Bạn đang xem bài viết Chứng lãi (giun) đường ruột tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Chứng lãi (giun) đường ruột là bệnh lý khá phổ biến hiện nay ở nước ta, đặc biệt thường xảy ra ở lứa tuổi trẻ em và học sinh. Nếu không chữa trị kịp thời thì sẽ dẫn tới một số bệnh lý khác như: thiếu máu, viêm ruột thừa, viêm hậu môn và âm đạo và một số căn bệnh có liên quan tới ống mật và phổi,…
Các em học sinh có thể bị chứng lãi (giun) đường ruột không? Nếu có, thì là những loại lãi gì? Tác hại thế nào?
Chính các em ở tuổi học sinh mới hay mắc các chứng lãi đường ruột. Vì, như trên đã nói, các em thường rủ nhau ăn quà, uống nước dọc đường,… Những quà bánh đó có thể đã bị ruồi nhặng đậu vào, nước đó có thể chưa đun chín, đã đưa các trứng của lãi vào ruột các em. Một số em sau khi chơi đùa, để tay dơ bẩn, cũng không rửa tay trước khi ăn, và trứng lãi cũng có từ tay các em có thể vào miệng, xuống ruột. Các trứng lãi đó sẽ trở thành lãi trong ruột, trong cơ thể các em.
Có nhiều loại lãi ở nước ta: lãi đũa, lãi kim, lãi móc, lãi tóc, lãi lươn, lãi chỉ, lãi xoắn. Ngoài ra, đôi khi cũng có một vài loại lãi các của các súc vật có thể nhiễm vào người. Tuy nhiên, ở tuổi học sinh, thường thấy là lãi đũa, lãi kim và lãi móc.
Lãi đũa dài khoảng 15-30cm, bề ngang của thân khoảng 2-6mm, trông hơi giống chiếc đũa – vì vậy gọi là lãi đũa. Trong ruột người, lãi đũa có thể gây những con đau bụng vùng quang rốn, có khi kèm theo nôn ói. Chúng cũng có thể bó lại với nhau thành cục, làm tắc ruột. Đôi khi, lãi đũa cũng có thể chui vào ruột thừa, gây ra chứng viêm ruột thừa phải mổ cấp cứu ngay. Đó là chưa kẻ một số nơi khác mà có khi chúng có thể tới gây bệnh như ống mật, như phổi, v,v…
Lãi kim nhỏ tựa chiếc kim, vì thế gọi là lãi kim, dài khoảng 2-12mm. Lãi kim thường thấy ở các em nhỏ chưa đến tuổi đi học, nhưng ở các em mới đi học cũng vẫn còn thấy nhiều. Lãi kim thường gây ngứa hậu môn nhất là vào ban đêm, làm trẻ bứt rứt không ngủ được, vì ban đêm chúng thường bò từ ruột trẻ ra hậu môn để sinh nở. Dần dần, trẻ khó ngủ lâu ngày sẽ bị suy nhược thần kinh. Lãi kim cũng có thể chui vào ruột thừa, gây ra chứng viêm ruột thừa. Ngoài ra, lãi kim cũng đôi khi gây bệnh ở một số nơi khác, chúng có thể vào âm đạo các bé gái, gây ra chứng viêm âm đạo, đến cổ tử cung gây viêm cổ tử cung, đến buồng trứng tạo nên các bướu buồng trứng,…
Lãi móc cũng nhỏ, chiều dài khoảng 11-18mm. Khác với lãi đũa và lãi kim thường đột nhập vào người theo đường tiêu hóa (miệng), lãi móc đột nhập vào người chủ yếu theo đường da: ấu trùng của lãi móc – ấu trùng là những trùng đã phá vỡ trứng ra ngoài nhưng còn rất non rất nhỏ – thường nằm lẫn trong đất, cát. Khi em nhỏ đi chân đất giẫm lên, hoặc dùng tay nghịch đất cát đó thì ấu trùng sẽ đột nhập qua da, vào cơ thể. Sau khi đi “chu du” nhiều nơi, chúng về khu trú ở ruột non, và từ đó gây ra các triệu chứng của bệnh. Hai triệu chứng chủ yếu nhất thường thấy ở các em nhỏ bị lãi móc là đau bụng và thiếu máu. Đau bụng thường ở vùng trên rốn, kèm theo no hơi, chán ăn, kéo dài nhiều ngày tháng , tương tự như đau dạ dày. Thiếu máu là dấu hiệu đáng chú ý: thiếu máu nhiều khi rất trầm trọng, làm trẻ em xanh méc, yếu đuối, mệt mỏi một cách trầm trọng. Bị chứng thiếu máu này là do lãi móc hàng ngày hút máu trẻ một cách liên tục.
