.
Tính chất đau thần kinh tọa
Có thể đau liên tục, kéo dài hoặc đau thành từng cơn. Cảm thấy đau hơn khi hoạt động mạnh như ho, hắt hơi,… và giảm khi nghỉ ngơi. Ban đêm thường có xu hướng đau nặng hơn.
Triệu chứng kèm theo
- Cứng và đau cột sống dẫn đến khó khăn khi cúi xuống, khó kiễng chân hay khó đứng trên đầu ngón chân.
- Tê bì, nóng hoặc cảm giác kiến bò, đau rát như dao đâm.
- Nếu bệnh nặng có thể mất cảm giác ở chân, teo cơ hoặc bí đại tiểu tiện,…
Triệu chứng của bệnh đau thần kinh tọa rất dễ nhận thấy
Nguyên nhân gây đau thần kinh tọa
Nguyên nhân thường gặp nhất là tổn thương rễ thần kinh, tiếp đến là tổn thương dây và đám rối thần kinh thắt lưng. Ngoài ra, đau thần kinh tọa có thể do nhiễm trùng hoặc do sự chèn ép từ các tổ chức lân cận. Các nguyên nhân cự thể như:
- Thoát vị đĩa đệm: là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến chèn ép rễ thần kinh toạ (hay xuất hiện ở đĩa đệm L4-L5 hoặc L5-S1) tạo gây ra cơn đau.
- Hẹp ống sống: thường gặp ở người trên 60 tuổi, do thoái hóa khớp dẫn đến sự thu hẹp của ống tủy sống, gây áp lực lên rễ dây thần kinh hông.
- Khối u cột sống: khối u có thể phát triển bên trong, dọc theo cột sống hoặc trên dây thần kinh, chèn ép vào dây thần kinh khiến người bệnh đau dọc theo đường đi của thần kinh tọa.
- Viêm cơ, nhiễm trùng hoặc gãy xương chèn ép dây thần kinh tọa gây đau.
- Do làm việc trong tư thế không đúng, không thoải mái: thường rung sốc như lái xe hoặc mang vác nặng cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh đau dây thần kinh tọa.
Ngồi sai tư thế có thể là nguyên nhân dẫn đến đau thần kinh tọa
Biến chứng nguy hiểm
- Mất cảm giác ở chân: nếu đau kéo dài không được điều trị hoặc mức độ chèn ép dây thần kinh tọa nhiều có thể gây tổn thương sợi cảm giác của thần kinh tọa dẫn đến mất cảm giác hoàn toàn ở chân bên có chèn ép.
- Yếu liệt chân: đau thần kinh tọa làm giảm nuôi dưỡng các cơ vùng chân kèm theo sự hạn chế vận động để giảm đau. Lâu dần có thể dẫn đến teo cơ đùi, cẳng chân, bàn chân khiến việc đi lại yếu đi rõ rệt.
- Mất kiểm soát ruột hoặc bàng quang: một số trường hợp đau thần kinh tọa nặng có thể gây giảm nhu động ruột là bụng chướng, ăn uống khó tiêu, táo bón hoặc giãn cơ bàng quang gây bí tiểu,…
Mất cảm giác ở chân là biến chứng của đau thần kinh tọa
Các nghiệm pháp thăm khám trong chẩn đoán đau thần kinh tọa
- Hệ thống điểm đau Valleix: bác sĩ sẽ thăm khám thông qua việc ấn vào các điểm trên đường đi của dây thần kinh tọa từ ngang mức điểm đau đến mông, đùi, cẳng chân và mắt cá ngoài. Nếu nghiệm pháp này dương tính sẽ có ý nghĩa trong chẩn đoán bệnh.
- Dấu hiệu Lasegue dương tính: bác sĩ thực hiện động tác nhấc chân người bệnh về phía bụng. Bình thường, người bệnh có thể nhấc chân đến 90 độ mà không cảm thấy đau đớn, nếu thấy đau khi mới nhấc chân được dưới 70 độ chứng tỏ có tổn thương thần kinh tọa.
- Dấu hiệu gân xương: các phản xạ gân bánh chè hoặc gân gót cũng đem lại giá trị cho chẩn đoán bệnh. Đồng thời, giúp bác sĩ chẩn đoán phân biệt với các tổn thương khác của thần kinh trung ương.
Nghiệm pháp Lasegue giúp chẩn đoán đau thần kinh tọa
Cận lâm sàng chẩn đoán bệnh
- Các xét nghiệm huyết học và sinh hóa thông thường: kết quả công thức máu, máu lắng và chỉ số CRP sẽ giúp loại trừ nguyên nhân đau thần kinh tọa do viêm nhiễm hoặc bệnh ác tính như ung thư.
- Chụp X-quang: thường sử dụng phim chụp X – quang cột sống thắt lưng để đánh giá các biến dạng của cột sống, mức độ thoái hóa hoặc chèn ép lên thần kinh tọa.
- Chụp cộng hưởng từ: là phương pháp cận lâm sàng giúp phát hiện thoát vị đĩa đệm cột sống, hẹp ống tủy, các khối u hoặc viêm nhiễm quanh dây thần kinh tọa,…
- Chụp CT: hay chụp cắt lớp vi tính đốt sống thắt lưng, thường có giá trị trong chẩn đoán đau thần kinh tọa do xẹp hoặc chấn thương đốt sống.
