Bối cảnh lịch sử cuộc cải cách của Quang Trung là gì? Những chính sách cơ bản cải cách của Quang Trung như thế nào? Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé.
Những chính sách cải cách của Quang Trung có ý nghĩa quan trọng giúp nhân dân hai nước tự do đi lại trao đổi buôn bán, theo tinh thần bớt thuế, thương dân. Vậy dưới đây là nội dung cơ bản cuộc cải cách của Quang Trung mời các bạn theo dõi. Bên cạnh đó các bạn xem thêm: cuộc cải cách của Lê Thánh Tông, cải cách của Hồ Quý Ly, cuộc khởi nghĩa Bà Triệu.
1. Những chính sách cải cách của Quang Trung
– Về kinh tế.
Quang Trung ban “chiếu khuyến nông”, lệnh cho dân phiêu tán trở về quê khôi phục ruộng đồng bỏ hoang. Những xã nào chứa chấp kẻ trốn tránh đều bị trừng phạt. Sau một thời hạn mà ruộng công còn bỏ hoang thì phải nộp thuế gấp đôi, ruộng tư thì bị sung công… Do đó, chỉ trong vòng 3 năm sau, nông nghiệp được phục hồi. Năm 1791 “mùa màng trở lại phong đăng, năm phần mười trong nước khôi phục được cảnh thái bình.
Đối với công thương nghiệp, Quang Trung khuyến khích đẩy mạnh sản xuất thủ công nghiệp, mở rộng ngoại thương trên cơ sở phục hồi và phát triển nông nghiệp. Xuất phát từ nhận thức đúng đắn đó, ngay từ những ngày đầu của chính quyền mới, Quang Trung chủ trương phát triển mọi ngành sản xuất nhằm xây dựng một nền kinh tế phồn vinh, độc lập, tự chủ trong đó có công thương nghiệp.
Chủ trương khuyến khích phát triển công thương nghiệp của Quang Trung được thể hiện ở sắc lệnh “khoan thư” sức dân. Năm 1789, Quang Trung bãi bỏ thuế điền cho nhân dân từ sông Gianh ra Bắc, động viên các tầng lớp nhân dân lao động phấn khởi sản xuất.
Để thúc đẩy sản xuất và lưu thông hàng hoá thuận lợi, Quang Trung cho đúc tiền đồng mới (Quang Trung thông bảo và Quang Trung đại bảo). Đối với nước ngoài, Quang Trung chủ trương mỏ rộng trao đổi buôn bán, đấu tranh nuộc nhà Thanh phải mở cửa biên giới để buôn bán với nước ta như ải Bình Nhi, Thuỷ Khẩu (Cao Bằng), Hoa Sơn (Lạng Sơn), Du Thôn… Đối với thuyền buôn của các nước tư bản phương Tây, Quang Trung tỏ ra rộng rãi, mong muốn họ tăng cường quan hệ ngoại thương với Việt Nam, nhờ vậy, tình hình thương nghiệp (nội thương và ngoại thương) nước ta thời Quang Trung được phục hưng và phát triển. Mô tả Thăng Long bấy giờ, nhà nho Nguyễn Huy Lượng sống dưới thời Tây Sơn viết: “Lò Thạch khối khói tuôn nghi ngút, thoi oanh nọ ghẹo hai phường dệt gấm, lửa đom đóm nhen năm xã gây lò”, và “rập rình cuối bãi đuôi nheo, thuyền thương khách hãy nhen buồm bươm bướm” (Phú Tụng Tây Hồ).
Nền ngoại thương nước ta thời Quang Trung khác hẳn với ngoại thương thời Vua Lê chúa Trịnh, chúa Nguyễn trước đó. Nó xuất phát từ yêu cầu nội tại của nền kinh tế và đời sống của nhân dân, từ yêu cầu đẩy mạnh nền kinh tế hàng hoá. Tư tưởng “thông thương” tiến bộ của Quang Trung đã thể hiện nhãn quan kinh tế rộng mở phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và thời đại, “mở cửa ải, thông thuơng buôn bán, khiến cho các hàng hoá không ngừng đọng để làm lợi cho dân chúng”.