Có thể phòng ngừa được các chứng lãi cho các em học sinh được không? Cần áp dụng các biện pháp nào để phòng ngừa?
Tuy các chứng lãi rất phổ biến trong giới học sinh, và gây không ít tác hại tới sức khỏe các em, nhưng việc phòng ngừa lại hoàn toàn có thể thực hiện được, mọi người đều thực hiện được.
Hai việc thiết thực nhất, chủ yếu nhất cần làm, là giữ vệ sinh ăn uống, và vệ sinh môi trường.
Bạn hãy chỉ cho trẻ dùng các thức ăn và nước uống đã được đảm bảo về mặt vệ sinh: như các thức ăn đã nấu chín, nước đã đun chín, Trẻ vẫn thỉnh thoảng có thể dùng được một số rau sống, nhưng đã được rửa thật kỹ, nếu là rửa bằng nước có pha một dúm muối vào thì tốt. Các thức ăn, khi chưa dùng tới, phải được bảo quản trong tủ lạnh, hoặc đậy trong lồng bàn, không cho ruồi nhặng đậu vào. Giáo dục cho trẻ có một thói quen tốt là rửa tay trước khi ăn. Cắt móng tay cho trẻ luôn, vì chính móng tay trẻ, khi gãi hậu môn đã tiếp nhận các trứng của lãi kim, rồi lại đưa trứng đó lên miệng… Vì vậy nhiều trẻ bị lãi kim cứ bị tái đi lái lại mãi. Kiểm tra móng tay trẻ em của một nhà trẻ cho thấy 62% móng tay có trứng lãi kim…
Giữ vệ sinh môi trường cũng là điều quan trong. Nhà cửa, giường chiếu… nhiều nơi có trứng lãi, nhất là lãi kim. Kiểm tra một chiếc chiếu của một nhà trẻ đã thấy được 257 trứng lãi kim. Trong đất của sân, của vườn, của ruộng… đều có thể có ấu trùng của lãi móc. Trẻ em lê la đùa nghịch ở sân, vườn… các ấu trùng đó sẽ chui qua da đột nhập vào cơ thể, và trưởng thành lên, gây bệnh cho trẻ. Phân người cũng chứa nhiều loại trứng lãi. Nếu đem phần còn tươi đi bón ruộng, bón rau, sẽ gieo rắc các mầm bệnh lãi đi các nơi… Do đó, việc giữ vệ sinh nhà cửa, sân, vườn, giường chiếu là cần thiết. Ở các vùng nông thôn, các nhà vệ sinh phải làm cho đúng quy cách , giữ sạch sẽ thường xuyên, và tuyệt đối không bao giờ dùng phân tươi để bón ruộng, bón rau.
Có nên cho các em học sinh uống thuốc xổ lãi thường kỳ không? Nên dùng loại thuốc nào?
Nếu có điều kiện, rất nên cho các em uống thuốc xổ lãi thường kỳ. Việc này rất có lợi cho các em, là diệt được lãi trong cơ thể, góp phần bảo vệ sức khỏe các em, làm cho các em khỏe lên… Ngoài ra, việc đó cũng góp phần quan trọng vào công tác phòng bệnh nói chung: vì khi các em không có lãi, thì phân của các em sẽ không còn trứng lãi nữa, giường, chiếu, móng tay chân,… các em cũng không còn trứng lãi nữa, do đó việc gieo rắc bệnh sẽ dần hết.
Thời gian uống thước xổ lãi là tùy theo hoàn cảnh và địa phương. Một ví dụ tại Nhật bản: Đầu tiên, cho các em uống thuốc xổ lãi mỗi năm 3 lần. Dĩ nhiên là cho uống hàng loạt tất cả các trẻ trong một vùng. Sau đó, bệnh lãi giảm dần, thì thời gian uống thuốc cũng thua ra: mỗi năm xổ lãi 2 lần. Cuối cùng, bệnh lãi đã giảm nhiều, thì mỗi năm chỉ cần xổ lãi một lần. Cứ như thế dần dần thanh toán được các chứng lãi.