- Điện cơ đồ (EMG): đo các xung điện phát ra từ thần kinh tọa kích thích các cơ vùng chân bên tổn thương. Từ đó, giúp bác sĩ đánh giá được mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Chụp X-quang có thể giúp bác sĩ chẩn đoán đau thần kinh tọa
Khi nào cần gặp bác sĩ
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Một số trường hợp đau thần kinh tọa nhẹ có thể tự khỏi sau khi hạn chế vận động và nghỉ ngơi tại nhà. Tuy nhiên, nếu mức độ đau tăng hoặc kéo dài thì người bệnh cần đến gặp bác sĩ sớm để hạn chế biến chứng xảy ra. Cụ thể là:
- Đau thần kinh tọa kéo dài trên 1 tuần, không thuyên giảm dù đã nghỉ ngơi.
- Đau tăng dần, dữ dội.
- Đau kèm theo tê bì, mất cảm giác hoặc chân bên tổn thương yếu dần.
- Có rối loạn đại tiểu tiện.
Nếu triệu chứng đau chân kéo dài người bệnh cần đến khám bác sĩ
Nơi khám chữa đau thần kinh tọa
- Tp. Hồ Chí Minh: BV Chợ Rẫy, BV Đại học Y dược TP. HCM, BV Thống Nhất,…
- Hà Nội: BV Hữu Nghị Việt Đức, khoa Thần kinh – BV Bạch Mai, BV Quân đội Trung Ương 108,…
Nơi khám chữa đau thần kinh tọa uy tín
Các phương pháp chữa bệnh đau thần kinh tọa
Dùng thuốc
Đau thần kinh tọa mức độ nhẹ hoặc vừa có thể điều trị nội khoa bằng thuốc dưới sự kê đơn của bác sĩ như:
- Thuốc chống viêm không steroid: diclofenac, piroxicam, celecoxib,…
- Thuốc giảm đau: paracetamol, tramadol hydrochlorid,…
- Thuốc giãn cơ: tolperison, esperison,…
- Thuốc giảm đau thần kinh: thường là những thuốc có tác dụng điều trị động kinh như phenytoin, carbamazepin, gabapentin,…
- Thuốc chống trầm cảm.
- Thuốc corticoid: có thể dùng đường uống hoặc tiêm vào khớp.
Có thể dùng thuốc để điều trị đau thần kinh tọa
Vật lý trị liệu
Các phương pháp vật lý trị liệu có tác dụng điều trị đau thần kinh tọa bao gồm chườm nóng, siêu âm, tác động kéo giãn cột sống hoặc các liệu pháp y học cổ truyền (châm cứu, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt,…)
Vật lý trị liệu giúp chữa đau thần kinh tọa
Tiêm ngoài màng cứng hoặc tiêm cạnh sống
Trong một số trường hợp có thể tiêm hydrocortison acetat (một loại thuốc steroid) vào mô mềm xung quanh vùng đau, rễ thần kinh hoặc tiêm ngoài màng cứng nhằm giảm đau do chèn ép rễ thần kinh với hiệu quả tương đối ngắn.
Tuy nhiên, đây là kỹ thuật chuyên sâu nên cần được chỉ định và thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa, người bệnh không được phép tự ý tiêm để tránh biến chứng nguy hiểm.
Tiêm ngoài màng cứng giúp giảm đau thần kinh tọa
Phẫu thuật
Phẫu thuật điều trị đau thần kinh tọa thường được chỉ định trong trường hợp thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống gây hẹp ống sống, xuất hiện các biến chứng về tiêu hóa và tiểu tiện hoặc cố định cột sống trong chấn thương,…
Phẫu thuật để điều trị đau thần kinh tọa
Biện pháp phòng ngừa
Cách phòng ngừa đau thần kinh tọa hiệu quả nhất là hạn chế sự gia tăng áp lực lên vùng đốt sống thắt lưng, giảm chèn ép rễ thần kinh. Một số biện pháp phòng ngừa bạn có thể áp dùng tại nhà như:
- Tập thể dục thể thao: giúp tăng cường sự săn chắc của các khối cơ lưng khiến cho cuộc sống được cố định tốt hơn, linh hoạt hơn. Bạn có thể tham gia tập bơi, đạp xe, chơi bóng đá, cầu lông,…
- Ngồi làm việc đúng tư thế: nên ngồi thẳng lưng, tránh gù vẹo cột sống. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng một chiếc gối nhỏ đặt sau lưng để duy trì đường cong sinh lý của cột sống và thường xuyên đứng dậy đi lại, tránh ngồi quá lâu.
- Hạn chế khuân vác nặng: giúp giảm áp lực lên cột sống cũng như hạn chế chấn thương gây đau thần kinh tọa. Nếu công việc đòi hỏi phải khuân vác thường xuyên thì lên tập các khuân vác vật nặng đúng cách.
Khuân vác nặng đúng cách giúp tránh đau thần kinh tọa
- Đau lưng
- 11 cách chữa đau lưng tại nhà hiệu quả dân văn phòng nên biết
- Đau cổ gáy là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị dứt điểm
Nhà thuốc An Khang hi vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh lý đau thần kinh tọa, cách điều trị và dự phòng bệnh. Hãy chia sẻ thông tin cho người thân và bạn bè xung quanh bạn nhé!
Nguồn: Mayo Clinic, Cleveland Clinic, NHS, WebMD.
Thạc sĩ Phạm Nguyên Bình
Bệnh viện Nhân Dân 115
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Đau thần kinh tọa là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.