Kết thúc buổi dạy cuối cùng trước lúc nghỉ Tết hôm 17/1, thầy Chu Quang Đức, 39 tuổi, dặn dò học sinh và chúc Tết các em cùng gia đình. Thầy kể, cả lớp xúm lại, bảo nhau khiêng thầy cùng xe lăn xuống tầng một. Một nhóm khác xách cặp đựng máy tính giúp thầy. Đó là hình ảnh quen thuộc ở trường THPT Mê Linh (Hà Nội) nhiều năm qua.
Hai buổi một tuần, thoáng thấy thầy Đức được người nhà đưa đến trường, học sinh lại ra hỗ trợ thầy. Người thầy cao chưa đầy 1,2 m, nặng 25 kg nhỏ bé giữa vòng vây của học trò. “Tôi hạnh phúc trước tình cảm các em dành cho tôi. Nhiều hôm các em nữ còn xung phong đẩy xe, khênh thầy lên lớp và còn dặn ‘thầy yên tâm, hãy tin vào chúng em'”, thầy Đức chia sẻ.
Anh Đức sinh ra trong gia đình có 5 người con ở xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh. Bị ảnh hưởng chất độc da cam từ người cha từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam, cậu bé Đức cảm nhận sự khác biệt với những người bạn trong xóm từ khi còn nhỏ. Các bạn lớn lên biết chạy nhảy, nô đùa, còn Đức, tay, chân bị co cứng, không đi lại được, cơ thể không phát triển bình thường. Thời thơ ấu của Đức là chuỗi ngày được gia đình đưa đi chữa bệnh khắp nơi.
Anh Đức nói từng trải qua những năm tháng tự ti và luôn tự hỏi tại sao bạn bè đi được còn mình phải ngồi xe lăn. Trong lúc tuyệt vọng và bế tắc, anh mong muốn được đi học để vượt qua nghịch cảnh và thay đổi cuộc đời mình. Năm 10 tuổi, anh được đến trường. Với anh, đi học là bước ngoặt của cuộc đời. “Trong đầu tôi khi ấy chỉ có câu ‘tồn tại hay không tồn tại’. Chọn tồn tại thì chỉ còn cách bước qua mặc cảm để ra xã hội”, anh Đức nhớ lại.
Ngày đó, bố là người đồng hành, là đôi chân đưa anh đi học. Đi học muộn so với các bạn cùng trang lứa, hay bị bạn bè trêu chọc nhưng anh không xem đó là trở ngại mà càng tập trung vào việc học.
Những ngày đầu đến lớp, đôi bàn tay nhỏ xíu, ngắn ngủn khiến việc điều khiển bút trở nên khó nhọc. Ở lớp, anh chủ yếu dùng khả năng nghe và hiểu, rồi mượn vở bạn bè về chép lại. Bài nào khó, anh đọc đi đọc lại nhiều lần. Nhờ nỗ lực và kiên trì, suốt những năm tiểu học và cấp 2, anh Đức luôn đạt học sinh giỏi.
Trở thành thầy giáo là mong muốn từ nhỏ của anh Đức. Học xong cấp ba, anh thi đỗ ngành Toán – Tin của trường Đại học Sư phạm 2. “Ngành này là lĩnh vực mới. Được tiếp xúc với máy tính, tôi sẽ có góc nhìn đa chiều hơn về cuộc sống. Máy tính cũng giúp ích cho bất kỳ công việc nào sau này”, anh Đức nhận định.
Lên đại học, bố tiếp tục cùng anh đến trường. Bố con anh thuê trọ gần trường để tiện đi lại. Thời gian đầu, bố đẩy xe lăn đưa anh đến lớp. Khi đã quen, bạn bè cùng lớp hàng ngày đến đón và khênh anh lên phòng học tầng 4. Anh Đức cho hay thay vì thu mình trong sự tự ti, anh mở lòng đón nhận sự hỗ trợ của mọi người. “Những việc không thể tự làm, tôi sẽ nhờ bạn bè và người xung quanh giúp đỡ. Tôi vui vẻ, thành thật với mọi người và nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ họ”, anh Đức nói.
Tốt nghiệp đại học năm 2009, anh Đức từng có thời gian mở lớp dạy thêm ở nhà, trước khi được nhận vào làm giáo viên dạy Tin học ở trường THPT Mê Linh, ngôi trường anh học năm xưa. Với anh, được trở về trường cũ làm việc là một cơ duyên. “Tôi được trở lại môi trường quen thuộc với thầy cô giáo cũ, các em học sinh đều đã biết sau những lần tôi về kiến tập, thực tập sư phạm. Tôi cảm thấy thoải mái”, thầy Đức chia sẻ.
Thầy Nguyễn Duy Chung, Hiệu trưởng trường THPT Mê Linh, là thầy giáo cũ của anh Đức, nhớ như in hình ảnh cậu học trò ngồi xe lăn nhưng có nghị lực phi thường và học lực tốt. Khi trở thành đồng nghiệp ở trường, thầy Chung đánh giá cao tâm huyết với công việc, sự tận tình với học sinh và hòa đồng với đồng nghiệp của thầy Đức. “Học sinh và đồng nghiệp ở trường rất yêu quý thầy Đức. Học trò lúc nào cũng tíu tít khi gặp thầy”, thầy Chung cho biết.
Theo thầy hiệu trưởng, thấy thầy Đức di chuyển khó khăn, nhà trường tạo điều kiện cho dạy ít lớp nhưng thầy muốn được phân công như các giáo viên khác.
Ra trường đã hai năm nhưng Phạm Phương Chi, sinh viên năm thứ hai trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, vẫn luôn nhớ đến người thầy truyền cảm hứng và nghị lực sống cho em. Chi nói điều khiến em thích nhất trong cách dạy của thầy Đức là luôn thúc đẩy tinh thần tự học của học sinh. “Giờ học của thầy Đức luôn vui vẻ, thoải mái. Tấm gương của thầy nhắc nhở chúng em phải biết quý trọng cuộc sống và luôn cố gắng”, Chi nói.
Sinh ra trong gia đình cách mạng, thầy Đức được thừa hưởng tinh thần lạc quan, không dễ bỏ cuộc. Lúc nhỏ, anh luôn tâm niệm câu nói “tồn tại hay không tồn tại”, còn khi trưởng thành, anh ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ “thương binh tàn nhưng không phế”. “Tàn tật nhưng không có nghĩa là bỏ đi. Tôi vẫn còn bộ não và khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ”, anh nói, cho biết hiện đã học xong thạc sĩ ngành Khoa học Máy tính và có thể học lên tiến sĩ.
Bình Minh
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/dam-me-day-hoc-cua-thay-giao-cao-1-2-m-4561847.html