Về thuốc xổ lãi thì có nhiều loại và có thuốc thì công hiệu nhiều với loại lãi này, công hiệu ít với loại lãi khác. Tuy nhiên trong hoàn cảnh ta hiện nay, nếu bạn không có điều kiện cho trẻ đi khám bác sĩ và xét nghiệm phân, thì bạn có thể cho trẻ dùng một loại thuốc thông dụng là : Mebendazole, còn gọi là Vermox, Fugacar,…
Điều thuận lợi của thuốc này là bất kỳ ở tuổi nào, nặng bao nhiêu ký đều dùng theo liều trên, bạn không cần phải cân trẻ, tính toán ra liều thuốc thích hợp… như một số thuốc khác. Bạn cũng không cần biết thật chính xác trẻ đang mang trong người loại lãi gì, vì thuốc trên có thể trị được nhiều loại lãi, kể cả loại lãi mà trẻ em nước ta thường có nhất là lãi đũa. Sau cùng, đó cũng là loại thuốc rất ít tác dụng phụ, và trong thời gian uống thuốc này, trẻ cũng không cần kiêng cũ thức ăn gì.
Có loại thuốc xổ lãi nào chỉ cần cần uống một lần thôi không?
Có. Nhiều loại xổ lãi đã được nghiên cứu và sản xuất, để chỉ cần uống một lần. Điều này rất tiện lợi, nhất là đối với những trẻ khó uống thuốc, hoặc những người hay quên uống thuốc. Tuy nhiên, dùng các loại thuốc này, phải biết cân nặng của trẻ để tính ra liều thuốc cần dùng.
Một trong các loại thuốc kể trên, được nhiều thầy thuốc tín nhiệm, là Combantrin (tên khoa học là Pyrantel), mỗi viên chưa 125mg hoạt chất. Liều trung bình là mỗi viên có 10kg cơ thể, uống một lần độc nhất. Thuốc này có thể trị được cả lãi đũa, lãi kim, lãi móc. Tuy nhiên, nếu trẻ bị lãi móc rất nặng, thì nên cho uống tăng gấp đôi liều hàng ngày, và uống như vậy trong 3 ngày liên tục. Thí dụ : trẻ 10kg có thể uống mỗi ngày 2 viên, trong 3 ngày liền.
Một loại thuốc khác mang tên Helmintox cũng hiệu quả hoàn toàn như trên, vì cũng chứa Pyrantel, có thể cho trẻ em dùng rộng rãi, vì giá rẻ hơn. Các dùng, liều lượng… hoàn toàn như thuốc trên.
Tuy nhiên, loại thuốc hiện nay đang được nhiều thầy thuốc sử dụng là thuốc mang tên Zentel ( Mebendazole). Thuốc này có ưu điểm là không những diệt được lãi (giun), mà còn diệt được cả trứng lãi, ấu trùng lãi (là những con lãi non mới ra đời). Ngoài ra thuốc này còn diệt được cả một số lãi, sán khí chúng đã qua được ruột người, xâm nhập được vào các cơ quan khác (như gan).
Việc sử dụng Zentel cũng dễ dàng. Chỉ cần nhai và nuốt một liều (2 viên = 400mg) duy nhất 1 lần, đối với những người từ 2 tuổi trở lên. Còn đối với những trẻ 1-2 tuổi, nếu chỉ có giun đũa, gium kim, giun móc, giun tóc, thì chỉ cần uống một lần duy nhất 1/2 liều (là 1 viên = 200mg).
Một ưu điểm nữa là thuốc rất an toàn, không cần kiêng cữ gì khi dùng thuốc. Đối với người lớn, chỉ cần tránh uống rượu. Tuy nhiên, cũng cần chú ý là không nên dùng Zentel cho người đã có dị ứng với thuốc, và cho các bà mẹ đang mang thai.
Ở trên là một số chứng lãi (giun) đường ruột thường gặp ở lưới tuổi trẻ em và học sinh và một số cách phòng chống tạm thời. Và nếu con em của bạn mắc phải những chứng bệnh này, tốt nhất bạn nên đưa chúng tới cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ. Tránh trường hợp không am hiểu có thể gây bất lợi cho người bệnh.
Nguồn: Trích BỆNH TRẺ EM CÁCH PHÒNG TRÁNH VÀ ĐIỀU TRỊ – trang 90 – 97
An Khang
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Chứng lãi (giun) đường ruột tại Pgdphurieng.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.