Nghiên cứu về giáo dục nông thôn ở Trung Quốc, giáo sư Wang Zhaoxin, trường Đại học Luật và Khoa học Chính trị, thuộc Đại học Sư phạm Chiết Giang, cho rằng khi mọi sự chú ý đổ dồn vào kỳ thi đại học (gaokao), tương lai của học sinh được quyết định bằng việc em đó học ở lớp nào từ bậc phổ thông.
Theo ông Wang, hầu hết trường THCS và THPT ở nông thôn Trung Quốc chia học sinh vào các lớp dựa trên kết quả học và khả năng nhận thức. Hồi đi học, trường của ông có lớp danh dự và lớp thường. Khi tiếp xúc với GenZ (thế hệ sinh năm 1997 trở về sau) tại các trường đại học hàng đầu, Wang được biết các trường trung học hiện nay chia lớp học thành ba cấp độ: lớp danh dự dành cho học sinh xuất sắc, lớp thử nghiệm dành cho học sinh trung bình, còn lớp thường cho những em có điểm thấp nhất.
Xu, 21 tuổi, một sinh viên xuất thân từ nông thôn, cho biết tất cả học sinh ở lớp danh dự trong trường cấp hai của cô đều trúng tuyển trường phổ thông và đại học danh tiếng. Trong khi đó, học sinh lớp thường và thử nghiệm thường học nghề.
“Hai lớp danh dự ở trường tôi tạo ra môi trường học tập thực sự tốt. Tuy nhiên, trường ít quan tâm đến các lớp khác và phụ huynh cũng vậy. Khi không được quan tâm và giám sát chặt chẽ, học sinh lớp thường và lớp thử nghiệm ‘như một đám đông hỗn độn, thích đánh nhau, hút thuốc, uống rượu'”, Xu nói.
Phân chia lớp học là thực tế phổ biến ở nông thôn ở Trung Quốc. Vì thiếu vốn cho giáo dục nên chính quyền thường tập trung nguồn lực cho các lớp tốt nhất hoặc những trường trọng điểm. Những trường này lại thu hút ngày càng đông học sinh giỏi, từ đó mang lại nguồn tài trợ và tài nguyên giáo dục cao hơn. Vòng tròn này đã và đang nới rộng khoảng cách giữa học sinh các trường trọng điểm và số còn lại.
Danh tiếng của những trường trọng điểm thường phụ thuộc vào thành tích của học sinh, tỷ lệ trúng tuyển vào các trường đại học hàng đầu. Do đó, nhiều trường trọng điểm đã “săn” các tài năng trẻ từ sớm. Một học sinh tên Ma tiết lộ em không phải thi tuyển vào cấp ba mà chỉ cần vượt qua kỳ thi riêng do trường tổ chức. 80 học sinh điểm cao nhất được mời nhập học sớm và cạnh tranh vào lớp danh dự của trường.
Chen, nam sinh đến từ tỉnh Quý Châu, cho biết hoạt động “tuyển sinh” bắt đầu từ khi em vào tiểu học. Một trường THCS địa phương cho phép Chen nhập học sớm vì em đạt thành tích cao từ cấp một. Sau đó, Chen tiếp tục được các trường THCS của quận và thành phố chiêu mộ. Một trường THCS đã hứa miễn học phí ba năm và trợ cấp 2.000 tệ (khoảng 7 triệu đồng) mỗi năm cho Chen và nhiều ưu đãi khác.
Xu từng có trải nghiệm tương tự khi đạt kết quả tốt trong kỳ thi tuyển sinh THPT. Trường THPT của thành phố đã trợ cấp cho cô 8.000 tệ (khoảng 28 triệu đồng) mỗi năm cùng nhiều đặc quyền khác như được học và ở phòng ký túc xá danh dự.
Điều này khiến phụ huynh Trung Quốc tìm mọi cách để đưa con vào lớp danh dự và trường trọng điểm. Các bố mẹ sẵn sàng bỏ việc để giám sát việc học của con, mua nhà tại thị trấn để con được vào trường danh tiếng, hay thậm chí hối lộ quan chức để con được nhận vào các chương trình tốt hơn. Wang cho rằng niềm hy vọng của những phụ huynh này là đưa con rời làng, cả nghĩa đen và bóng, càng sớm càng tốt, để bọn trẻ có tương lai tươi sáng hơn.
“Các trường thiếu vốn phải vật lộn để thu hút và giữ chân học sinh đạt thành tích cao, còn các gia đình chọn gửi con cái đến nơi khác tốt hơn. Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn và nới rộng khoảng cách giáo dục tại các vùng nông thôn”, Wang nhận định.
Thanh Hằng (Theo Sixth Tone)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/dac-quyen-cua-lop-chon-trong-truong-hoc-trung-quoc-4543941.html