Bạn đang xem bài viết Đau đầu tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Đau đầu là gì?
Đau đầu hay còn gọi là chứng đau đầu hay nhức đầu.
Tất cả các cấu trúc cảm giác của hệ thần kinh trong hoặc ngoài sọ đều có thể sinh đau khi bị kích thích. Nguyên nhân các kích thích có thể là những quá trình viêm nhiễm, sự xâm lấn của khối u, thiếu máu, các quá trình bệnh lý gây xoắn vặn, giãn căng hoặc phù nề quanh các mạch máu …
Triệu chứng đau đầu
Biểu hiện đau đầu rất đa dạng, cần xem xét các yếu tố như: hoàn cảnh khởi phát, cách khởi phát, vị trí đau đầu, thời gian kéo dài cơn đau, tần số và chu kỳ, cường độ đau, các yếu tố gây tăng hoặc giảm đau đầu. Việc xác định tính chất cơn đau đầu giúp gợi ý tìm nguyên nhân dễ dàng hơn.
Đau đầu nếu kèm theo một số triệu chứng sau cần nhanh chóng đi khám bệnh:
– Co giật.
– Buồn nôn, nôn/nôn vọt.
– Bất thường về thần kinh, yếu liệt ½ người.
– Sốt.
Chẩn đoán:
Triệu chứng đau đầu là cảm giác chủ quan và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau cho nên việc thăm khám bệnh nhân đau đầu nhằm mục đích phát hiện các triệu chứng kèm theo, tránh bỏ sót triệu chứng của những bệnh thực thể và để tìm nguyên nhân đau đầu.
Có nhiều xét nghiệm chẩn đoán bổ trợ được ứng dụng cho việc thăm khám bệnh nhân đau đầu. Tuy nhiên tuỳ từng trường hợp cụ thể, tuỳ từng đặc tính bệnh học của các quá trình bệnh lý mà người thầy thuốc cần lựa chọn phương pháp thích hợp như: chụp cắt lớp vi tính sọ não (CT Scan), chụp cộng hưởng từ (MRI), XQ cột sống cổ, đo điện cơ, xét nghiệm dịch não tuỷ…
Nguyên nhân gây đau đầu
Có 2 loại đầu đầu: Đau đầu nguyên phát và đau đầu thứ phát.
Đau đầu nguyên phát thường có liên quan đến các yếu tố môi trường, vật lý, gắng sức hoặc tâm lý mà không phải là biểu hiện của một bệnh lý khác.
Đau đầu thứ phát là biểu hiện của rối loạn sinh lý hoặc bệnh lý khác như:
– Tăng áp lực nội sọ do u não, áp xe não, tụ máu dưới màng cứng, phù não, giả u não.
– Viêm màng não, viêm não, viêm động mạch thái dương.
– Đau nhức vùng hốc mắt, cườm nước (tăng nhãn áp).
– Đau dây thần kinh tam thoa.
– Viêm cột sống cổ, viêm xương khớp đốt sống cổ, hội chứng khớp thái dương hàm.
– Do sử dụng thuốc giãn mạch, nitrat, nitrit, mononatri glutamat, caffein, thuốc phiện, rượu.
Điều trị đau đầu
Để điều trị hiệu quả đau đầu cần xác định loại đau đầu và nguyên nhân.
Nghỉ ngơi cơ thể và tinh thần là biện pháp cần thiết trong mọi trường hợp đau đầu.
Có thể cần sử dụng các thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAIDs) như ibuprofen, meloxicam…hoặc thuốc giảm đau như paracetamol, thuốc đau nửa đầu, thuốc chống nôn.
Không nên dùng paracetamol quá 3 g/ngày và kéo dài quá 10 ngày đối với người lớn và quá 5 ngày đối với trẻ em nếu không có chỉ định của bác sĩ. Sử dụng paracetamol liều cao kéo dài hoặc sử dụng paracetamol chung với rượu có thể gây tổn thương gan nặng.
Phương pháp điều trị vật lý trị liệu thường có thể làm giảm cơn đau.
Châm cứu có thể được sử dụng trong điều trị cơn đau và có tác dụng trong một số trường hợp.
Phòng ngừa đau đầu
Đối với trường hợp đau đầu nguyên phát, có thể áp dụng các biện pháp sau:
– Nếu đau đầu do phải chịu nhiều áp lực trong cuộc sống thì nên:
+ Dành thời gian thư giãn mỗi ngày, giảm stress.
+ Làm việc trong điều kiện đủ sáng, thoáng mát.
+ Hạn chế các loại thực phẩm như phô mai, hạt dẻ, chocolate, rượu vang đỏ hay có chứa caffein.
– Nếu đau đầu do xoang xảy ra khi trời lạnh, do dị ứng gây viêm đường hô hấp hay nhiễm trùng đường hô hấp thì cần:
+ Giữ ấm khi trời lạnh.
+ Tránh tiếp xúc với các tác nhân thường gây dị ứng như hạt phấn, bụi bặm, khói thuốc và các mùi nặng.
+ Nếu bị nghẹt mũi có thể dùng thuốc chống tụ huyết ở mũi giúp giảm viêm và nghẹt mũi, chườm ấm quanh mũi, uống nhiều nước.
Đối với trường hợp đau đầu thứ phát thì cần điều trị dứt hẳn bệnh lý gây ra triệu chứng đau đầu và tham khảo ý kiến bác sĩ nếu đang sử dụng các thuốc gây tác dụng không mong muốn là đau đầu.
Xem thêm: Khi bị đau đầu bạn nên làm gì?
Đau đầu có thể kèm đau cổ, chóng mặt, buồn nôn, nôn…
Đau đầu nguyên phát thường có liên quan đến các yếu tố môi trường, vật lý, gắng sức hoặc tâm lý mà không phải là biểu hiện của một bệnh lý khác như đau đầu thứ phát.
Để điều trị hiệu quả đau đầu cần xác định loại đau đầu và nguyên nhân.
Thư giãn, tránh tiếp xúc với các tác nhân dễ gây dị ứng, giữ ấm khi trời lạnh…có thể có ích để phòng ngừa đau đầu nguyên phát.
(Hình ảnh tổng hợp từ alobacsi, baonhanp47, wiki, google…)
Thạc sĩ Phạm Nguyên Bình
Bệnh viện Nhân Dân 115
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Đau đầu tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.