Giữa tháng 1, trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (còn gọi là trường Đại học Việt – Pháp) công bố phương án tuyển sinh năm 2023. Ba phương thức tuyển sinh được giữ ổn định như năm ngoái, gồm xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực do trường tổ chức, xét tuyển thẳng theo đề án riêng, sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT 2023.
Trong đó, phương án xét tuyển thẳng áp dụng với thí sinh có kết quả học tập năm lớp 11, 12 đạt loại Giỏi và điểm trung bình chung năm môn tự nhiên Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin đạt 8,8 trở lên (không áp dụng đối với ngành Kỹ thuật hàng không). Ngoài ra, trường tuyển thẳng các thí sinh đoạt giải tỉnh, quốc gia, quốc tế năm môn kể trên và các giải khoa học kỹ thuật.
Với hai phương thức còn lại, trường tổ chức ba đợt xét tuyển. Đợt 1 và 2, trường xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực, diễn ra trước kỳ thi tốt nghiệp. Để tham dự kỳ thi, thí sinh phải có điểm trung bình lớp 11 và 12 các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học từ 6,5 trở lên, thời gian nộp hồ sơ lần lượt từ 13/2 và 1/5. Với đợt 3, trường xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, dự kiến vào tháng 7. Với các chương trình song bằng, trường yêu cầu thêm chứng chỉ IELTS 6.0 hoặc TOEFL iBT 60 trở lên.
Ở cả 3 đợt, sau khi đủ các điều kiện nói trên, thí sinh sẽ vào vòng phỏng vấn trực tiếp.
*Xem các ngành của trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội
Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết bài thi riêng tập trung vào kiến thức nền tảng, nội dung cốt lõi liên quan đến ngành ứng tuyển. Mỗi ngành sẽ có tổ hợp các môn đánh giá khác nhau, cụ thể:
Thời gian thi đánh giá năng lực là ngày 11-12/3 (đợt 1) và 27-28/5 (đợt 2).
Với vòng phỏng vấn, thí sinh có thể chọn phỏng vấn bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt, riêng chương trình song bằng bắt buộc sử dụng tiếng Anh. “Kỳ phỏng vấn nhằm đánh giá năng lực, nguyện vọng học tập và sự phù hợp với các chương trình của thí sinh”, trường cho biết.
Hiện, trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội chưa công bố mức phân bổ chỉ tiêu cho từng phương thức. Năm ngoái, ngành Công nghệ thông tin – Truyền thông của USTH lấy điểm chuẩn cao nhất với 25,75 điểm, đứng thứ hai là Khoa học dữ liệu với 24,65. Điểm chuẩn thấp nhất là ngành Khoa học và Công nghệ thực phẩm và Khoa học Môi trường ứng dụng – 22 điểm.
Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội nằm trong đề án xây dựng bốn trường đại học công lập xuất sắc, đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam. Trường được thành lập năm 2009 theo thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Pháp, với vốn vay 190 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển châu Á. Năm học 2023-2024, học phí dự kiến của trường dao động 50-100 triệu đồng (với sinh viên Việt Nam), và 95-140 triệu đồng (sinh viên quốc tế). Trong đó, ngành Kỹ thuật Hàng không có học phí cao nhất, sau đó là chương trình song bằng (75-95 triệu đồng).
Tính đến tháng 1/2023, bảy kỳ thi riêng đã được công bố, do Đại học Quốc gia Hà Nội, TP HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trường Đại học Ngân hàng TP HCM, trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội và Bộ Công an tổ chức.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, các trường dành hơn 30.000 chỉ tiêu xét tuyển từ điểm của các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Tỷ lệ nhập học theo phương thức này chiếm khoảng 2% tổng số thí sinh nhập học của tất cả các phương thức.
Thanh Hằng
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/dai-hoc-khoa-hoc-va-cong-nghe-ha-noi-tang-chi-tieu-tuyen-sinh-4564179.html