– Về chính trị, quốc phòng.
Sau khi đánh bại 30 vạn quân Thanh xâm lược (1789), Vương triều Quang Trung ra sức xây dựng một chính quyền phong kiến mới tiến bộ với ý thức quản lý đất nước trên một phạm vi rộng lớn dưới một chính quyền trung ương tập trung mạnh. Xuất phát từ nhận thức “Trẫm là kẻ áo vải đất Tây Sơn, không có một tấc đất, tự nghĩ mình tài đức không theo kịp cổ nhân mà đất đai rộng lớn như thế, nghĩ đến việc cai quản, lo sợ như cầm dây cương mục mà dong sáu ngựa”, nên trong công cuộc xây dựng chính quyền mới, Quang Trung rất chú trọng “Cầu hiền tài”. Đối với những nho sĩ, trí thức, kể cả quan lại trong chính quyền cũ có tài năng, trí tuệ, có nhiệt tình xây dựng đất nước, Quang Trung đều cố gắng thuyết phục và sử dụng họ vào bộ máy nhà nước mới, đặt họ ở những chức vụ cao tương xứng với tài năng của họ. Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thiếp, v.v., là những học giả tiêu biểu trong số nho sĩ này.
Để đáp ứng nhu cầu xây dựng chính quyền mới và đào tạo quan lại mới, bên cạnh phương thức “tiến cử”, “cầu hiền tài” Quang Trung đã ban hành chính sách “khuyến học”, mở rộng chế độ học tập, thi cử. Trường học được mở rộng đến các làng xã, cho phép các địa phương sử dụng một số đền chùa không cần thiết làm trường học. Về nội dung, bỏ lối học từ chương khuôn sáo, cải tiến dần theo hướng thiết thực, bắt các nho sinh, sinh đồ ở các triều đại trước phải thi lại. Người nào xếp loại ưu thì mới được công nhận cho đỗ, hạng liệt phải về học lại, còn hạng sinh đồ 8 quan do bỏ tiền ra mua trước đó (thời Lê – Trịnh) đều bị đuổi về chịu lao dịch như dân chúng.
Chủ trương phát triển giáo dục, thi cử để đào tạo nhân tài cho đất nước trong công cuộc phục hưng của chính quyền mới được Quang Trung nói rõ: “Dựng nước lấy học làm đầu, lấy nhân tài làm gốc. Trước đây bốn phương nhiều việc phải phòng bị, việc học không được sửa sang, khoa cử bỏ dần, nhân tài ngày càng thiếu thốn… Trẫm khi vừa mới bình định đã có nhã ý hậu đãi nhà nho, lưu tâm, mến kẻ sĩ, muốn có người thực tài để dùng cho quốc gia”. Xuất phát từ nhận thức đó ngay từ năm 1789, Quang Trung đã cho mở khoa thi Hương đầu tiên ở Nghệ An, chọn lấy những người đỗ tú tài hạng ưu cho vào dạy trường quốc học, hạng thứ cho vào dạy ở trường phủ học. Quang Trung chủ trương từng bước đưa khoa cử thành một phương thức đào tạo quan chức cho nhà nước phong kiến mới.
Trên cơ sở tăng cường và củng cố hoạt động của bộ máy nhà nước tập trung mạnh, chính quyền đã thực hiện được chức năng quan trọng và lớn lao bấy giờ đối với xã hội là tập hợp được các lực lượng tích cực trong toàn đất nước, đẩy lùi được cuộc chiến tranh xâm lược của ngoại bang, ổn định tình hình chính trị, xã hội, củng cố được nhà nước quân chủ tập quyền, từng bước phục hưng, phát triển văn hoá, giáo dục và kinh tế.
