Những ngày cuối học kỳ hai, cô Jennifer Hodgson – Cố vấn, Trưởng ban An toàn học đường Trường quốc tế Saigon Pearl (ISSP) tổ chức buổi họp cùng phụ huynh. Xuyên suốt buổi họp, cô chủ động đặt câu hỏi về môi trường sinh hoạt, cách bố mẹ tương tác, chăm sóc con cái ở hành động lẫn ngôn từ. Cô phân tích với phụ huynh: việc họ thường xuyên vắng mặt, dùng các món quà hấp dẫn với mục đích bù đắp và không thực hiện kỷ luật khi con có hành vi xấu tại nhà… tình cờ đã tạo ra nhiều hậu quả tiêu cực đối với con.
“Thật đáng buồn khi bố mẹ nghĩ rằng những hành động đó sẽ mang đến những điều tốt nhất cho con, nhưng thực tế, chúng lại là biểu hiện của sự thờ ơ, lạnh lùng đối với con trong những gia đình có điều kiện kinh tế” – cô Jennifer chia sẻ.
Câu chuyện kể trên là trường hợp đầu tiên xảy ra tại trường nhưng theo Cố vấn Jennifer, đây không phải là hiện tượng mới hay hiếm gặp. Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, việc thờ ơ với con hầu hết đều xảy ra ở những gia đình có điều kiện kinh tế. Nếu tình trạng này không được giải quyết và bị kéo dài, bố mẹ sẽ vô tình mang lại những ảnh hưởng tiêu cực với quá trình phát triển và xây dựng tính cách của các con.
Cùng với việc truyền đạt kiến thức và kỹ năng, sức khỏe tâm lý của học sinh cũng là một yếu tố quan trọng mà đội ngũ giáo viên tại trường ISSP luôn quan tâm, chú trọng. Vì vậy, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ, nhà trường thường tổ chức các buổi tư vấn dành riêng cho phụ huynh, hỗ trợ quá trình chăm sóc trẻ tại nhà. Cô Jennifer cũng đồng hành cùng học sinh nhằm phát hiện những biểu hiện tâm lý, mang đến sự hỗ trợ tình cảm và xã hội kịp thời.
Cô Jennifer giải thích thêm, ngành tâm lý học chia các loại tổn hại mà trẻ nhỏ có thể phải chịu thành bốn nhóm: thể chất, cảm xúc, tình dục và bỏ bê (thờ ơ).
Thông thường, việc trẻ bị bỏ bê, không nhận được sự quan tâm, chăm sóc thường có liên quan đến các em có hoàn cảnh khó khăn. Có nghĩa là nhu cầu cơ bản của các em thường xuyên không được đáp ứng chẳng hạn như thực phẩm, chỗ ở, an toàn, chăm sóc y tế… Tuy nhiên, các tổ chức bảo vệ trẻ em thế giới gần đây đã công nhận, sự thờ ơ cũng tồn tại trong nhiều gia đình có điều kiện kinh tế. Hiện tượng này được gọi là “thờ ơ trong các gia đình có điều kiện kinh tế” (affluent neglect) – hiểu ngắn gọn là nhu cầu cơ bản của trẻ được thỏa mãn nhưng “nhu cầu cảm xúc, tâm lý” không được đáp ứng.
Dấu hiệu nhận biết của hiện tượng này thường nằm ở các khía cạnh: trẻ bị bỏ rơi, sống một mình trong thời gian dài, thường là do bố mẹ bận làm việc nhiều giờ hoặc đi công tác xa. Ngoài trường hợp bố mẹ vắng mặt, cách xa con cái về mặt địa lý thì cũng có những khi họ hiện diện trong ngôi nhà nhưng chỉ tập trung nấu ăn, dọn dẹp, làm việc, tập thể dục, xem điện thoại… và thêm một lần nữa, trẻ thấy mình cô đơn.
“Thật không may, điều này khá phổ biến ở các gia đình có điều kiện về kinh tế: trẻ được bù đắp bằng những món quà, tham gia các hoạt động bổ ích hoặc kỳ nghỉ xa hoa. Ai cũng thích những điều này nhưng có một câu nói nổi tiếng trong Tâm lý học trẻ em, đó là: “có mặt vẫn tốt hơn có quà”, cô Jennifer lý giải.
Nói về tác hại, cô Jennifer minh họa qua tháp nhu cầu Maslow. Trên tháp, quan hệ và cảm xúc xếp tại vị trí thứ ba trong nhu cầu của con người. Do đó, khi bỏ qua yếu tố này, trẻ sẽ trưởng thành trong một môi trường xa cách, thiếu sự chăm sóc cảm xúc, và có thể sẽ gặp khó khăn trong việc thể hiện và quản lý cảm xúc của mình.
Hơn nữa, theo Cố vấn trường ISSP, có một nghiên cứu chỉ ra rằng: bố mẹ có điều kiện kinh tế thường không đặt ra những hình phạt đối với hành vi xấu của con. Kết quả là các con thường xuyên gặp khó khăn ở trường – nơi áp dụng các quy tắc và hình phạt nếu học sinh có những hành vi chưa tốt.
