Cụm núi lửa Ijen ở Đông Java, Indonesia, trải dài tới hơn 22 km. Dải đất rộng lớn với cấu tạo địa chất phức tạp này có cảnh quan ấn tượng vào ban ngày, nhưng khi đêm xuống, những ngọn núi lại phun ra dòng “dung nham” màu xanh kỳ lạ.
Kawah Ijen được cho là địa điểm duy nhất trên hành tinh mà những ngọn lửa xanh này tồn tại liên tục. Tuy nhiên, vẻ đẹp của núi lửa Kawah Ijen phải trả giá, vì mức lưu huỳnh cao khiến không khí xung quanh trở nên độc hại với bất cứ người nào hít phải.
Hiện tượng dung nham xanh xảy ra do có lượng lớn “túi” lưu huỳnh trong đá. Lưu huỳnh thoát ra khi đá hóa lỏng và giải phóng các khí độc hại như lưu huỳnh dioxide khi cháy. Lưu huỳnh bốc cháy khi tiếp xúc với oxy, tạo ra ngọn lửa màu xanh. Dung nham núi lửa trông có vẻ hoàn toàn màu xanh, nhưng thực tế chỉ bề mặt dung nham được ngọn lửa xanh bao phủ. Lửa xanh luôn cháy trên bề mặt dung nham nhưng khó nhìn thấy vào ban ngày.
Cụm núi lửa rộng lớn này thực chất nằm trong một hõm chảo – hố trũng hình thành khi núi lửa phun trào và sụp đổ, thường tạo ra một hồ nước lớn ở trung tâm. Cụm Ijen chứa khoảng 22 điểm phun trào, chủ yếu quanh rìa hõm chảo.
Hồ nước trong hõm chảo Ijen có màu ngọc lam sáng đẹp mắt, nhưng đây lại là hồ axit lớn nhất thế giới và có độ pH gần bằng 0. Bơi trong hồ nước này có thể nguy hiểm đến tính mạng hoặc ít nhất là gây thương tích nghiêm trọng.
Với lượng lưu huỳnh dồi dào, được người dân địa phương gọi là “vàng của quỷ”, cụm núi lửa này là một trong số ít những nơi có hoạt động khai thác lưu huỳnh thủ công. Tại Java, Indonesia, lưu huỳnh được sử dụng để sản xuất diêm và làm cho đường trắng hơn. Khách tham quan đến đây phải đeo mặt nạ phòng độc, nhưng nhiều thợ mỏ không đủ khả năng mua mặt nạ mà chỉ dùng vải che miệng. Không có thiết bị bảo hộ thích hợp, nhiều người thợ gặp phải những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, trong đó 1/3 thường xuyên mắc các bệnh về đường hô hấp.
Ijen có thể là nơi duy nhất với lửa xanh cháy liên tục, nhưng hiện tượng lửa xanh này có thể xuất hiện ở những nơi chứa một số loại khí nhất định với nồng độ lớn. Một số báo cáo ghi nhận, lửa xanh từng xuất hiện trong vụ cháy rừng tại công viên quốc gia Yellowstone, Mỹ. Tại đó, lưu huỳnh xung quanh các miệng phun thủy nhiệt bốc cháy.
Năm 2018, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) công bố những hình ảnh cho thấy lửa xanh dường như bắn ra từ mặt đất trong vụ phun trào núi lửa Kilauea ở Hawaii. Những ngọn lửa này hình thành do khí methane phóng ra. Khí này được giải phóng do dung nham từ vụ phun trào che phủ thảm thực vật và ngăn oxy tiếp cận. Quá trình đốt cháy không hoàn toàn này giải phóng khí methane, từ đó gây ra ngọn lửa màu xanh.
Núi lửa Dallol ở vùng trũng Danakil, Ethiopia, cũng phun dung nham xanh lam, nhưng điều này hiếm khi xảy ra. Mỗi lần xuất hiện, lửa xanh sẽ cháy trong vài ngày. Chúng cũng hình thành từ các miệng phun thủy nhiệt và suối lưu huỳnh bên trong vùng trũng.
Thu Thảo (Theo IFL Science)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/cum-nui-lua-phun-dung-nham-xanh-4587985.html