Một nhóm nhà hải dương học đến từ Đại học Washington, Đại học Stanford và công ty Lindblad Expeditions nghiên cứu video và ảnh chụp bởi hành khách trên tàu Endurance để tìm hiểu nhiều hơn về cá voi và công bố phát hiện hôm 20/2 trên tạp chí Ecology. Hành khách và thủy thủ đoàn cho biết khi tàu di chuyển về phía bắc đảo Coronation, vùng biển quanh họ trở nên náo động với tiếng phun nước của cá voi. Theo họ, có quá nhiều cá voi đến mức không khí trở nên ẩm ướt do lượng nước mà chúng phun ra.
Tất cả cá voi trong đàn đều là cá voi tấm sừng hàm, giúp lý giải tại sao nhiều con tụ tập cùng một chỗ. Vùng biển này rất giàu tôm krill, nguồn thức ăn chính của nhiều loài cá voi, bao gồm cá voi vây.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy phần lớn là cá voi vây, loài lớn thứ hai trên thế giới, chỉ xếp sau cá voi xanh với cân nặng trung bình 80 tấn. Những nhân chứng còn bắt gặp vài con cá voi lưng gù và cá voi xanh quanh quẩn gần đó. Các nhà nghiên cứu ước tính toàn bộ đàn cá voi bao gồm 830 – 1.153 thành viên. Đây là đàn cá voi lớn nhất mà họ từng thấy từ cuối thế kỷ 20.
Theo nhóm chuyên gia, đàn cá voi lớn như vậy cực kỳ hiếm gặp bởi số lượng cá voi đang giảm dần, trong đó lượng cá voi vây chỉ bằng 2% so với cách đây nhiều thế kỷ. Chúng nằm trong danh mục dễ bị tổn thương tới tuyệt chủng trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế. Do đó việc tìm thấy nhiều cá voi như vậy ở một chỗ là phát hiện rất đáng khích lệ.
An Khang (Theo Phys.org)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/dan-ca-voi-vay-nghin-con-tu-tap-san-tom-4573874.html