Codex Leicester là cuốn sách tay nổi tiếng chứa vô số bài viết khoa học, phác thảo, biểu đồ và ghi chép của Leonardo da Vinci. Bản thảo hiếm này hé lộ hiểu biết và ý tưởng của Leonardo về thế giới tự nhiên, từ chuyển động của hành tinh tới đặc tính của nước và độ sáng của Mặt Trăng. Trong vài thập kỷ, nội dung trong cuốn sách có tác động to lớn tới các nghệ sĩ và nhà khoa học, theo Ancient Origins.
Được viết vào thế kỷ 16, khi Leonardo sống ở Florence và thực hiện các dự án khoa học – nghệ thuật, Codex Leicester là ví dụ cho tài năng của thiên tài thời Phục Hưng. Bản thảo này viết theo lối “gương soi” đặc trưng của Leonardo, có nghĩa chữ cái viết ngược từ phải sang trái. Đây nhiều khả năng là kỹ thuật ông sử dụng để giữ bí mật các ý tưởng và ghi chú. Codex Leicester là bộ sưu tập đồ sộ về ghi chép và phác thảo khoa học của Leonardo về nhiều chủ đề thế giới tự nhiên. Bản thảo chia theo một số phần khác nhau, mỗi phần tập trung vào một chủ đề khoa học.
Trong phần đầu tiên, Leonardo ghi lại những quan sát về đặc tính của nước thông qua những phác thảo sống động về xoáy nước, đập nước và dòng nước ở sông ngòi và kênh đào. Sau đó, ông viết về thiên văn học và vũ trụ học với nhiều hình vẽ miệng hố trên Mặt Trăng, quỹ đạo hành tinh, ghi chú về bản chất của ánh sáng và bóng tối trên Mặt Trăng.
Codex Leicester cũng cung cấp hiểu biết giá trị về địa chất học và khoa học Trái Đất, bao gồm quá trình hình thành hóa thạch, đặc điểm của tinh thể và bản chất của động đất. Đào sâu hơn vào cuốn sách, các sử gia phát hiện bộ sưu tập ghi chú và phác thảo liên quan tới nguyên lý quang học và hành vi của ánh sáng. Leonardo cũng có một số bản vẽ sự phản xạ và khúc xạ ánh sáng, cũng như ghi chú những đặc điểm của thấu kính và bóng tối.
Sự quan tâm sâu sắc của Leonardo về giải phẫu cơ thể cũng được phản ánh trong Codex Leicester. Bản thảo chứa nhiều hình phác thảo và ghi chú về cấu tạo và chức năng của cơ thể người, ví dụ như hình vẽ bộ xương và cơ bắp, ghi chú về hệ tuần hoàn và chức năng của mắt.
Các sử gia cho rằng Leonardo viết Codex Leicester như một phương tiện ghi chép và khám phá những tư tưởng và quan sát của ông đối với thế giới tự nhiên. Trong suốt cuộc đời, Leonardo quan tâm tới nhiều lĩnh vực khoa học, bao gồm thiên văn học, địa chất học, thực vật học và giải phẫu học. Ông sử dụng nghệ thuật để giúp khám phá và truyền đạt suy nghĩ về thế giới xung quanh, tạo ra những hình minh họa đẹp và chi tiết. Do đó, Codex Leicester không chỉ là một kiệt tác khoa học mà còn rất quý giá về mặt lịch sử nghệ thuật. Khi tạo ra Codex Leicester, Leonardo trở thành một trong số những nhà nghiên cứu tìm cách hiểu rõ thế giới tự nhiên thông qua quan sát và thí nghiệm.
An Khang (Theo Ancient Origins)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/cuon-sach-dat-gia-nhat-the-gioi-cua-leonardo-da-vinci-4578585.html