Hậu quả tiềm ẩn thứ hai có thể xảy đến khi các con không có sự giám sát đầy đủ của bố mẹ, đó là tai nạn có khả năng xảy ra cao hơn. Ngoài ra, các con có thể chơi điện tử bạo lực hoặc truy cập tài liệu trên Internet không phù hợp với lứa tuổi, kéo theo nhiều hệ lụy bất ngờ và có thể lâu dài về sau.
Trở lại tháp nhu cầu Maslow, trẻ em lớn lên cần tình yêu thương và cảm giác được chấp nhận. Nếu trẻ không tìm được điều này ở trong gia đình, các con có thể sẽ có những hành động không đúng mực ở trường. Và đối với các con, đây được xem như một cách để tìm kiếm và thu hút sự chú ý của mọi người xung quanh. Thêm nữa, theo nhà tâm lý học Sigmund Freud: “Những gì trẻ em thiếu thốn trong thời thơ ấu, các con sẽ tìm kiếm khi trưởng thành”. Vì vậy, việc bố mẹ yêu thương và đảm bảo đáp ứng tất cả nhu cầu của con sẽ tạo nền móng cho sự phát triển trong tương lai.
Các bậc phụ huynh có thể nhận biết dấu hiệu của trạng thái bị bỏ rơi cảm xúc qua: hành động tiêu cực để thu hút sự chú ý, trải qua nhiều rối loạn cảm xúc – lo lắng, trầm cảm, tức giận, thù địch, thay vì kết bạn thông qua giao tiếp thông thường, trẻ có thể cố gắng “mua” tình bạn (như cách con nhận được quà từ bố mẹ).
Theo cô Jennifer, bố mẹ thường không tự nhận thức được một số hành động của họ (hoặc thiếu hành động) có thể gây hại cho con. Đây là lý do trường ISSP có nhiều chương trình tư vấn với phụ huynh, cung cấp đến họ thông tin thực tế để kịp thời điều chỉnh. Như trường hợp nêu ở đầu bài, sau buổi họp tại trường, bố mẹ của em học sinh này đã thực hiện các điều chỉnh không khí, môi trường sinh hoạt trong gia đình. Họ thường xuyên có mặt tại nhà, thực hiện những hành động đồng hành, quan tâm, chăm sóc đơn giản như: cùng con ăn cơm, tự tay chăm sóc con thay vì nhờ bảo mẫu, đọc sách và làm bài tập cùng con.
“Và kết quả thật đáng kinh ngạc. Tình cảm của trẻ thay đổi tích cực. Em học sinh cũng tạm dừng các hành vi xấu, có những lựa chọn tốt hơn”, cố vấn từ trường ISSP nhấn mạnh. Như vậy, dù con đã có hoặc chưa bộc lộ biểu hiện của việc bị thờ ơ, bố mẹ vẫn cần dành thời gian để đồng hành, làm những việc mà con muốn; cùng con thảo luận và khám phá sức khỏe tinh thần để giúp con học cách điều chỉnh.
“Trẻ em cần tình yêu thương nhiều như cách các em cần thức ăn, quần áo và chỗ ở. Vì vậy hãy ôm, hôn và dành cho con nhiều tình cảm nhất có thể. Điều này sẽ giúp cho con hình thành thêm sự gắn kết an toàn ở hiện tại và trong tương lai” – cô Jennifer cho biết.
Một số quy tắc khác mà cô Jennifer cũng nhắc đến: “là cha mẹ chứ không phải bạn” – để con hiểu rằng, nhà cũng là nơi cần có thứ tự trên dưới và con phải tôn trọng bố mẹ, cũng như các quy tắc đang có trong nhà.
Cô Jennifer cũng lưu ý, các bậc phụ huynh cần ghi nhớ chất lượng hơn số lượng. Nghĩa là cuộc sống luôn bận rộn, ai cũng phải làm việc nhưng bố mẹ vẫn nên cố gắng dành ít nhất ba mươi phút mỗi ngày để tạo ra những khoảnh khắc chất lượng cùng con. “Ba mươi phút đó có thể tạo ra sự khác biệt to lớn trong cuộc sống của trẻ”, cô nhấn mạnh.
Minh Tú
Trường quốc tế Saigon Pearl (ISSP) là trường mầm non và tiểu học quốc tế dành cho trẻ từ 18 tháng đến 11 tuổi, đặt tại quận Bình Thạnh, TP HCM. Trường được kiểm định kép bởi Hội đồng các trường quốc tế (CIS); Hiệp hội các trường phổ thông và đại học New England (NEASC). Trường cũng là ứng viên Tú tài quốc tế bậc tiểu học (IB PYP) với chương trình học cân bằng, hướng đến phát triển toàn diện trẻ nhỏ. Học sinh được phát triển tư duy quốc tế song song với việc đọc thông viết thạo tiếng Việt và giữ gìn văn hóa Việt Nam. Để hiểu về phương pháp giáo dục tại ISSP cùng ưu đãi hấp dẫn cho năm học 2023-2024, phụ huynh xem thông tin và đặt lịch tham quan trường tại đây
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/co-van-truong-issp-nhieu-cha-me-khong-biet-ho-tho-o-voi-con-4605432.html