Quang Trung chủ trương xây dựng một đội quân hùng mạnh, củng cố quốc phòng. Quân đội chia làm 5 doanh: trung, tiền, hậu, tả, hữu. Ngoài ra còn có thêm một số quân hiệu khác như tả bật, hữu bật, kiều thanh, thiên cán. Quân đội được biên chế theo đạo, cơ, đội. Nhà nước quy định cứ 3 suất đinh tuyển một lính. Năm 1790, làm sổ hộ tịch để căn cứ vào đó tuyển binh.
Quân đội có các binh chủng: bộ binh, thuỷ binh, tượng binh, pháo binh. Vũ khí có nhiều loại, có loại được cải tiến như hỏa hổ (một loại ống phun lửa), có súng trường, đại bác, giáo mác, cung, tên. Chiến thuyền cũng nhiều loại, loại lớn chở được cả voi, trang bị từ 50 đến 60 khẩu đại bác, chở được từ 500 đến 700 lính.
Với một lực lượng quân đội mạnh, Quang Trung đã trấn áp được các thế lực phong kiến phản động, bảo vệ được chính quyền mới và có cơ sở để thực hiện một chính sách đối ngoại tích cực, kiên quyết bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia và nâng cao địa vị của nước ta thời bấy giờ đối với nước ngoài.
– Về văn hoá giáo dục.
Quang Trung lập Sùng Chính Viện chuyên dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm làm tài liệu học tập và giúp vua về mặt văn hoá. Mục đích của Quang Trung là nhằm đưa chữ Nôm lên thành quốc ngữ chính thức thay cho chữ Hán. Bên cạnh Nho giáo, Quang Trung vẫn chấp nhận Phật giáo và Thiên Chúa giáo. Chữ Nôm được đưa vào khoa cử, trong các kỳ thi quan trường phải ra đề thi bằng chữ Nôm, người thi đến kỳ tam trường phải làm thơ, phú bằng văn Nôm. Chữ Nôm trở thành văn tự chính thức của quốc gia dưới triều Quang Trung, một thành quả quan trọng trong lịch sử đấu tranh và bảo tồn nền văn hoá dân tộc, chống chính sách đồng hoá của các triều đại phương Bắc đô hộ nước ta. Những chính sách văn hoá, giáo dục của Quang Trung chứng tỏ ông có hoài bão xây dựng một nền học thuật, giáo dục đậm đà bản sắc dân tộc, nâng cao ý thức độc lập, tự cường cho nhân dân.
2. Ý nghĩa cải cách của Quang Trung
Nhờ chính sách mở cửa của Quang Trung, nhân dân hai nước tự do đi lại trao đổi buôn bán và nhiều thuyền buôn Trung Quốc đã đến Phú Xuân để giao thương.
Theo tinh thần bớt thuế, thương dân, Hoàng đế Quang Trung đã cho thi hành một chế độ thuế khóa đơn giản, bãi bỏ và giảm nhẹ nhiều thứ thuế phức tạp trước đó. Các loại thuế đinh, thổ sản, công thương đều được giảm nhẹ hoặc bãi bỏ. Việc thông thương với Trung Quốc vùng biên giới được miễn thuế hoàn toàn. Thuế ruộng đất công, tư đều được triều đình xem xét phân hạng theo mức sản xuất hằng năm và chia hạng nộp thuế bằng lúa, hoặc có thể bằng tiền, tính theo thời giá. Hoàng đế Quang Trung còn có quy định thập vật tiền (tiền trả cho người đứng thu thuế), khoán khố tiền (tiền tồn kho) và mức thuế cụ thể. Ai thu vượt quá quy định sẽ bị xử vào tội tham nhũng. Ông còn cho đúc tiền mới để tiêu dùng…
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Cuộc cải cách của Quang Trung: Nội dung, kết quả, ý nghĩa Chính sách cải cách của vua Quang Trung của Pgdphurieng.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.