Trả lời
Chúng ta không thể lấy sụn tai của người này ghép cho người kia trực tiếp, do nguy cơ viêm đào thải sụn ghép ra ngoài. Mặt khác, việc này chưa được Bộ Y tế cho phép.
Thực tế, việc hiến tạng bộ phận cơ thể của người này cho người kia (đồng loại) đã được pháp luật và Bộ Y tế cho phép ở một số lĩnh vực như ghép thận, gan, tim phổi dựa trên sự tương đồng về nhiều yếu tố, bao gồm nhóm máu, HLA (hệ thống kháng nguyên bạch cầu người), đo chéo huyết thanh, tiền mẫn cảm…
Đối với ghép da đồng loại, da chỉ sống tạm một thời gian sẽ đào thải bong da (trừ trường hợp sinh đôi cùng trứng cho nhau). Ngoài ra, phải nghiên cứu xử lý sụn tai trước khi ghép, bảo quản trong dung dịch giữ tươi thì mới được thực hiện
Trước đây, phương pháp nâng mũi phổ biến là lấy sụn tai tự thân, nghĩa là dùng sụn vành tai của chính người đó. Sụn tai tự thân có nhiều đặc điểm tương đồng sụn vùng mũi như độ mềm, đủ độ dày, có thể bọc đầu mũi, dựng trụ, ghép cánh mũi, dễ lấy. Tuy nhiên, nhược điểm là khi dựng trụ sẽ không cứng như sụn sườn, bọc đầu mũi có thể tiêu, hoặc gây co. Hơn nữa, việc lấy sụn ở tai quá nhiều có nguy cơ khuyết, gây biến dạng tai không hồi phục.
Khi có nhu cầu nâng mũi, người dân nên đến các cơ sở y tế đã được cấp phép, đảm bảo tiêu chuẩn y tế, bác sĩ có chứng chỉ hành nghề, vật liệu sử dụng được cho phép của Bộ Y tế. Trong đó, có thể lựa chọn vật liệu là sụn nhân tạo (đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế, mềm, dễ tạo dáng) hay sụn tự thân (lựa chọn vùng lấy cho phù hợp như sụn tai, sụn sườn, cân thái dương, cân trung bì). Dựa trên cấu trúc giải phẫu, yêu cầu của từng người, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp phù hợp.
Tiến sĩ, bác sĩ Tống Hải, Chủ nhiệm khoa Vi phẫu và Tái tạo, Bệnh viện bỏng Quốc gia
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/co-the-nang-mui-bang-sun-tai-cua-nguoi-khac-4632853.html