Chiều 31/1, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia TP HCM, cho biết cấu trúc đề thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm, thời gian làm bài 150 phút, tính theo thang điểm 1.200, với ba phần thi: Sử dụng ngôn ngữ; Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu; Giải quyết vấn đề.
“Cấu trúc, độ khó đều giữ nguyên như các năm trước. Mẫu đề thi năm 2023 mang tính chất làm mới, cập nhật các thông tin, dữ liệu câu hỏi”, ông Chính nói.
Đề thi mẫu đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP HCM
Năm nay, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM được tổ chức hai đợt, vào ngày 26/3 và 28/5. Trong đó, đợt 1 mở cổng đăng ký từ ngày 1 đến 26/2, đợt 2 từ ngày 5 đến 28/4. Lệ phí thi là 300.000 đồng một lượt, tăng 100.000 đồng so với năm ngoái.
Đợt thi đầu tiên diễn ra tại 21 địa phương, gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Thuận, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang và Bạc Liêu. Kết quả được công bố vào ngày 4/4.
Năm 2022, hơn 95.000 thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM. Gần 100 trường đại học, học viện dùng kết quả này để xét tuyển.
Đến nay, 7 đơn vị đã thông báo tổ chức thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để xét tuyển đầu vào là trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Ngân hàng TP HCM, trường Đại học Sư phạm TP HCM, Bộ Công an.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, các trường dành hơn 30.000 chỉ tiêu xét tuyển từ điểm của các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Tỷ lệ nhập học theo phương thức này chiếm khoảng 2% tổng số thí sinh nhập học của tất cả phương thức.
Nhật Lệ
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/dai-hoc-quoc-gia-tp-hcm-cong-bo-de-mau-thi-danh-gia-nang-luc-2023-4565253.html